Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

KHÚC NHẠC ĐỒNG QUÊ



                                                                     Truyện ngắn của Đặng Toán


    Hưng lụi cụi lùa đàn bò hướng phía bãi sông Cái. Con đường liên xã mới được trải nhựa đen thẫm. Rặng bạch đàn bên đường lao xao trong gió sớm. Ngay phía dưới, con mương tưới đã được cứng hóa đang cần mẫn chở dòng nước, tắm mát cho thảm lúa mênh mông, như vẫn còn đang ngủ vùi trong làn sương đêm đẫm ướt. Đàn bò lầm lũi nối đuôi nhau theo một hàng dài sát mép đường. Chứng tỏ chúng đã được chủ nhân huấn luyện khá kỹ. Thời gian mới đi chăn, khi dong trên đường ra bãi thả, chúng cứ chạy lung tung cả lên. Hưng vừa phải dồn đuổi vất vả lại vừa bị người đi đường mắng kháy “ Rõ là hâm. Đang ở Hà nội không thích, lại thích về quê chăn bò!”, rồi “ Nom trắng trẻo thư sinh thế mà đi chăn bò. Rõ phí!”...Những câu nói như có muối xát vào lòng, làm Hưng nhiều khi phải bặm môi, mắt rơm rớm...Dù đã xác định ngay từ lúc mới về, anh vẫn không tránh khỏi xót xa... Bao công lao ăn học để bây giờ lại quay về với vạch xuất phát? Có hơn chăng là tấm bằng cử nhân xã hội học mà giờ đây Hưng cũng chẳng biết đến bao giờ mình mới có cơ hội dùng đến nó! Chẳng lẽ Thái nói đúng chăng? Mình về quê là một sai lầm lớn? Nhưng không lẽ cứ quẩn quanh trong cảnh sống ngột ngạt, nay làm chỗ này, mai chạy chỗ kia? Đồng lương thì chưa cầm khỏi tay đã bay mất!.. Không. Mình về quê cũng là để lập nghiệp. Để san sẻ bớt gánh nặng cơm áo cho bố mẹ cơ mà? Trước mắt hãy cứ làm một anh chăn bò đã. Không có gì sướng bằng mình làm thuê cho chính bản thân mình! Hưng đã nghe ai nói câu đó. Và đúng là về quê, Hưng thấy như khỏe ra, đầu óc bớt căng thẳng. Điều quan trọng là được sống làm chính mình, không phải lo giữ ý, giữ miếng, không phải suốt ngày đau đáu với nỗi lo thất nghiệp bất cứ lúc nào...

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

VÒNG XOÁY QUYỀN LỰC.



          Việc tỉnh Thái Bình cho khoi tố ông Trịnh Trung Thông, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình về tội “cố ý làm trái nguyên tắc quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Anh em văn nghệ sỹ Thái Bình nhiều người đặt câu hỏi: Việc làm trên có phải vì sự nghiêm minh pháp luật ở Thái Bình không? Nếu vậy sao có bao nhiêu vụ làm sai nguyên tắc như ở Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh... lớn gấp mấy chục lần ở Hội VHNT nhưng chỉ rút kinh nghiệm hay sử lý hành chính?. Hay sử lý ông Thông vì lợi ích phong trào VHNT của Tỉnh? Càng không phải vì bất cứ ai cũng nhìn thấy Tỉnh càng nhúng sâu vào công việc của Hội, càng trù dập lãnh đạo Hội thì phong trào văn học NT càng bê bết. Vậy truy tố ông Thông vì cái gì??? Bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Minh Đức, hội viên Hội Nghiên cứu Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nghiên cứu VNDG Thái Bình, nguyên Giám đóc Sở Văn hoá Thái Bình, nói rõ một phần sự thật của sự việc trên
(Bài do tác giả gửi cho vannghethaibinh)