Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

THƠ BIỂN ĐẢO


THƠ BIỂN ĐẢO

Ngày 21/6/2012, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua luật Biển Việt Nam với 495/496 số phiếu tán thành, trong đó đã khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có lẽ đây là một bộ luật có số phiếu đồng thuận cao nhất trong Quốc hội và được nhiều người từ người dân lao động chân tay tới hàng ngũ văn sỹ, trí thức , quan chức... quan tâm, nhiệt liệt tán thành nhất từ trước tới nay.
Nhân dịp này, VNTB xin giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thơ tiêu biểu về chủ đề biển đảo quê hương của một số nhà thơ trong  tỉnh...





ĐỖ TRỌNG KHƠI

BIỂN VIỆT


Mẹ Việt đứng tựa lưng vào biển
Lòng ôm cầm làng mạc, núi non
Ngàn năm ấy ngàn phen chìm nổi
Biển Việt Nam – Thế trụ chẳng xói mòn

Ngàn hòn đảo – Ngàn đứa con kiêu hãnh
Kia Hoàng Sa, Trường Sa bao la
Kia Cồn Cỏ, Lý Sơn dũng mãnh
Đây Sinh Tồn, Song Tử, Gạc Ma...

Đảo nào chả gái trai của mẹ
Mẹ sinh con từ thuở nước nằm nôi
Tộc Âu Lạc – Rồng châu quần cửa biển
Sóng lừng vang thế trận đã bao đời!

Có biển nào như biển bờ của mẹ
Mặt sóng đi cũng lưu dải đường mòn
Đồ Sơn – Thanh Phong – Vũng Rô – Vàm Lũng...
Trang sử mãi còn chói lọi dấu son.

Biển Việt tạc dáng cần lao mẹ Việt
Cua cá lần hồi khuya sớm nuôi con
Gia tài lớn Vụng Côn Sơn, Bạch Hổ...
Đã ngàn năm trữ ngọc trong lòng.

Biển nào hơn bãi bờ biển Việt
Vẻ thần tiên Hạ Long, Nha Trang
Núi cũng dáng tình gái trai thắm thiết
Những vọng phu, trống mái, núi Nàng...

Núi cũng dáng hình thiêng non nước
Thần Kim Quy ẩn mình nơi biển xa sâu
Hồn cổ sử rung rinh từng giọt chữ
Viên ngọc trai nào cũng tâm sự Mỵ Châu!

Con sóng nào cũng tâm hồn biển Việt
Góc biển chân trời dù đi đâu về đâu
Vẫn làng nước thuở Cha Rồng khai phá,
Biển máu núi xương kỳ vỹ nhiệm màu.

Ngàn năm đã qua, ngàn năm đang tới
Đây biển Việt Nam: Thế trụ kiêu hùng!
Giặc giã, bão giông vẫn sinh làng lập ấp
Vẫn đẹp dịu dàng dáng vóc Việt Nam.

9/9/2011


Phan Đức Chính

Trước biển Đông

1.
 Con rùa vàng phơi lưng trên cát
 Làng tôi đứng trước Biển Đông
 Những đêm trăng nằm nghe biển hát
Thuyền ra khơi con sóng lượn vòng. 
Biển tựa lưng vào những cánh đồng
Tựa lưng câu hát
Đất nước tựa lưng nhau đánh giặc
Tiếng đàn bầu ngả nón xuống dòng sông. 
2.
Sông Hồng chảy đến đây không thể dừng
Những sông lớn gặp nhau ngoài biển cả
Những anh hùng lại gặp anh hùng
Những danh nhân không bao giờ thiếu vắng.
Anh hùng
Dân đánh cá
Và thi nhân
Cũng từ sông ra biển
Cùng mênh mang trên một chiếc thuyền.    
 3.
Những chiếc thuyền ra khơi từ đất liền
Anh và em đi từ ao nhà ra biển
Có lúc nào em nghĩ chúng mình ra đảo trồng dưa
Làm vợ chồng An Tiêm giữa thị - trường - nước - ngọt?
Trái đất nóng lên
Thị trường cũng sẽ nóng lên.
Nơi thừa nước
Cũng là nơi thiếu nước.
Cả anh và  em không còn vô tư đứng hát
Em đừng trách anh đứng trước biển còn nghĩ làm gì
Không phải ai cũng làm được thi sĩ
Và đã là thi sĩ phải nghèo
Đem thân phận buộc vào số phận
Đem ta buộc vào nhau
Giữa biển không cần mặc áo.
Ta buộc ta vào biển
Ta buộc ta vào gió  bão
Ta buộc ta vào trời.
Xa đất liền biển vốn tự do!
Với đất liền
Biển ở  ngoài xa.
Nhưng với đảo
Biển là thềm lục địa. 
Đứng trước biển gọi là Tổ quốc.
Năm 1975
Có những đảo xa chưa kịp đến được
Thì em ơi
 Mây trắng cũng vô tình.
Tổ quốc là  nơi ta vẹn toàn
 Như anh và em
                    lên rừng
                                xuống bể
                                            vẫn chung nhau bọc nước
Hôm nay
 Anh lên tàu ra khơi. 
4.
Em đừng bảo sao anh không nhớ biển
Nhớ là  những gì đã cũ
Những gì anh đang đến đây mới lạ đến vô cùng.
Nỗi nhớ là  sự thiếu thốn không em
Nơi anh thức mà em còn chưa ngủ
Là ranh giới giữa ngày và đêm
Sự xa cách giữa đất liền và biển cả.
Khoảng trống giữa hai ta
Nỗi nhớ là  sự im lặng đến day dứt
Như ngọn đèn lay lắt vụt khêu lên
 “Mép biển một người đứng nghĩ”1
Sự đa cảm thành thi sĩ
Ý tưởng bay ra thành con sóng bạc đầu
Luật biển phân chia chủ quyền
                                nỗi nhớ bớt mênh mang.
 5.
Đảo chìm trước khi nổi lên mặt nước
Đảo san hô phập phồng ngực biển
Em ơi
Mây trắng bay về  đâu
Mà tình yêu ta ở phía trước con tàu và phía sau bánh lái.
Cái màu tím anh không thể hái
Bởi đi đến đâu cũng thấy chân trời.
Tự do là  khi ta nhìn về Tổ quốc
Mây trắng kia chính là những Cái Đẹp
Bởi đi về đâu cũng gặp con người.
Cả anh và  em đang đi tới
 Chỉ có  tình yêu là tồn tại
 Nghĩ cho cùng đến thế mà thôi.
Mọi triết lý  cũng vì miếng cơm manh áo
Giữa chiến tranh và không chiến tranh
Khác nhau về  mặt ý tưởng
Để anh và em luôn nhớ
Dáng mẹ ta người mẹ anh hùng
Mang một nửa những người con xuống bể!
Ôi mẹ Âu Cơ
Mẹ như con cò lửa
Bay
rộng dài trên  đất nước thương yêu.
 




Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

BÁCH THUẬN, RIÊNG MỘT LỐI ĂN LÀM




Bút ký NGUYÊN LONG


Chủ tịch nước thăm nông dân Thái Bình
Từ những năm đầu thập niên của thế kỷ trước cách đây khoảng bốn mươi năm, những ngày cả nước còn đang bom rơi đạn nổ, phong trào hợp tác xã nông nghiệp còn đang rầm rộ và cuộc sống khó nghèo vẫn còn trùm lên miền Bắc thì Bách Thuận đã nổi tiếng là một vùng quê giầu đẹp. Nghe nói thời ấy việc chạy ăn chạy mặc cho dân là công việc vất vả nhất của các địa phương nên mỗi khi phải đón tiếp khách là các cán bộ xã lo chạy đến són vó. Bởi khách trên đã về là phải lo cỗ bàn. Khách to, đông thì mổ bò, mổ lợn. Thấp nhất thì cũng phải “cơm gà, cá gỡ”. Có cơ sở một vụ phải đón vài ba lần khách là đã vốn teo, quỹ vỡ. Vậy mà Bách Thuận thời ấy, khách quốc tế, khách trung ương, khách tỉnh, khách của ngành, của huyện... rồi cả khách các nơi đến thăm quan đi về mườn mượt mấy năm liền. Có những đợt, xã còn tổ chức mời những đoàn nhà văn nhà thơ, nhà báo của trung ương và địa phương về ăn nằm hàng tháng trời để sáng tác, để viết về Bách Thuận. Báo chí thì chưa có ai làm thống kê cụ thể, nhưng văn chương còn lưu lại tập bút ký và thơ Hương vườn Bách Thuận dày gần 200 trang xuất bản cách đây đã 30 mươi năm được in bằng loại giấy thô đen của thời bao cấp. Song có sự góp mặt rất nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của thời đại như: Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Quân Miệm, Võ Văn Trực, Trần Lê Văn, Quang Huy, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hoa, Vân Long, Hoàng Hữu... Riêng nhà thơ Trinh Đường đã đi về Bách Thuận nhiều lần để viết ký, làm thơ và chủ biên tập sách nói trên cho xã. Còn đối với các nhà văn nhà thơ ở địa phương như Bút Ngữ, Minh Chuyên, Đức Hậu, Kim Chuông, Nguyễn Văn, Võ Bá Cường... và anh chị em hội viên Hội Văn nghệ Thái Bình thì ngày ấy đi về Thuận Vy, Bách Thuận gần gụi thân quen như nhà mình. Và cuộc đón tiếp nào, dù khách xa hay gần chủ nhà cũng nồng nhiệt, ăn uống cũng đày đủ thịnh soạn. Mấy chục năm rồi, nhưng nhiều anh chị em văn nghệ sỹ lớn tuổi bây giờ vẫn còn nhớ: lần nào về Bách Thuận cũng được ăn những thứ ngon mà thời bao cấp không mấy khi có.