SANG ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI
Doan VNS Thai Binh |
Đoàn lên đường từ trưa ngày 25/11/2011. Theo hợp đồng đúng 7 giờ ngày 26/11, Công ty du lịch Châu Á đón tại Vinh và đưa đoàn sang Lào qua Cửa khẩu Cầu Treo. Đã từ rất lâu nghe bài hát Sợi nhớ sợi thương, nhưng khi đi qua cửa khẩu Việt Lào ở đây, mọi người mới được chính kiến rõ nhất cái thời tiết hai mùa khác biệt “bên nắng đốt, bên mưa quây” của Trường Sơn đông và Trường Sơn Tây. Chỉ cách nhau một khoảng đường ngắn, nhưng bên này cửa khẩu là đất Hà Tĩnh, trời vẫn còn mưa giăng và mây mù nhưng sang qua biên giới là thấy nắng chiếu, trời xanh. Cũng là dãy Trường Sơn nhưng rừng núi bên đất Lào còn hoang sơ và nhiều rừng già tự nhiên hơn đất Việt. Đi vào sâu gặp nhiều khu dân cư nhưng nhà cửa ở đây thưa thớt. Một phần là do đất đai rộng rãi nhưng hình như người Lào không thích sống chen chúc nên ở khu rừng núi và vùng đất bằng phẳng cũng vậy, mỗi nhà dân là mỗi khuôn viên rộng rãi có cây cối và thiên nhiên bao bọc. Những thị tứ, thị trấn ở sâu trong nội địa, tuy là trung tâm của những thông thương buôn bán nhưng nhà cửa không san sát không chen vai huých cánh nhau, người đi lại không xô bồ ầm ĩ như ở ta.
Chiều khoảng 5 giờ đoàn đến thủ đô Viên Chăn và nghỉ tại một khách sạn của người Việt. Là thành phố trung tâm và đầu não của quốc gia, nhưng Viên chăn chỉ có khoảng sáu ngàn dân trong đó người Lào gốc Việt chiếm 1/3. Khoảng gần hai vạn người Việt sống đây, có gia đình đã mấy đời định cư, có những người mới gần đây sang làm ăn. Hầu hết người Việt Nam ở Lào nói chung, ở thủ đô nói riêng chủ yếu làm nghề buôn bán và kinh doanh nhà hàng, khách sạn và đều thành đạt nên đời sống và kinh tế nhìn chung khấm khá hơn dân bản địa. Người dân Lào gần 100% theo đạo Phật nên Phật giáo trở thành quốc giáo. Thủ đô Viên Chăn với số dân thưa thớt như vậy nhưng có 200 ngôi chùa. Bình quân cứ có 30 người dân có một ngôi chùa. Chùa ở đây gắn liền với trường học và gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Đạo Phật ở Lào thuộc tông phái Tiểu Thừa (hay gọi là Nam tông), người tu hành sống chủ yếu bằng của bố thí và khất thực giống như ở Thái Lan. Xrlan ca, Miến Điện, khác hẳn với Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam . Trung Quốc, Triều Tiên... Những người tu hành ở Lào được xã hội coi trọng, người dân coi việc bố thí cho những người tu hành, khất thực như một hành lễ hàng ngày. Có lẽ do giáo lý Phật giáo thấm sâu vào cộng đồng đã ngàn đời nên người Lào sống an nhiên và tĩnh lặng. Ngay ở các thành phố lớn, những nơi làm ăn sầm uất cũng không thấy cảnh vội vã hay lôi kéo khách, tranh chấp hàng như ở nhiều nước khác. Ngay ở trung tâm thương mại giữa thủ đô Viên Chăn nơi khách du lịch thăm thú suốt ngày đêm, các quầy hàng cũng 8 giờ sáng mới mở cửa và 4 giờ chiều đã nghỉ. Cảnh sống chụp giật lại càng không có.
Người dân Lào ít khi đi xe máy mà phương tiện giao thông chủ yếu là xe hơi, kể cả những gia đình nông dân. Nông dân Lào chiếm khoảng 80% dân số cả nước nhưng đồng ruộng rộng rãi và khá hoang sơ nên dân chỉ làm một vụ trong năm, mỗi vụ kéo dài 6 tháng. Gia súc ở đây hầu hết được chăn thả tự nhiên nên, cơm gạo thực phẩm lành sạch. Người dân hầu như chưa có khái niệm về ngộ độc thức ăn, về thực phẩm bẩn và nước uống nhiễm độc...
Các luật lệ ở Lào được duy trì không phải chỉ dựa trên cơ sở của luật pháp mà còn ở những tín ngưỡng của dân tộc. Ở thủ đô Viên Chăn không chỉ nhà dân mà các toà nhà của nhà nước, của các tập đoàn doanh nghiệp cũng rất ít ngôi nhà cao quá 4, 5 tầng. Đó không phải do đất rộng mà vì Thạp Luổng, khu trung tâm Phật giáo Quốc gia hiện nay là nơi đã có ngọn tháp cao 45m được xây dựng mấy trăm năm. Đây là đỉnh cao thiêng liêng mà không ai được phép hay dám vượt qua.
Đất nước Lào cũng có lịch sử chiến tranh và tranh chấp biên giới, đất đai với Thái Lan giống như nước Việt với nước Tầu. Nên hôm nay bên bờ sông Mê Kông, biên giới giữa hai nước ở thủ đo Viên Chăn người ta phải dựng tượng vua Sạt Thả, người có công từ thế kỷ 16 dời đô từ Luông Pra băng về đây. Bức tượng đồng cao hơn 10 mét đứng sừng sững giữa trời, một tay chỉ xuống sông Mê Kông bên dưới khắc dòng chữ : “Đây là lãnh thổ của quốc gia Lào” là để xác định chủ quyền bất di bất dịch của một đất nước trước một kẻ thù lắm mưu mô, luôn luôn rình rập.
Khách du lịch tới Viên Chăn thường đi xe túc túc. Đây là một loại xe hơi giống xe lam ở Nam bộ nhưng được gia cố chắc chắn và sơn màu sặc sỡ hơn. Việc phân luồng giao thông ở Lào hợp lý hơn ở ta. Ở các ngã ba ngã tư khi xe rẽ không có tình trạng hai làn xe đi chặn ngang đầu nhau. Quy định sử dụng phương tiện giao thông lại thông thoáng hơn, xe vận tải có thể chở người đi trong phố. Tuy đất nước còn nhiều mặt chưa phát triển nhưng người dân Lào khi tham gia giao thông rất có văn hoá. Họ luôn nhường đường cho người khác và không bấm còi xe ầm ỹ, không bao giờ phóng nhanh vượt ẩu. Chính vì vậy đi hàng ngàn cây số ở đây cũng không gặp một vụ tai nạn giao thông và đặc biệt là không mấy khi gặp cảnh sát đứng đường chặn xe.
Nghỉ lại một ngày ở Viên Chăn anh chị em trong đoàn đi thăm Khu trung tâm Phật giáo Thạp Luổng nơi có ngôi tháp cổ được xây dựng từ thế kỷ 16 và những công trình Phật giáo mới xây dựng rất lộng lẫy và bề thế. Thăm vườn hoa trung tâm thành phố có lễ Đài chiến thắng Pa tuxay được xây dựng từ năm 1926, phỏng theo lễ đài Khải hoàn môn của Pháp nhưng đường nét trang trí và hoa văn của Phật giáo. Đối diện với lễ đài là ngôi lầu treo chiếc Cồng Thế giới hoà bình đường kính khoảng 2m trên đó dán tất cả các lá cờ của mọi quốc gia trên thế giới thể hiện sự cầu thị hoà bình của dân tộc Lào. Buổi tối đoàn đi ngắm cảnh bên bờ dòng sông Mê Kông là trung tâm dạo chơi của người dân và khách du lịch ban đêm. Bên kia dòng sông là đất Thái Lan, cả hai bên đèn điện sáng trưng nhưng không một cây cầu, một bến đò thông thương đi lại. Đó là sự biểu hiện gần mặt nhưng cách lòng của hai dân tộc láng giềng không hữu hảo.
Sáng ngày 28/11 đoàn đi Luông prabăng. Chặng đường từ Viên Chăn đến cố đô có hơn 300 km nhưng đường đèo dốc quanh co nên đi từ sáng đến 8 giờ tối mới đến và những người khoẻ mạnh cũng cảm thấy mệt mỏi. Luông pra băng là khu cố đô, hiện nay đã trở thành thành phố du lịch của Lào. Khách tới đây chủ yếu để chiêm ngưỡng hai di tích cổ được xây dựng từ thế kỷ 14 vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn và đã được xếp hạng DTLS thế giới. Đó là cung điện Hoàng gia do vua Pharalak khởi dựng và ngôi chùa cổ Vat Xiêng Thông với kiểu kiến trúc vừa độc đáo vừa tinh sảo đặc trưng của văn hoá Lào.
Chặng đường cuối của đoàn là tới tỉnh Xiêng Khouảng, thăm quan cánh đồng Chum với bạt ngàn những chiếc chum đá cổ vừa kỳ vỹ vừa huyền bí mà loài người tới nay vẫn chưa tìm được sự lý giải.
Ngày 01/12 đoàn trở về Việt Nam qua của khẩu Nậm Cắn thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An khép lại một chuyến đi đầy bổ ích và lý thú. Những hình ảnh về đất nước triệu voi, về một dân tộc trọng đạo, sống bình lặng, yên lành và biết quý trọng yêu thương con người còn in sâu mãi trong lòng mọi người và chắc chắn nó sẽ đi vào những sáng tác mới của các văn nghệ sỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét