Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

TAP CHI VAN NGHE THAI BINH SO 202 THANG 10/2012


GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH
SỐ 202, RA THÁNG 10/2012

          Học tập là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạp chí số này giới thiệu truyện ký Tôi được gặp Bác Hồ của tác giả Trần Văn Thủ, viết theo lời kể của thiếu tá Trần Lam. Đây là câu chuyện kể lại quá trình phấn đấu trưởng thành của một cán bộ sỹ quan quân đội thời kỳ chống Pháp được vinh dự  được sống, chiến đấu trong mặt trận do Bác chỉ huy và được trực tiếp gặp Bác Hồ trong khi thực hiện nhiệm vụ. Đó vừa là vinh dự lớn vừa là được trực tiếp học hỏi những tấm gương sáng từ Bác đã có tác dụng cụ thể động viên người chiến sỹ trong suốt chặng đường chiến đấu gian khổ và làm nên những chiến công lớn.  Bên cạnh đó là một truyện ngắn Người bạn cũ một sáng tác mới của tác giả Đặng Toán, viết về đời sống và tình cảm của người lính đã từng xông pha nơi chiến trận. Tuy cuộc chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, nhưng những tình cảm bạn bè, tình yêu, tình đồng đội một thuở vẫn khôn nguôi.  Nó chính là ngọn lửa âm ỷ thắp lên tình yêu cuộc sống của người lính già hôm nay.
Hưởng ứng chủ đề
          Chuyên mục truyện ký dự thi về đề tài Nông nghiệp, nông dân và nông thôn số này có hai bài ký: Thuỵ Ninh lối rẽ sau khoán 10 của tác giả Nguyễn Duy Liễm viết về sự dám nghĩ, dám làm của xã Thuỵ Ninh (Thái Thuỵ) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại lớn để phát triển chăn nuôi, trồng màu và đã thu được hiệu quả cao trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Bài ký Sách về làng của tác giả Đặng Văn Toàn lại đi khai thác theo một hướng khác là biểu dương sự chú trọng tới sự phát triển văn hoá, tri thức cho nông thôn mới ở các làng quê còn đang nghèo khó về mọi mặt. Đây là điều không thể thiếu được cùng với sự phát triển về kinh tế trong sự nghiệp phát triển nông thôn mới ở các làng quê hiện nay.

          Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tạp chí giới thiệu trang thơ của các tác giả nữ: Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thuý Hằng, Vũ Thanh Huyền, Phan Hà với các bài thơ về chủ đề  tình yêu và những cảm xúc mang đậm nữ tính. Trang thơ tác giả số này giới thiệu hai tác giả là Phạm Hoài Ngọc và Trần Đức Toản với sự giới thiệu của Đỗ Trọng Khơi và Nguyễn Long. Đây là những cây bút thơ còn khá trẻ và hiếm hoi trong thời buổi nhiều người lớn tuổi làm thơ và rất ít người trẻ tuổi đọc thơ, yêu thơ hôm nay. Mục Những câu thơ tôi nhớ với những câu thơ hay của cố nhà thơ Đồng Đức Bốn như: Cõi người nhiều nỗi đắng cay/ cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu. Hay: Bởi còn tin ở đất đai/ biết hoa hồng dẫu lắm gai vẫn cầm ...
          Nội dung chuyên mục Nghiên cứu của tạp chí số này khá đậm nét với hai bài viêt khá công phu. Bài Phải chăng làng Đô Kỳ (Hưng Hà) là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông của tác giả Đặng Hùng  đưa ra những dẫn chứng, vật chứng khá thuyết phục về khả năng Thái Bình là vùng đất bà Ngô Thị Ngọc Giao cư trú trong thời gian sinh ra vị vua Lê Thánh Tông. Bài Mối liên quan giữa hai ngôi chùa Keo của Ngô Thị Vân Duyên đi sâu vào phân tích nguyên nhân ra đời, dẫn giải sự giống nhau và khác nhau của hai ngôi chùa cùng mang một tên Keo nằm ở cạnh dòng sông Hồng của đất  Thái Bình và Nam Định.
          Chào mừng Kỷ niệm Ngày các Nhà giáo Việt Nam, tạp chí in bản nhạc Vinh quang ngành Giáo dục Việt Nam của tác giả nhà giáo Ngọc Uý bên cạnh bản nhạc về phong trào xây dựng nông thôn mới Thanh Tân quê em của nhạc sỹ Hồ Thuỳ. Một chủ đề khá nổi bật trong tạp chí số này là giới thiệu các thành tựu Mỹ thuật của giới Hoạ sỹ tỉnh nhà trong Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng Sông Hồng năm 2012 vừa qua, với trang bìa 1 là bức tranh khắc gỗ Kỷ vật người lính biển của hoạ sỹ Phạm Hùng Cường tác phẩm đoạt giải A trong triển lãm. Cùng với bài viết Mỹ thuật Thái Bình tại triển lãm khu vực lần thứ XVII của Trần Thanh Liên là các bức ảnh đoạt giải của các tác giả Đỗ Như Điềm, Trần Thanh Liêm, Lưu Thanh Tuyền, Quốc Việt, Hoàng Trung Dũng... cho thấy sự hùng hậu về đội ngũ cũng như sự sung sức về nghề nghiệp của lực lượng điêu khắc, mỹ thuật Thái Bình hiện nay.
          Ngoài ra còn nhiều chuyên mục với nhiều bài viết hấp dẫn khác như chuyên mục Văn học nước ngoài với truyện ngắn Hai nhân hai là tám do dịch giả Vũ Công Hoan dịch, chuyên mục  Danh nhân Thái Bình với bài viết của nhà văn lão thành Bút Ngữ kể chuyện Lê Quý Đôn biện thuyết quan Tầu và Đào Trình Nhất đấu bút quan Pháp...
          Mời các bạn đón đọc tạp chí Văn nghệ Thái Bình được phát hành rộng rái trên mạng lưới Bưu điện toàn quốc
          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét