Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

HỘI THẢO VỀ BÚT KÝ TẠI BẮC GIANG


HỘI THẢO TRONG NHÓM VN8 TẠI BẮC GIANG

Đầu tháng 5/2012 Hội thảo Nhóm VN8 (gồm 8 Hội VNNT phía Bắc là Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái và Sơn La) lần thứ 7 được tổ chức ở Bắc Giang, do Hội VHNT Bắc Giang đăng cai tổ chức. Mỗi cuộc hội thảo của VN8 đi sâu vào một chuyên đề riêng về công tác tổ chức, chuyên môn và những vấn đề cần quan tâm của văn học nghệ thuật địa phương. Hội thảo lần này với chủ đề “Trao đổi về thể loại ký trên tạp chí, báo văn nghệ địa phương hiện nay” Hội VHNT Thái Bình tham gia hội thảo gồm các đồng chí lãnh đạo Hội và lãnh đạo tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Nhà báo Nguyễn Long, trưởng ban biên tập thay mặt cho VNTB tham gia trao đổi về vấn đề trên với đầu đề bài viết:

         KÝ IN TRÊN TẠP CHÍ, BÁO VĂN NGHỆ
                 PHẢI LÀ KÝ VĂN HỌC

                                                                                      Tham luận của NGUYỄN LONG

          Từ rất nhiều năm nay, không chi riêng Ban biên tập mà cả người viết, người đọc tạp chí Văn nghệ Thái Bình vẫn canh cánh một vấn đề: Thế nào là một bút ký văn học. Thái Bình đã có người viết ký nổi tiếng là nhà văn Minh Chuyên với một loạt bút ký về thời Hậu chiến như Thủ tục làm người còn sống, Nước mắt làng, Vào chùa gặp lại... Những tác phẩm của ông vừa đoạt giải nhất báo chí Toàn quốc, lại vùa được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Hay nhiều nhà văn viết ký đã thành tên tuổi như Đỗ Vĩnh Bảo, Đức Hậu, Lê Bính, Bùi Công Bính, Thiếu Văn Sơn... đã từng đoạt giải thi bút ký của báo Văn nghệ. Tuy vậy chân dung thể ký qua mấy cuộc toạ đàm, sau mấy cuộc thi ký của tạp chí Văn nghệ Thái Bình vẫn cứ mờ mờ ảo ảo, gây nhiều tranh cãi, tốn không biết bao nhiêu bút mực của những người quan tâm đến nó. Cho tới nay, dù đã có vài trăm bài ký in trên tạp chí, những người làm văn chương Thái Bình vẫn có hai quan niệm khác nhau:
 Một số người cho rằng người viết ký là làm ra tác phẩm văn học. Với những người làm văn chương những bài ký in trên các tạp chí, báo văn nghệ không có khái niệm ký báo chí. Là tác phẩm văn học nên ký vừa phản ánh sự thật cuộc sống lại vừa phải có cái tôi sáng tạo của người viết đó là tính hư cấu. Chính những cái mà người viết hư cấu lên mới tạo ra cái hay, cái đẹp và sức quyến rũ của thể loại ký... Để bảo vệ cho quan điểm này, có người còn đưa ra hình tượng cụ thể: Ký là một tác phẩm văn xuôi dựa trên một nguyên mẫu được phác thảo bằng bút chì. Hay: quan niệm có ký báo chí là một sự xúc phạm đến phẩm giá văn học của thể loại Ký. Chỉ những người có năng lực văn chương thực sự mới viết nổi ký. Còn nhà Lý luận phê bình Nguyễn Dương Côn thì định nghĩa: Ký là một thể loại văn học ma ám...
Một trường phái khác cho rằng ký là một thể loại tự sự có nhiều diện mạo như Nhật ký, hồi ký, phóng sự, ký sự... Nhiệm vụ chính của ký là trần thuật những người thật việc thật, nên bản chất của ký là chất “thật” chứ không có chất “hư”. Do vậy, ký không cần hư cấu, những phải hư cấu trong bài ký thì chỉ được phép hư cấu ở những thành phần không xác định như thời gian, không gian... mà người viêt không thể tường tận được diễn biến và chi tiết sự việc. Có người còn biện minh rằng ký mang tính thời sự nên nó không trường tồn, khi đã hết vị trí, tư cách thời sự thì nó ...tự chết. Hoặc có người còn đưa ra một mô hình phương Tây nào đó cho rằng ký phải thoả mãn được đầy đủ công thức 5 What (những câu hỏi): cái gì, ở đâu, bao giờ, thế nào, với ai...
Chính vì vậy, nhiều năm qua những người viết ký ở Thái Bình vẫn đi trên hai con đường khác nhau. Những cuộc thi ký do tạp chí tổ chức hoặc các bài gửi in tạp chí, bên cạnh những bài ký vùa có tính thời sự, tính thực tế vừa đậm chất văn chương, vẫn có rất nhiều bài ghi là thể loại bút ký nhưng thực chất chỉ  là một bài báo ít vấn đề, nhiều câu chữ. Thậm chí có bài giống như bản tường trình chuyến đi làm việc với một người, một tổ chức nào đó, được viết theo đúng thứ tự, công thức: Tôi đi, tôi đến, tôi gặp, tôi hỏi, tôi thấy và... tôi ra về. Thế cho nên có không ít trường hợp, tác giả tập hợp những bài báo, phóng sự điều tra của mình in thành tập gọi là bút ký để gửi dự xét thưởng hàng năm của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, và dự xét giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn 5 năm một lần của Tỉnh.
Chúng tôi nghĩ, không chỉ riêng với Thái Bình mà ở các địa phương hay toàn quốc, hoặc trên thế giới, những cuộc thảo luận, những ý kiến trao đổi về thể loại ký chắc chán không bao giờ có sự đồng thuận của tất cả mọi người. Bởi bút ký là một thể loại của văn học, nên nó cũng giống như các thể loại văn học khác, như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... không bao giờ có công thức, khuôn mẫu cho người viết. Từ xa xưa, cổ nhân đã dạy: “Văn vô định pháp, thần nhi minh chi’, nghĩa là:  làm văn chương không có pháp nhất định, nhập thần rồi sẽ thấy rõ. Song Ký có một đặc thù riêng phân biệt với các thể loại sáng tác khác đó là sự mô tả và trình bày cuộc sống thật. Cụ thể là phản ánh người thật, việc thật. Do vậy dù người viết thể hiện bằng phương pháp nào đi chăng nữa, hư cấu kiểu gì đi chăng nữa thì toàn bộ bài ký phải hiện nên cái thật của cuộc sống mà tác phẩm phản ánh. Bản chất sự việc, cũng như chân dung nhân vật phải hiện lên trong con mắt đọc giả một cách rõ ràng mạch lạc chứ không được mông lung, mơ hồ như thơ hay truyện ngắn. Và đặc biệt càng không được méo mó, sai lạc...
Từ ngàn năm trước, thể ký đã được coi là một thể loại của văn học và có rất nhiều tác phẩm ký góp phần đã làm dạng danh bộ mặt văn chương. Sử ký Tư Mã Thiên của Trung quốc với mục đích là ghi sử, nhưng nó lại được người đời truyền tụng nhờ tài văn chương của người ghi chép. Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông là một trong những tác phẩm ký mẫu mực của văn học Việt Nam. Ông chỉ kể những chuyện tai nghe mắt thấy trong một chuyến lên kinh thành chữa bệnh cho triều đình, mà người đọc thấy được cả nhân tình thế thái thời vua Lê chúa Trịnh. Văn học kháng chiến của Việt Nam có rất nhiều tác phẩm ký để đời, như Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc Cây tre Việt Nam của Thép Mới, Hà Nội ta đánh giỏi của Nguyễn Tuân... đều là những tác phẩm vừa thấm đẫm chất thật của cuộc sống vừa đậm chất tài hoa văn chương của người viết. Và chính nhờ điều đó những tác phẩm bút ký văn học mới trường tồn được với cuộc đời.
Do vậy theo chúng tôi, chúng ta có thể quan niệm hoặc định nghĩa Ký khác nhau theo cách hiểu của từng người. Song bút ký đã in trên tạp chí, báo văn nghệ dù ở địa phương hay trung ương điều kiện đầu tiên phải là ký văn học.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét