Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

ĐẶNG NGHIỄM, NGƯỜI THẦY KHUYẾN HỌC ĐẦU TIÊN XỨ SƠN NAM

NGUYỄN LONG 

         
Tượng đài Đặng Nghiễm đặt ở Nhà thờ họ Đặng Thái Bình
Đặng Nghiễm sinh năm 1155, người làng An Để, xã Hiệp Hoà, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Nơi đây là vùng đất từ thể kỷ thứ VI Lý Bôn đã chọn để xây dựng những trang ấp đầu tiên khởi nghiệp đế và lấy bà Đỗ Thị Khương, người làng An Để làm vợ. Khi lên ngôi vua, ông đã lập bà làm Linh Nhân hoàng hậu. Hiện nay tại làng vẫn còn ngôi miếu Hai Thôn thờ Tiên đế và Hoàng hậu.
          Hơn 100 năm kể từ khi vua Lý Thánh Tông lập ra Văn Miếu tổ chức thi cử để kén chọn hiền tài, nhưng cả một vùng đất Sơn Nam rộng lớn (gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam hiện nay) vẫn chưa có ai giành được khoa bảng.  Tuy nhiên, theo lời phán của Cao Biền từ thế kỷ thứ IX: Chiểu Lãng, Ba Đậu (tên gọi của làng An Để cổ xưa) địa phát khôi khoa, nên vùng đất này về sau có nhiều người học rộng, đỗ cao. Và Đặng Nghiễm chính là người khai khoa, mở mạch văn chương cho mảnh đất này.

          Dòng họ Đặng có nguồn gốc Trung Hoa di cư xuống phương Nam từ thuở xa xưa. Đặng Nghiễm là cháu đô đầu hoả Đặng Phúc Mãn, cụ thuỷ tổ họ Đặng của Việt Nam. Vốn thông minh hiếu học nổi tiếng thần đồng, từ nhỏ đã tinh thông Tam giáo. Lớn lên được chọn vào học ở Ngự Diên, trường học của con em các quan trong triều. Năm 30 tuổi ông dự khoa thi Bính Thìn niên hiệu Trinh Phù thứ X đời Lý Cao Tông và đố Minh Kinh bác học, đứng thứ hai khoa thi sau Bùi Quốc Khái, là một trong năm vị Đại khoa, được vua ban mũ áo, tên tuổi được khắc trên văn bia ở Quốc Tử Giám. Do có tri thức uyên thâm, tài cao học rộng và phẩm hạnh cao sáng, ông được bổ chức Thuyết học của triều đình làm nhiệm vụ vận động và trông coi việc học tập của xã tắc. Sau đó ông được bổ làm Thuyết thư trong triều đình có nhiệm vụ giảng sách cho nhà vua cùng hoàng tử, công chúa và các quan trong triều.
          Tuy tới thời Lý Cao Tông chính sự triều đình đã bắt đầu suy sụp, ngôi báu của nhà Lý đã lung lay, nhưng vùng đất Long Hưng, Thiên Trường bấy giờ (Thái Bình, Nam Định ngày nay) sự học bắt đầu hưng thịnh và hình thành một lớp trí thức phong kiến mới có đầy đủ học thức tiến bộ, phẩm hạnh cao sáng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng một xã tắc mới, phò tá nhà Trần. Sự đặt nền móng ấy có công sức không nhỏ của Đặng Nghiễm. Gia đình, dòng tộc họ Đặng của ông thời đó là một gia đình trí thức hiếu học và thành đạt. Sau khi vua Lý Cao Tông mất, Đặng Nghiễm đã cáo quan về quê sinh sống và  khuyến cáo sự học, mở lớp rèn dạy môn sinh. Sách Đại Nam thống nhất chí, chép về ông: Là người mở đầu khoa hoạn cho các Đại khoa làng khoa cử vùng Sơn Nam. Làm quan tới chức Thị Lang công bộ. Năm 55 tuổi cáo quan về bản quán dạy học. Là người khai mở mệnh mạch văn chương cho mảnh đất này thành dòng chảy mãi về sau.
          Trong hàng trăm môn sinh do quan Đại khoa Đặng Nghiễm truyền dạy rất nhiều người đã thành đạt. Riêng các con cháu ông nhiều người đỗ đạt cao như Đặng Tảo, Đặng Diễn đỗ tiến sỹ, Đặng Ca Ma đỗ thám hoa lúc 13 tuổi, nổi tiếng thần đồng. Rồi tới các đời sau như Đặng Hữu Điềm, Đặng Như Lâm đều học sâu, đỗ cao và được triều đình trọng dụng. Đặc biệt là Đặng Diễn khi còn trẻ đã nổi tiếng văn tài kiệt xuất nên được chọn vào học ở Ngự Diên và được nhà vua yêu quý thường cho hộ giá. Năm 1231 Diễn được lĩnh chức Ngự Diên bút thư giúp vua soạn các sắc chỉ. Năm 1232 ông đỗ Hoàng giáp, đứng đầu kỳ thi Thái học sinh khoa Nhâm Thìn. Khi Thượng hoàng Trần Thừa mất ông được cử chức hộ tống Ngự quan để đưa linh cữu về quê an táng. Sau ông được bổ làm tá thư Tri Quốc tử viên đào tạo nhân tài cho triều đình. Ngoài bốn mươi tuổi ông theo gương các vua Trần từ quan đi tu thiền ở Trúc Lâm Yên Tử..
          Nhờ sự khuyến học, rèn dạy của quan Tiên hiền Đặng Nghiễm, xứ Sơn Nam nói chung, nhất là vùng đất Lạng hương Mần (khu vực làng An Để và Ngoại Lãng) nói riêng từ đó  mệnh mạch khoa bảng, văn chương được khai sáng mãi về sau. Ở làng An Để, ngoài anh em con cháu họ Đặng sau còn có thêm hai người đỗ đạt cao là Thái học sỹ Đỗ Nguyên Chương là Triều liệt đại phu, Hàn lâm viện sỹ đời Trần Minh Tông, tên tuổi được khắc trong văn bia ở Quốc Tử giám. Rồi Đỗ Duy Đê đỗ đầu kỳ thi Đình Nguyên thời vua Tự Đức, tên tuổi được khắc ở Quốc Tử giám của triều đình ở Huế. Với dải đất Ngoại Lãng, cạnh làng An Để đã có hàng chục vị đại khoa tên tuổi sáng láng trong làng khoa bảng đất nước như: Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm và các tiến sỹ Trần Củng Uyên, Đỗ Oánh, Đỗ Hoàng, Doãn Khuê. Ngoài ra còn nhiều các vị thiền sư, danh tướng, văn thân tên tuổi lừng danh nhiều thời như: Đỗ Pháp Thuận, Đỗ Đô, Doãn Uẩn, Đốc Phước, Doãn Vị, Đào Bình…góp phần làm rạng danh cho nền văn hiến của địa phương cũng như nền văn hoá dân tộc.
          Đặng Nghiễm mất năm 1236 ở quê nhà, hưởng thọ 79 tuổi. Tuy gần một ngàn năm sau dòng họ Đặng ở làng không còn ai đỗ đạt cao nhưng tới những năm 60 của thế kỷ XX ( tới thời xây dựng Hợp tác xã), Làng An Để vẫn còn tồn tại hai ngôi đình, đình Cả thờ thành hoàng và đình Nội thờ các vị đại khoa họ Đặng.

          Để ghi nhận công lao khai khoa mở mạch khoa bảng khuyến học của ông, ngày nay, tỉnh Thái Bình đã lấy tên ông đặt tên cho một đường phố ở thành phố Thái Bình. Cuối năm 2007 Viện sử học Việt Nam cùng Trung tâm văn hoá  khoa học Quốc Tử Giám kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phả tộc Việt Nam và Ban liên lạc họ Đặng Việt Nam đã tiến hành tạc tượng ông bằng đồng và tổ chức hội thảo vinh danh ông ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Sau đó bức tượng ông được tặng cho nhà thờ họ Đặng thờ ông ở đất Thái Bình. Đây cũng là thờ thuỷ tổ họ Đặng Việt Nam vì ông được tôn là ông tổ họ Đặng của toàn quốc.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét