Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

LỐI RẼ SAU KHOÁN 10




 
TÁC PHẨM DỰ THI VỀ NÔNG NGHIỆP NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN

LỐI RẼ SAU KHOÁN 10
                                              
                                                            Bút ký dự thi của Nguyễn Duy Liễm

 
            Tôi về với Thụy Ninh giữa tết Thanh Minh.

Nắng mới đã bừng lên. Bầu trời mùa đông ảm đạm cố hữu sầm sập như chiếu lồng bàn, nay được vén bung đi trả lại cho đất trời miền duyên hải màu xanh mơn mởn non tơ ngợp tràn ngút ngát. Những mảng lúa chiêm xuân vàng ệch èo ọt vật vờ trong giá rét hôm nào đã thoát xác vào thì con gái đang cựa quậy sinh sôi trong gió nồm nam thoảng nhẹ.
          Có mặt tại Thụy Ninh trong dịp này, tôi thấy được niềm vui trên khuôn mặt những người nông dân đang dốc sức ra đồng bón thúc cho vụ lúa chiêm xuân đầy hứa hẹn. Nhưng cuộc sống ở một miền quê thuần nông vốn yên ả này thì cây lúa lại đang lui dần xuống hàng thứ yếu để cho nghề chăn nuôi lên ngôi. Tôi thấy đây là hiện tượng: lạ và có lẽ rất độc đáo nữa - một miền thôn giã có nếp sống độc canh muôn thủa bỗng dưng biến đổi như thoát xác vươn lên, nên tôi tìm đến mong được lý giải...
*      *
*
          Là một phần của vùng đất sa bồi do dòng sông hóa tải phù sa về hợp lưu với hệ thống sông Thái Bình bồi đắp. Thụy Ninh tiếp giáp với Vĩnh Bảo, Hải Phòng có con sông Hóa làm ranh giới tự nhiên. Phía Tây Bắc tiếp giáp với xã An Mỹ huyện Quỳnh Phụ, nên Thụy Ninh cũng là nơi khởi nguồn cho dòng chảy quan trọng tải nước phù sa về nuôi sống cả vùng đồng bằng duyên hải phía bắc huyện Thái Thụy. Sông ngòi ngang dọc luồn lách chảy giữa làng xóm, đất đai màu mỡ tạo nên một miền trù phú, Thụy Ninh hao hao giống những miền quê vùng đồng bằng Nam Bộ.
          Với một miền địa lý như vậy nên từ bao đời nay đây là nơi lý tưởng để nghề trồng lúa nước phát triển cho năng suất, chất lượng cao. Thụy Ninh được Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Thái Bình chọn làm điểm sản xuất giống lúa. Và mỗi năm Thụy Ninh đã tuyển chọn được từ ba đến năm trăm tấn lúa cung cấp giống cho tỉnh. Nếu cứ nhìn vào giá trị sản phẩm thu được từ một cân lúa giống tăng 25% so với cân lúa thường thì đây cũng là một nguồn thu đáng khích lệ cho người trồng lúa. Nhưng người Thụy Ninh chưa dừng lại chấp nhận mà họ vẫn tìm cách vượt lên rồi biến nghề chăn nuôi trang trại thành nguồn thu nhập chủ yếu.

          Với người nông dân thì cái gì đã gắn bó thành nếp thường nó dần biến vào tiềm thức rồi trở thành một thứ cố hữu. Thay đổi nó như thay đổi một tập tục là một cuộc cách mạng. Với suy nghĩ này, tôi tìm đến xin được gặp ông Phạm Văn Ngọ - Bí thư Đảng bộ xã Thụy Ninh để được giải đáp.
          - Trong khoán mười. Để "công bằng hóa" mỗi xứ đồng đều phải xẻ chia vụn vặt đến tối đa nhằm bình quân đến từng nhân khẩu. Đồng ruộng trở thành manh mún. Và cho mãi tới tận bây giờ nhiều nơi mới đang rộ lên việc dồn điền đổi thửa. Vậy bằng cách nào mà từ sáu năm trước, Thụy Ninh đã bứt ra để có khu trang trại Triu Tô với quy mô 23 trang trại, tổng diện tích 17,6ha (thực chất thì từ 3/2002 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã ra quyết định 07 về việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Rồi sau đó là chỉ thị của UBND tỉnh ban hành đề án dồn điền đổi thửa ... Nhưng nhiều địa phương do còn vướng mắc về tư tưởng mà chưa triển khai được).
          - Đấy là năm 2006 - ông Phạm Văn Ngọ cho biết. Tỉnh chủ trương cho thành lập bảy khu chăn nuôi tập trung trên bảy huyện trong địa bàn tỉnh. Với hình thức: Trang trại gia đình. Có sự liên kết giữa "các nhà": Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông.
          Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng - đường, điện, nước và pháp lý.
          Nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật, khoa học, phòng chống dịch bệnh.
          Nhà doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vốn giống và bao tiêu sản phẩm.
          Cứ nghe nội dung pháp lý trên văn bản của dự án quả là thật đáng mừng. Nhà nông chẳng mong gì hơn thế.
          Thụy Ninh may mắn được huyện Thái Thụy chọn làm cơ sở thí điểm thực hiện dự án. Để triển khai, Đảng ủy, UBND xã Thụy Ninh vội cho quy hoạch 6ha thuộc khu đất bãi Triều Tô ngoài ven đê sông Hóa làm điểm chăn nuôi tập trung. Đây là một phần khu đất thuộc sa bồi rộng 17,6ha. Tuy đã được khai phá từ lâu, nhưng lệ thuộc vào môi trường tự nhiên dòng sông Hóa tạo nên, vì vậy canh tác kém hiệu quả. Năm chỉ cấy một vụ lúa bấp bênh hoặc đợi mùa khô trồng màu. Những hộ được chọn và thực hiện dự án trước tiên phải là tự nguyện. Và là những hộ nông dân trẻ, những hộ luôn năng nổ trong phong trào tìm tòi , sáng tạo đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào đồng ruộng. Và nữa: Điểm cơ bản là phải có "máu" khát vọng làm giầu.
           Để có sự ổn định lâu dài, Đảng ủy, UBND xã đã cho phép các hộ trong dự án được dồn đổi ruộng quy vào diện tích trang trại cho từng hộ. Để mỗi người trong hộ trang trại phải có tối thiểu diện tích sử dụng 5.000 mét vuông và tối đa là 10.000 mét vuông. VÌ vậy xã ra một chính sách ưu tiên. Ruộng đất canh tác tính bình quân nhân khẩu ở đây khá cao 700m2/người.
          Khi chuyể đổi cứ một mét vuông nội đồng lại được tính bằng hai ngoài đất bãi. Và sản lượng thu nộp hàng năm cũng được giảm 50%. Tuy vậy khi thực hiện, nhiều hộ trẻ vẫn không đủ điều kiện để chủ sở hữu 5.000 mét vuông đất trang trại. Để tháo gỡ vướng mắc này tạo điều kiện cho các hộ nông dân trẻ phát triển. Đảng ủy, UBND xã lại phải họp bàn rồi quyết định cho phép những hộ này được phép thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất trong họ hàng gia tộc, bạn bè ... Số hụt hẫng còn lại được tính vào diện tích đấu thầu (từ quỹ đất công ích).
          Tỉ như hộ anh Kiều thôn Hệ. Lúc ấy anh Kiều mới ba mươi tuổi, vừa lập gia đình. Ruộng đất của hai vợ chồng còn ít, anh phải thỏa thuận với ông bà ngoại "mượn" năm sào đất bổ sung thêm vào quỹ đất của hai vợ chồng mà dồn đổi để được chủ sở hữu trang trại 7.000 mét vuông (số còn lại tính vào diện tích đấu thầu lâu dài).
          Nhờ có chính sách thích hợp như vậy của các cấp lãnh đạo địa phương nên khu chăn nuôi tập trung Triều Tô của Thụy Ninh nhanh chóng được thành lập. Các hộ nông dân hăm hở xây dựng cơ bản rồi đi vào sản xuất.
          Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì dự án đã bị phá sản.
          Khi tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi ngẫm mà xét thì cũng không biết quy lỗi về ai(?).
          - Phần doanh nghiệp. Phải chăng vì mất tự tin. Không chủ động được thị trường tiêu thụ. Nên đối với đối tác nhà nông tỏ ra chắc lép. Không dám bỏ vốn đầu tư như thỏa thuận - Sự chủng chẳng bất nhất làm phá vỡ cam kết với nhà nông (?).
          - Phần nhà khoa học nhiều khi vẫn bất lực trước dịch bệnh để mặc nhà nông ngoi ngóp với vốn liếng của mình.
          Vậy chỉ còn lại giữa Nhà nước với nhà nông.
          Tuy đã cố gắng tạo nên chủ trương pháp lý rất tích cực và hỗ trợ rất tốt hạ tầng cơ bản về: Đường, điện ..., Nhưng nhà nước hình như không can thiệp được với ngân hàng, với các doanh nghiệp để nhà nông được vay một phần nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định hơn để giúp họ phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng bộ ổn định.
  - Còn nhà nông đuợc thả nổi. Trước cái khó bó cái khôn . Vốn ít lại quen với nếp làm ăn manh mún chưa thể bỗng chốc lột xác trở thành những nhà chăn nuôi  với mô hình hiện đại như “ các nhà “ mong muốn .
      Vấn đề này ông Hồng trưởng khu chăn nuôi  Triều Tô nói rằng “ Cái khó khăn lớn  nhất của chúng tôi đó là thiếu vốn. Vốn ngân hàng cho vay thì ngắn hạn. Nên các bộ phận chăn nuôi ở đây phải lo đáo hạn mà thành ra giật gấu vá vai . Hơn nữa, vay chăn nuôi nhà nước chằng dành cho một ưu đãi nào. Xưa nay chúng tôi vẫn vay với lãi suất 17%/ năm . Mãi đến lúc này mới giảm xuống còn 14,2 % / năm . Nhưng đấy là giảm theo định mức chung của ngân hang. Còn phía các doanh nghiệp đã không hỗ trợ vốn giống như ban đầu cam kết. Khi có sản phẩm thì họ đặt ra quy chuẩn khó chấp nhận . Rồi thu mua thì  họ phụ thuộc vào thị trường có được. Thành ra nông dân trở thành dở khóc dở cười trước đống sản phẩm mình làm ra “ .
        Đấy là nguyên nhân chung đẩy dự án chăn  nuôi đến phá sản.
       Nhưng với Triều Tô của Thụy Ninh không những vẫn tồn tại mà còn được nhân lên với quy mô lớn  hơn cả chục lần, trở thành một mô hình phảt triển của nông thôn trong thời hội nhập. Đấy chính là điều đáng nói để câu chuyện được ghi lại ngày hôm nay.
       -Trước tình trạng ấy , Đảng uỷ - UBND xã Thuỵ Ninh  đã nhanh chóng cho chuyển phương thức canh tác tại khu chăn nuôi tập trung Triều Tô thành khu trang trại VAC - Vườn Ao Chuồng ( lời ông bí thư Đảng bộ xã Thuỵ Ninh). Khí hậu nơi đây thoáng đãng trong lành, đất sa bồi màu mỡ và điều đáng quý giá nhất là nguồn tài nguyên nứơc quanh năm ăm  ắp chảy trên sông Hóa sẽ rất phù hợp với nghề thủy sản.
         Có  được chủ trương của xã , các hộ nông dân trong khu chăn nuôi Triều Tô  lại lao vào cải tạo nơi đây thành những trang trại VAC. Rồi chỉ sau một năm chuyển đổi, những trang trại VAC ấy đã phát huy hiệu quả. đất sa bồi màu mỡ từ lòng ao được máy hút, máy “ngoạm” đưa lên vượt thành vườn tược. Và từ những vườn, những ao, những chuồng ấy đã tạo ra một nguồn hàng hóa tập trung để các mối hàng đưa đến thành phố , các khu công nghiệp….
         Với Thuỵ Ninh còn phải ghi nhận thêm một bài học sâu sát cẩn trọng và kiên quyết trong khâu quản lí đất đai. Như trên đã nói. Tuy có một cách nhìn rất thoáng để tạo điều kiện cho các hộ nông dân có ruộng đất tập trung nhưng khâu quản lí và kim tra không để cho các hộ tự động sử dụng sai mục đích đất nông nghịêp . Nên mục đích chuyển đổi của Thuỵ Ninh đã phát huy hết tàc  dụng. Khi  phái đoàn về kiểm tra để rút ra những bài học về dự án chăn nuôi tập trung vẫn công việc làm của Triều Tô đi đúng hướng và đem lại kết quả tốt và Triều Tô vẫn đựơc nhà nước hỗ trợ kinh phí để mở rộng khu trang trại Triều Tô thành quy mô lên 17,6 ha (đó là năm 2009).
       Từ thành công ban đầu ấy là những thực tế mắt thấy tai nghe đã khích lệ người nông dân Thụy Ninh nô nức viết đơn gửi lên các cơ quan quản lí của địa phương xin được dồn đổi ruộng để mở trang trại VAC. Tới mức toàn xã dấy lên một phong trào.
       Và lúc này , Đảng uỷ  - UBND xã chúng tôi – (Lời ông bí thư Đảng bộ) lại họp bàn phân tích cân nhắc tình hình cụ thể rồi quyết định cho quy hoạch tiếp toàn bộ đầm hồ, thùng đấu ruộng rộc ven đê …, mà xưa nay vẫn giao cho các đoàn thể hoặc cá nhân đấu thầu cấy, thu cá tự nhiên để giao cho các hộ có nhu cầu làm trang trại . Cho đến thời điểm này toàn xã đã có đến 1700 hộ dân thì có tới 182 trang trại được thành lập. Trong đó 116 trang trại quy mô đã được cấp giấy phép  - Bìa đỏ. Điển hình có gia đình ông Khoa thôn Hệ có tới ba trang trại ( ba con trai ông Khoa , mỗi người một trang trại )
       Chúng tôi có chủ trương xoá bỏ những trang trại quá manh mún không đủ quy chuẩn hoặc hạn chế tối đa chăn nuôi  trong khu dân cư, dồn cả ra các khu trang trại để bảo vệ môi sinh và kiểm soát dịch bệnh ...
       Chỉ xin trích dẫn với bạn đọc những con số này hẳn chúng ta đã thấy thật quá đáng nể trọng và không thể không chia vui với người nông dân xã Thuỵ Ninh:
- Mỗi năm họ chăn nuôi được 35 đến 40 nghìn con gia cầm.
-Với 27 ha ao ( diện tích mặt nước), năm 2011 họ được thu được 170 tấn cá.
- Con số lợn hơi xuất chuồng lên tới 700 tấn .
     Và con số 47% thu nhập về chăn nuôi trong tổng số  thu nhập của ngành nông nghiệp địa phương  là một con số đã gợi lên rất nhiều những điều  cần nói. ( Tổng diện tích đất canh tác khoảng 560 ha - đất quy hoạch cho các trang trại VAC là 65ha )
      Vâng. Đó thực sự là một con số biết nói. Nói lên cái thành quả mang khát vọng đổi đời của người nông dân.  Nó chưa thực sự là những con số biểu đạt sự giàu có. Nhưng nó chứng minh cho bước phát triển đầy ý nghĩa với người nông dân ở một miền quê được xem như là heo hút, mom sông cuối tỉnh .
      Ông Phạm Văn Ngọ còn cho biết “ Mục tiêu phấn đấu với Thuỵ Ninh là phải đạt được 60% về thu nhập chăn nuôi trong tổng thu nhập ngành nông nghịêp của địa phương” . Đây là một bứt phá có thể nói là phi thường. Một nỗ lực vươn lên thành tiêu biểu để ngành nông nghiệp nhân thành phong trào.
          - Từ một vùng chuyên canh chỉ có cây lúa độc canh đơn điệu, người Thụy Ninh đã năng động vượt rào, bứt phá vươn lên. Bieetss biến hóa từ cái khó khăn thất bại ban đầu, đưa từ không lên có một cách sáng tạo mở ra một phương thức canh tác mới trong đồng ruộng quê mình ...
          Để minh chứng thêm về hiệu quả của việc làm này, tôi lần theo những địa chỉ đã chỉ dẫn. Người tôi tìm đến đầu tiên ở khu trang trại Triều Tô là ông Nguyễn Văn Hồng - Trưởng khu.
          Đường điện rồi đường bê tông cỡ hai ô tô vận tải tránh nhau lọt chạy xuyên suốt Triều Tô. Nói là trang trai sản xuất mà phong cảnh bài trí đẹp như công viên. Vườn nhà ông Hồng những hàng vải thiều, nhãn hương chi đứng thẳng lối ngay hàng, trông tăm tắp như ngững chiếc nấm xanh đổ bóng xuống ao. Vòm lá xanh ấp ủ những chùm quả non lăn tăn vừa kịp nhú khỏi đài. Còn chậu cây cảnh thì được đúc, tỉa cầu kỳ trang trí cho khu vườn thêm bắt mắt. Dưới ao đàn vịt trắng lóa lao xao vừa giáp cánh chờ xuất trại. Và một dãy chuồng trại. Mỗi chuồng thấy một ả lợn nái đang ngồi chầu hẩu gác mõn lên máng chờ ăn ... Liếc qua qua phong cảnh đã nhận ra chủ nhân là một người căn cơ, tháo vát. Vợ chồng ông Hồng đón khách như đón một người đã thân quen.
          Trong câu chuyện trao đổi thân tình, tôi  được biết trang trại của gia đình ông thu nhập vào mức trên trung bình so với mức thu nhập của toàn khu. Năm 2011 ông cho xuất chuồng được 20 tấn lợn hơi, ba tấn gia cầm - chủ yếu là vịt. Trong chuồng luôn thường trực 15 con lợn nái để tự cung cấp giống. Tiền bán cá thu được 60 triệu đồng, trên đất vườn thu được 10 triệu đồng bán củ đậu. Còn những thứ khác như: Nhãn, vải, đu đủ, chuối thì mùa nào thứ ấy, ông không ghi vào sổ.
     Ông Hồng còn cho biết: Những trang trại có doanh thu khoảng trên một tỷ như nhà ông thì nhiều, chứ những gia đình làm ăn lớn vượt lên cũng đã có nhưng chưa nhiều. Tỷ như nuôi gà có gia đình ông Lưu. Mỗi tháng ông Lưu nhập trại đều đều c ó 1000 con gà giống. Về nuôi cá có gai đình ông Thuận. Với hai ha ao chuyên nuôi cá giống. Ông Thuận không chỉ cung cấp cá giống cho cả vùng mà còn buôn bán cá giống với cả các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, được mệnh danh là "vua cá giống".   
    Ngoài trang trại của gia đình ông Hồng tôi còn tìm vào trang trại của gia đình khác như anh Kiên , ông Phin , ông Hanh. Vào trang trại của  gia đình nào cũng thấy những ân tình hồ hởi và không  khí làm ăn sôi nổi hăng say . Theo như các ông chủ trang trại ở đây cho biết thì mỗi trang trại của họ một ngày phải cần có từ hai đến bốn lao động thường trực. Và mỗi ngày công lao động phải thuê như cuốc đất, nhặt cỏ cũng phải trả thấp nhất 100.000 đ . Vậy thử nhẩm tính để thấy con số lao động trên 182 trang trại của đia phương này đã tạo ra việc làm và thu nhập là bao nhiêu (?) cho người dân sở tại.
Con số ấy chưa lớn nhưng không thể xem thường được ! Điều này sẽ giải mã cho du khách đến đây thấy làng xóm vẫn tấp nập đông vui, cuộc sống vẫn ồn ào sôi động, và làng xóm khang trang  với dáng dấp của đô thị , thị tứ.
        Nói đến chuyện này tôi lại chạnh nhớ đến câu chuyện cũng vừa nói đây thôi , tôi về chơi với chú em rể tại xã  T.H cùng huyện Thái Thuỵ nhân lúc anh em đàm luận , em tôi cho biết “ Bốn thôn của xã T.H là N-C ; B-H ; N-T ; Tr.Tr . Mấy năm trước mỗi thôn còn mở một lớp mẫu giáo . Nhưng đến sang năm nay phải dồn cả bốn thôn mới mở được một lớp mẫu giáo.
       Thấy tôi ngạc nhiên , em tôi giải thích “ Không phải sức đẻ ít đi. Dân số đăng kí của toàn xã T.H vẫn là 6000 dân. Điều bất thường ở chỗ: Những cặp vợ chồng đang ở độ tuổi sinh đẻ đã đưa nhau ra thành thị hoặc khu công nghiệp để kiếm sống nên làng xóm mới vắng oảng đi như thế. Đấy anh xem làng xóm vào giờ này vẫn im ắng như một làng hoang. Thì anh cứ suy từ vợ chồng em đây. Ba đứa  con có trai có gái đủ vợ đủ chồng, năm đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Vậy mà có đứa nào ở nhà. Chúng nó đang bươn trải ngoài thành phố kíêm sống.chỉ có hai thân già ở lại đi một nốt chân về một nốt chân thì sao không khỏi rêu phong vào đến tận hiên nhà.
       Rồi như để chứng minh cho điều mình nói , chú em tôi chỉ ra đám đất dùng làm sân vận động ngay trước nhà “ Sân vận động này ngày xưa rần rần tiếng hét, tiếng la của thanh niên , con trẻ . Bây giờ để không cho cỏ mọc , rồi dắt díu nhau ra thành phố, ra khu công nghiệp ở chen chúc trong cả những phòng thuê mướn giống  như những khu trại chăn nuôi thời bao cấp.”
        Câu chuyện của chú em tôi thì còn dài dòng lắm. Nhưng cứ lan man mãi sợ chuyện loãng ra. Nên tôi chỉ xin trích dẫn lời ông B.S.T nguyên bí thư tỉnh uỷ T.B phát biếu trước quốc hội năm nào: Mỗi ngừơi nông dân T.B sau mỗi mùa canh tác (6 tháng). Trừ chi phí sản xuất. Nếu được mùa họ còn thu được trên suất ruộng khoán của mình khoảng 90.000đ”. Nếu cứ vào đó rồi đem so sánh với mức lương khởi điểm mà nhà nước vừa ban hành 1.050.000đ/người/tháng thì thu nhập của người trồng lúa xếp vàp thứ hạng nào (?).
     Cuộc sống của người nông thôn đã bị thụt lùi quá xa so với những công nhân đang sinh sống ngoài thành thị và những khu công nghiệp. Khiến họ bức xúc. Họ không mặn mà với ruộng vườn nữa.
     Việc này lẽ ra xã hội có quyền và có trách nhiệm điều tiết, tạo lại sự công bằng cho họ. Nhưng chúng ta chưa làm được (.) Và người nông thôn chỉ còn cách chọn con đường tha hương đổ xô ra thành thị  và các khu công nghịêp – thành kẻ nhập cư bất đắc dĩ, mong sự đổi đời . Rồi gây nên sự dồn cục, mất cân bằng, phá vỡ theo sự ổn định của phân bổ dân số . Làm sốt đẩt đai. Và là nguyên nhân chênh lệch giữa giàu nghèo phi lí lẽ ra không đáng có (!). Đó là những nguyên nhân của bao tệ nạn khác như: thiếu trường, thiếu y tế, ách tắc giao thông; Bức xúc chỗ ở tại những khu công nghịêp và đô thị. Còn vùng nông thôn thì ngược lại. Việc thay  đổi lại chính sách để phát triển cho đồng bộ, kéo các trường đào tạo ra ngoại thành, đưa các khu công nghiệp về. Và “chia bớt “ thành thị cho nông thôn để ổn định và công bằng lại thu nhập cho người nông dân là việc của nhà quản lí. Nói thế thì đấy còn là công việc dài dài không phải của một sớm một chiều. Nên soi lại việc đã làm được của Đảng bộ và nhân dân xã Thuỵ Ninh - Huyện Thái Thị - tỉnh Thái Bình tự tìm kế sách giải thoát cho mình. Đúng là một việc làm - một sự kiện đầy ý nghĩa rất quan trọng với tình hình chung của đất nước.
      Để kết thúc bài viết, tác giả chỉ xin nói thêm một chút được chắt ra từ cảm nhận sau chuyến về thực tế ở Thuỵ Ninh:
Với nông thôn. Sau khoán mưòi thì đây sẽ là một lối rẽ nữa mà Đảng bộ và nhân dân xã Thụy Ninh đã bứt phá để vượt lên đầy sang tạo mở ra một phương thức sản xuất mới . Nhờ đấy người nông dân đã được thực sự chủ động là chủ mảnh đất của mình chủ sở hữu để phát huy hết khả năng tác dụng của đất đai lẫn trí tuệ . Đưa cuộc sống của chính mình - của nông thôn tiến đến đổi mới và hiện đại. /.

Viết tại Thái Thuỵ - Thái Bình
                                                                                                                     
Tác giả: Nguyễn Duy Liễm
Địa chỉ: Tổ 2 – K6 – P. Cẩm Trung – TP. Cẩm Phả - Quảng Ninh
ĐT : 0984.053.771 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét