Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Truyện ngắn của NGUY ỄN B ÍCH LAN


VỀ QUÊ NGOẠI
                                     Truy ện ngắn c ủa NGUY ỄN B ÍCH LAN


Nhà nó ở lưng chừng đồi, nghèo lắm. Đã thế bố nó lại bị tai nạn lao động, liệt cả hai chân phải đi lại bằng hai chiếc ghế. Càng lớn nó càng ý thức rõ hơn về những khó khăn chồng chất của gia đình.
Tám tuổi nó mới được về thăm ông bà ngoại ở dưới xuôi lần đầu tiên. Nó yêu mẹ nó vô cùng khi mẹ tuyên bố sẽ đưa nó về quê ngoại ăn Tết. Nó chạy rẽ những cơn bấc khoe tin đó với đứa bạn thân ở bên kia đồi. Bố nó, người ở lại, cũng mừng rơi nước mắt trước niềm vui vỡ òa của nó.
Một buổi chiều tháng Chạp lảng bảng sương hai mẹ con nó dắt nhau ra bến xe khách để về quê. Bến xe cuối năm đông nghịt người. Nó không tưởng tượng nổi lại có nhiều người sẵn sàng lên bất cứ chuyến xe nào để về xuôi như thế. Nó và mẹ nó mua loại vé ít tiền nhất, rốt cuộc được sắp xếp và bị chen lấn vào một góc ở cuối xe. Mẹ nó ngồi khuỳnh hai đầu gối để chắc chắn rằng chí ít mẹ con nó cũng có quyền được sử dụng cả một ghế. Nó ngồi trên lòng mẹ. Hai chân mẹ nó đã kẹp lấy chiếc ba lô để dưới sàn xe, kẹp chắc rồi, nhưng nó vẫn đặt hai chân của nó lên chỗ tài sản đó, y như lời bố nó dặn.
  Xẩm tối xe mới chuyển bánh. Nó thấy người mình lắc lư, lắc lư. Xe chạy được một lúc nó bắt đầu nôn thốc nôn tháo. Cả chuyện nôn ọe này nó cũng đã được bố nó chuẩn bị trước cho rồi: vài chiếc túi bóng, một nắm vỏ chanh, và niềm tin “nôn hết không còn gì trong bụng là ổn”.
 Nó nôn hết, nôn ra cả mật xanh mật vàng, thế mà chẳng thấy ổn tí nào, chỉ thấy mệt. Mệt quá nó tựa đầu lên một bên xương quai xanh của mẹ nó thiếp đi lúc nào không biết. Người nó lắc lư, nhịp thở của nó dường như cũng lắc lư. Nó trôi vào một cơn mơ. Trong cơn mơ nó thấy mẹ con nó đã về đến nhà ông bà ngoại. Ngôi nhà lắc lư, rung rinh như thể đó chỉ là cái bóng của một ngôi nhà in xuống mặt nước trong một ngày đầy gió. Cơn mơ của nó kéo dài suốt giấc ngủ, và chỉ kết thúc khi tiếng kêu gào của mẹ nó cất lên, hoảng hốt, đau đớn, đến mức tưởng như làm chòng chành cả chiếc xe khách chật cứng người.

“Ôi Trời ơi, ba lô của tôi đâu rồi! Ôi Trời ơi có ai thấy ba lô của tôi đâu không! Trời ơi!”

 Mất rồi! Những con mắt đã mở thao láo nhưng còn đầy uể oải ở xung quanh nhìn mẹ con nó như muốn nói ra cái sự thật không mấy lạ lùng trên những chuyến xe khách. Nó nhìn xuống chân, nhìn xung quanh, nhìn khắp xe. Rồi nó quay đầu lại ôm lấy mẹ nó òa khóc. Thế là mất hết rồi! Mất tất cả những gì mẹ nó dành dụm cho ông bà ngoại nó trong chín năm, mất cả mấy bộ quần áo để mặc thường ngày và bộ quần áo mặc Tết của nó. Mất cả bọc đậu đỏ, món quà nó dành để biếu ông bà ngoại, để chứng tỏ nó yêu ông bà lắm bởi vì nó đã tự tay gieo những hạt đậu trên sườn đồi, tự chăm bón cho những cây đậu lớn lên tươi tốt để chờ ngày hái được những hạt đậu căng mẩy.
   Trớ trêu thay, tất cả tiền của mẹ con nó lại được cất trong cái bọc đậu đỏ ấy. Bố mẹ nó đã tranh luận với nhau hàng giờ để xác định một chỗ cất tiền an toàn nhất, cất tất cả chỉ trừ tiền mua vé xe. Cuối cùng thì họ thống nhất với nhau rằng giúi tiền vào bọc đậu đỏ là an toàn nhất. Bây giờ thì đến một hạt đậu đỏ cũng không còn.
Nó không hiểu bằng cách nào, tại sao và vào lúc nào người ta đã lấy đi tất cả mọi thứ của mẹ con nó…
 Hai mẹ con nó khóc những tiếng giận dữ, nức nở, ấm ức, buồn thảm, yếu ớt cho đến khi chiếc xe dừng lại tại bến xe khách liên tỉnh cách nhà ông bà ngoại nó gần hai chục cây số.
 Mẹ nó tay không dắt nó xuống xe. Hai mẹ con bước thất tha thất thểu ngược chiều gió. Nó mỏi chân ngay từ những bước đầu tiên. Phố xá dưới xuôi cũng cuốn hút nó đấy, nhưng cũng khiến nó cảm thấy mẹ con nó đúng là hai người khổ.
  
   Hai mẹ con nó đi hoài đi hoài. Đang đi trên hè phố hai mẹ con bỗng gặp phải một đống những chiếc hộp to như những thùng mì tôm nằm chềnh ềnh trước một cửa tiệm tạp hóa. Một người đàn bà chạc bốn mươi tuổi mặc đồ ngủ đứng trước đống hộp đó ngó lên ngó xuống như thể đang không biết xử lý nó thế nào. Mẹ nó buông tay nó ra, bước vội đến trước mặt người đàn bà đó, nói bằng giọng nhẹ nhàng: “Chị có cần người khuân những chiếc hộp này vào cửa hàng không? Tôi khuân cho. Tôi làm một loáng là xong.” Người đàn bà nhìn mẹ nó từ đầu đến chân rồi nói: “Cô làm được thì làm luôn cho tôi đi.”
Nó mừng muốn nhảy cẫng.
Mẹ nó vác hộp. Đôi chân chập choạng  bước. Đôi mắt đăm đăm nhìn những viên gạch lát vỉa hè. Tấm lưng gầy khi cong xuống lúc rướn lên. Giọt giọt mồ hôi rơi.
Nó mừng muốn nhảy cẫng khi mẹ nó khuân vác xong cả đống hộp, đưa tay nhận hơn chục nghìn tiền công.
Mẹ nó còn đang cuộn cuộn mấy đồng tiền lại, nó đã chỉ tay về phía mấy người chạy xe ôm đang đợi khách ở vỉa hè phía bên kia đường.
“Mẹ, xe ôm, xe ôm kia, xe ôm kia kìa!” Nói cuống quýt như thể mẹ nó không nhìn thấy mấy người xe ôm, như thể nó không nói nhanh thì mấy người chạy xe ôm sẽ biến mất.
“Yên nào!” Mẹ nó khẽ gắt, rồi nắm tay nó dắt đi tiếp. “Mẹ, xe ôm ở bên kia mà mẹ!” Nó cố lái mẹ nó sang bên kia đường, nhưng mẹ nó cứ một mực đi thẳng. Nó bấm ngón chân xuống vỉa hè, ưỡn người ra sau không chịu đi. “Mi muốn về ông bà hay ở lại chỗ này?” Mẹ nó siết giọng.
Nó miễn cưỡng bước lên phía trước. Mắt nó ứa ra những giọt ấm ức. Mẹ nó vác hộp cho người ta để làm gì? Mẹ nó giữ khư khư mấy đồng tiền đó ở trong tay để làm gì trong khi cả hai mẹ con vừa đói vừa mệt, vừa mỏi chân? Cứ tự hỏi như thế nó đâm ra ghét mẹ.

 Mẹ con nó dần dần bỏ xa phố xá, rồi vượt qua một đoạn đường dài không có nhà cửa, một bên được viền bởi một con sông nhỏ, bên kia là những cánh đồng trải dài. Nó không có bụng ngắm phong cảnh. Nó nghe cơn đói gầm gào trong bụng. Hai bàn chân nó bước lệt xệt. Đầu gối nó muốn khuỵu. Nó cố quên những gì nó đang phải chịu đựng bằng cách gặm nhấm một điều ước giản dị: ước gì nhà ông bà nó ở ngay trước mặt.
     Thế rồi nó nhìn thấy một khu dân cư ở trước mặt. Một dãy phố nhỏ có tên là Phố Lẻ. Nó nhìn thấy những quán nhỏ đứng chòi lòi ra vệ đường. Nó thấy dường như quán nào cũng có bán một thứ: bánh trưng. Những chiếc bánh trưng nhỏ bằng bàn tay của người lớn được buộc thành dây năm sáu chiếc một treo lủng lẳng trước cửa các quán. Nó thầm nghĩ, ở quê ngoại người ta ăn Tết sớm thế. Nó không biết bánh trưng là đặc sản của cái phố nhỏ đó.
   Cơn đói phản ứng trước những chiếc bánh trưng mà mắt nó nhìn thấy. Nó nhìn xuống bàn tay mẹ đang nắm chặt những đồng tiền. Nó biết thế nào nó cũng bật ra một gợi ý hoặc một câu hỏi, hoặc những giọt nước mắt hoặc tất cả những cái đó. Nó chưa kịp mở miệng đã thấy mẹ nó dừng lại trước một quán bán bánh trưng. Mẹ nó hỏi giá của một chiếc bánh rồi hỏi mua ba chiếc. Số tiền mẹ nó kiếm được ban nãy vừa đủ cho ba chiếc bánh trưng.
Nó mừng muốn nhảy cẫng.
Nó cứ nghĩ mẹ con nó sẽ ngồi nghỉ một lát tại cái quán đó, bóc bánh trưng ăn cho đỡ đói. Nhưng không, mua bánh xong mẹ nó lại nắm tay nó dắt đi tiếp. Ba chiếc bánh trưng được buộc dây, lắc lẻo bên tay kia của mẹ nó. “Mẹ, con đói lắm!” Nó mếu máo. Mẹ nó lặng im dấn bước. Nước mắt nó ứa ra. Nó khóc rấm rức.
 Tới tận ngang chiều mẹ con nó mới về đến nhà ông bà ngoại. Mặc dù hai mẹ con gần như đã kiệt sức, mừng tủi vẫn vỡ òa trong căn nhà nhỏ đơn sơ. Sau những phút đầu hàn huyên, và trước khi anh em, xóm làng kịp kéo đến, mẹ nó tự tay bóc ba chiếc bánh trưng. Vừa đưa bánh cho ông bà nó, mẹ nó vừa nói: “Bánh trưng Phố Lẻ mà bố mẹ thích đây ạ. Con nhớ ngày con còn nhỏ, bố mẹ thường nói, bố mẹ nuôi con lớn mai này đi đâu về chỉ cần mua cho bố mẹ chiếc bánh trưng Phố Lẻ thôi.”
Ông bà nó đưa tay đón lấy bánh, cười trong nước mắt.
Nó được mẹ cho cái bánh còn lại để cùng ăn với ông bà. Cầm chiếc bánh trong tay, tự nhiên nó không thấy đói nữa. Nó hết nhìn mẹ nó rồi lại nhìn ông bà. Lần đầu tiên trong đời nó thấy cả ba người vừa khóc vừa cười cùng lúc.
Nó cầm chiếc bánh trưng trên tay, cố nhớ xem bố mẹ nó thích ăn gì nhất để sau này lớn lên, mỗi khi đi xa về, nó sẽ mua.


                                                                                       Nguyễn Bích Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét