Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

SÁCH VỀ LÀNG


SÁCH VỀ LÀNG

                                                Bút ký dự thi của ĐẶNG VĂN TOÀN

     
Vừa dắt xe về đến nhà, chưa kịp nghỉ ngơi thì điện thoại réo.
     - A. Xin chào Phạm Bắc Cường. Chào Không gian đọc!
     - Chào chú! Chú có khỏe không?
     - Khỏe. Thế nào? Không gian đọc của nhóm hồi này phát triển đến đâu rồi?
    - Tốt chú ạ. Mới thêm được mấy điểm nữa. Cháu muốn nắm xem Tủ sách chỗ Đông Hà các chú đã mở cửa, đi vào hoạt động chưa? Có đông người đến đọc không?
     Câu chuyện cứ thế giữa hai chú cháu được trao đổi thân mật và lời hẹn cuối cùng là: Cháu sẽ kiếm thêm, gửi thêm ít sách nữa và nói với cô Đài bên Thư viện tỉnh quan tâm đến Tủ sách ở Đông Hà.
                                                 *
                                            *     *
     Ý tưởng hình thành những tủ sách cho người dân nông thôn đầu tiên phải nói đến chàng thanh niên Nguyên Quang Thạch, 35 tuổi, người Hà Tĩnh. Đang có công ăn việc làm ổn định, với mức lương không hề thấp. Nhưng vốn tính ham thích đọc sách, mê sách và trước thực trạng văn hóa đọc hiện tại, với cái nhìn xa rộng, thân thiện và hy vọng vào cộng đồng, vào chính bản thân, Thạch quyết định bỏ việc, bỏ lương, để theo đuổi sở thích của riêng mình: Đưa sách đến với người đọc.
     Mấy tháng đầu là mấy tháng thất bại. Trực tiếp làm quen và giới thiệu sách, tặng sách cho hành khách cùng đi trên các chuyến xe buýt không nhận được sự hưởng ứng như mong đợi. Thạch trở về quê nhà, với số sách hiện có, đứng ra lập tủ sách cho dòng họ mình. Những tủ sách nhỏ gọn ra đời. Bạn đọc là các em học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở đến làm quen và thân thiết dần...

     Rồi Thạch mang sách đi các nơi. Tình cờ liên lạc được với Phạm Bắc Cường, người  của Đài Tiếng nói Việt Nam hiện đang cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Bắc Cường cũng mê sách, thích đọc sách không kém. Hai cái đầu trẻ trung, cùng chung sở thích văn hóa đọc, cùng một nhiệt tâm, nhiệt huyết với cộng đồng. Họ bàn bạc, trao đổi công việc. Trong lần về quê, làng An Phú, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, đi tiếp xúc, thăm dò bà con, Cường dự định thành lập tủ sách cho làng. Tủ sách này sẽ khởi đầu cho chương trình Không gian đọc quy mô rộng lớn, lâu dài mà anh đang ấp ủ, nhắm tới.
     Kể lại buổi đầu thật cũng lắm gian nan, ấu trĩ.
     - Cháu chọn ra 5 người trong làng, đủ cả giáo viên, viên chức nhà nước đã nghỉ hưu, người buôn bán, một nông dân, một thầy thuốc, đặt tặng cho họ mấy tháng báo Tuổi trẻ với hy vọng để họ làm quen, sau đó họ có thể tự đặt mua tiếp.
     Nhưng những hạt giống đầu tiên này không nảy mầm được. Không ai muốn bỏ tiền túi mình để đặt mua báo trong khi đời sống lao động nhà quê còn nhiều vất vả, cực nhọc. Nhu cầu về cái ăn, cái mặc lớn hơn, thiết thân hơn. Không trách họ được. Đang lúc bế tắc, rất may có cặp vợ chồng thầy thuốc Nguyễn Văn Quân – Kiều Thị Bạch Tuyết lại tỏ ra quan tâm, hào hứng, đề nghị nhường hẳn một gian nhỏ nhà mình để kê tủ sách và làm phòng đọc luôn.
     Từ đấy, ngày 25.4.2008, Không gian đọc An Phú chính thức ra đời.
    Rúc rắc có người tìm đến. Rồi người ta rỉ tai nhau. Trẻ em đi học về dừng lại. Mấy cụ nghỉ hưu rỗi rãi ghé thăm, ngồi chơi uống nước, nhân thể vớ tờ báo đọc vui vui.
     Anh Quân, chủ nhà, là người trông coi tủ sách, mừng lắm. Người đến đọc, người đến mượn ngày một thêm đông. Thành phần được mở rộng ra. Cường cũng mừng lắm trước thành công bước đầu. Anh bỏ công đi liên hệ, xin, mua hoặc gõ cửa kêu gọi từ các nguồn, các nơi. Sách báo cũ hay mới, của người thân, bạn bè, các nhà hàng, nhà xuất bản cả trong Nam, ngoài Bắc. Có sách, anh sắp xếp, phân loại, đóng gói chuyển về.
     Có nơi như tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn tặng 200 kg. Nhà văn Nguyễn Đình Tú ở tạp chí Văn nghệ Quân đội nghe biết cũng gửi tặng 100 kg. Trên đà phát triển thuận lợi, một Nhóm hành động sách được hình thành. Hiện lên đến gần chục thành viên. Khẩu hiệu làm phương châm của Nhóm ngắn gọn trong 5 chữ Chia sẻ Kết nối: Chia sẻ tri thức và Kết nối tâm hồn. Không viển vông, hão huyền, họ đã làm được như thế và đang tiếp tục làm như thế. Sau Tủ sách An Phú dần mọc thêm lên các Tủ sách khác ở các xã Quỳnh Ngọc, An Tràng, An Dục rồi lan sang huyện Hưng Hà, Đông Hưng.
     Riêng xã Đông Hà cũng có may mắn được tiếp xúc, làm việc với Nhóm. Tháng 5 vừa rôi, Tủ sách dòng họ Đặng Đình (thôn Kỳ Trọng xã Đông Hà) được thành lập. Nắng đầu hè chói chang. Phạm Bắc Cường và các thành viên mồ hôi mồ kê nhễ nhại chở đến hai hòm cactong,  trao tặng số sách 150 cuốn với tình cảm thân thiết, quý mến.
     Sách mới, sách cũ, sách cổ. Sách trong nước và nước ngoài với đủ thể loại: Khoa học – kỹ thuật; Chính trị - xã hội; Văn chương – nghệ thuật; Thiếu nhi...
   Có những cuốn rất quý như cuốn Khuyến học của học giả người Nhật Bản Fakuzawa Yukichi (sống thế kỷ 19). Ông là nhà tư tưởng lớn, có đầu óc canh tân đất nước, được tôn vinh là “Voltaire của Nhật Bản”. Hay những tập Thơ Hồ Xuân Hương, Thơ Trần Tế Xương, những tiểu thuyết từ thời 32- 45 nay được in lại. Rồi sách Kỹ thuật trồng ngô cao sản – nxb Thời đại, Truyện tranh lịch sử Việt Nam – nxb Mỹ thuật v.v...
    Cụ Đặng Quang Thái, 88 tuổi, là thày giáo nghỉ hưu rất phấn khởi đến dự. Cụ nâng niu quyển sách bìa hồng trên tay mà nói trong xúc động:
     - Mừng quá. Mừng quá! Chúng tôi mong mỏi điều này từ lâu lắm rồi. Nay được các anh các chị mang sách về tặng cho dòng họ thế này là quý hóa lắm, chúng tôi mãn nguyện rồi.
      Phạm Bắc Cường khiêm tốn vui vẻ cho biết, đây là công việc tự nguyện của những người tình nguyện, chỉ mong muốn tạo ra thật nhiều những không gian đọc dưới hình thức những Tủ sách dòng họ hay Tủ sách phụ huynh ở các làng quê xa xôi còn nhiều thiếu thốn, chịu nhiều thiệt thòi.
     Và anh thông tin thêm: Đây là Tủ sách thứ 16 mà Nhóm anh đã thực hiện cho đến nay.
    Tiếng lành đồn xa. Đài báo các nơi đưa tin, viết bài ca ngợi. Nhóm cũng thành lập trang Web để quảng bá, giới thiệu.
     Năm kia, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã về tận nơi, nói chuyện cả tiếng đồng hồ trước hội trường đông đảo hàng trăm bạn đọc từ cụ già đến các em học sinh, từ cô bác nông dân chất phác đến các cán bộ huyện xã và bất cứ ai quan tâm đến văn hóa đọc, phong trào đọc.
     Sẽ có người hỏi: Họ đi làm thế thì kinh phí lấy đâu ra, chả nhẽ tốt bụng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng mãi sao? Thậm chí còn có những nghi vấn về “âm mưu” hay “chiêu” này, “chiêu” nọ nữa!
     Xin bạn cứ gõ vào Không gian đọc sẽ nhận được câu trả lời. Sẽ thấy công việc của Nhóm là vô tư, bài bản và có trách nhiệm. Nguồn sách báo và nguồn kinh phí đều từ tài trợ các cá nhân hảo tâm, từ các cơ quan, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp mà ra. Xã hội hóa mà! Cái tên Không gian đọc, bản thân nó đã nói lên điều đó, đã mang tính xã hội rồi.
     Nông thôn – Nông nghiệp – Nông dân là một vùng không gian rộng lớn. Bên cạnh công việc đồng áng, mùa màng bận mải. Bên cạnh nhu cầu cái ăn, cái mặc. Bên cạnh hệ thống trường học, Đài Phát thanh, Truyền hình và báo chí. Hãy có thêm những cuốn sách, những tờ báo, tạp chí. Bạn đọc, độc giả mới thật sự là những người học hỏi, trò chuyện, tâm giao và tri âm tri kỷ.
     Thêm một Tủ sách cho dòng họ, cho người nhà quê là thêm một điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thêm một cơ hội để xóm làng khởi sắc, để có nhiều tấm lòng được chia sẻ và kết nối...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét