Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NHÀ THƠ XUÂN ĐAM ĐÃ RA ĐI


Bùi Hoàng Tám


Hôm nay là ngày thi sỹ Xuân Đam về với đất mẹ. Xin chia buồn cùng gia quyến và những người yêu thơ Xuân Đam
Giờ thì thầy giáo Xuân Đam, thi sĩ Xuân Đam và “tửu đồ” Xuân Đam đã về miền phiêu lãng. Song, những câu thơ phấp phỏng của anh sẽ còn lại với cuộc đời. Và đó là niềm hạnh phúc vô biên của kiếp người cầm bút.
(Nhà thơ - Thày giáo Xuân Đam)
Hai tấm vé, ba viên thuốc ngủ và 4 gói lạc rang
Ở Thái Bình, nếu chọn một nhà thơ được đọc nhiều nhất, được mến mộ nhất và cũng nổi tiếng nhất, đó không ai khác, chính là Nhà thơ, nhà giáo Xuân Đam.
Lần đầu tiên tôi gặp Xuân Đam cách đây đã gần 40 năm. Hôm ấy, bà chị gái bán hàng ở cửa hàng Công nghệ phẩm số 3 của Thị xã Thái Bình cho một cặp vé xem phim.
Để có được cặp vé vào rạp ngày đó là cả một tài sản không nhỏ mà tôi đã phải bỏ công, bỏ sức nịnh nọt cả tuần lễ (dạo đó mỗi bộ phim thường được chiếu liên tục nhiều tuần, thậm chí cả tháng) mới có được.
Tiếc thay, cái bộ phim của Nhà văn Nga vĩ đại Aleksey Nikolayevich Tolstoy. mang tên “Con đường đau khổ” và lạc rang húng lìu đã không giữ chân được một thi nhân và không làm tỉnh ngủ được một thi nhân khác. Chưa hết tập I (phim hai tập), thi sĩ Kim Chuông đã ra về còn thi sĩ Xuân Đam thì… ngáy o o!
Tuy cùng ở Thái Bình, cái tỉnh nho nhỏ, xinh xinh và bé như lòng bàn tay ấy mà phải 10 năm sau, tôi mới gặp lại Xuân Đam.
Ngày ấy, tôi đang là chủ một cửa hàng ăn uống. Một đêm mưa rét mùa đông năm 1988, khoảng hơn 10 giờ tối khi tôi đã co ro trong chăn ấm thì Họa sĩ Trần Dậu đập cửa: Tám ơi! Tám ơi! Anh Xuân Đam đến thăm em này.
Tôi xúc động chạy vội ra mở cửa, thấy họa sĩ Trần Dậu dìu thi sĩ Xuân Đam lết từng bước.
Biết tính mấy bác văn nghệ sĩ, tôi vội vác chai rượu và bày ra chút đồ nhấm nháp để cùng đàm đạo thơ phú, văn chương. Làm vài li, Trần Dậu lệ khệ đứng lên bảo: “Chú ngồi với anh Đam nhé. Anh phải về, chị ở nhà chờ”.
Ui cha! Chết tôi rồi. Nhà thì chật, thi sĩ thì say, trời vừa mưa, vừa rét…
Thấy tình hình nguy cấp, tôi bèn xếp mấy cái bàn lại, trải chiếu và bê thi sĩ lên bàn.
Nhưng khi tôi tháo giày thì chao ôi, bàn chân ngâm nước ướt sũng, nhợt nhạt và bốc mùi… Lấy nước nóng, bàn chải kỳ cọ mãi vẫn không hết “hương chân”. Khổ nỗi, nào thi sĩ có chịu nằm yên, thỉnh thoảng còn ngóc dậy thều thào: “Tám ơi! Anh… yêu em lắm!!!”.
Trước tình hình “lửa bỏng, nước sôi”, ngày ấy thuốc ngủ seduxen còn chưa nằm trong danh mục cấm, mỗi khi mất ngủ, tôi thường “nện” 2 viên. Tôi bắt Xuân Đam há mồm, nhét cho 3 viên và một cốc nước. Sợ thi sĩ ngã, tôi lấy ghế chèn chặt xung quanh rồi mới yên tâm lên gác nằm.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Xuân Đam bảo với tôi: “Chưa bao giờ anh ngủ ngon đến thế”. Và cho đến hôm nay, Xuân Đam vẫn chưa biết “bí mật” của giấc ngủ ngon đêm đó.
Từ đó, Xuân Đam rất hay đến nhà tôi chơi và anh em quý nhau cũng từ đó.
Người sinh ra để sống cùng thơ
Nói về Xuân Đam, điều đầu tiên và trước hết phải nói về thơ.
Có thể khẳng định, với độc giả Thái Bình, dù không là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (anh là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình), Nhà giáo Xuân Đam là nhà thơ nổi tiếng nhất và được đọc, thuộc nhiều nhất cũng như nhiều người mến mộ nhất.
Tất nhiên là để “đền đáp” lại, Xuân Đam cũng là nhà thơ có những trang thơ, những câu thơ viết về mảnh đất quê hương hay nhất với rất nhiều trách nhiệm: "Mưa rừng bão biển quanh năm - Củ khoai hạt thóc từ tâm như người - Gặp cơn bom đạn tơi bời - Người như Thánh Gióng đội trời ra đi - Xương tan thịt nát quản gì - Bao con sóng biển đỏ vì máu loang - Cúi đầu lạy tạ hồn làng - Còn dân còn nước còn mang nợ nần…". Hay như: “Hoa gạo còn cháy đỏ đình – Câu thơ hời hợt không đành với hoa…”.
Cũng hiếm có nhà thơ nào có những câu thơ về bà mẹ thôn quê xúc động như Xuân Đam: “Mẹ tôi như nhánh mạ gầy – Hóa thân làm bát cơm đầy nuôi tôi - Miếng trầu không dám mặn vôi - Sợ đôi má đỏ người đời dèm pha”… Xuân Đam chính là Nguyễn Bính của Thái Bình. Một Nguyễn Bính hồn hậu của làng quê châu thổ.
Nói về đời, có lẽ không nên gọi anh là Thi sĩ Xuân Đam hay Nhà thơ Xuân Đam mà anh là “Người thơ - Hình như chữ của Nguyễn Bùi Vợi chỉ Nguyễn Bính”. Còn nói theo ngôn ngữ bây giờ, Xuân Đam “ăn thơ, ngủ thơ và mọi thứ đều thơ”.
Xuân Đam - Giời sinh ra để yêu thơ và làm thơ
Về điều này, xin mượn ý của Nhà thơ Nga Gamzatov: “Nếu thế giới 9 tỉ người này còn một tỉ người yêu thơ thì chắc chắn có Xuân Đam. Nếu chỉ còn một triệu người, trong đó có Xuân Đam. Còn một trăm người cũng có Xuân Đam và nếu chỉ còn có mười người cũng có Xuân Đam. Nếu thế gian này không còn ai yêu thơ nữa thì ở một miền quê, Xuân Đam đã chết”.
Có lẽ Xuân Đam còn yêu thơ hơn cả các bậc “cuồng thơ” Trinh Đường, Tạ Vũ…
Chẳng biết tự bao giờ, cái cặp từ “thi sĩ - tửu đồ” như một lời nguyền có “ám” vào các nhà thơ hay không mà các thi sĩ phần đông đều hay uống rượu. Tất nhiên, Xuân Đam không những không là ngoại lệ mà anh còn là “đấng bậc hạng siêu”.
Suốt những năm tháng ở Thái Bình, tôi chưa từng thấy khi nào Xuân Đam xao lãng với thơ và rượu. Hình như với Xuân Đam, trên thế gian này chỉ tồn tại hai “báu vật thiêng liêng” đó.
Có lần khi đã lên Hà Nội, tôi nghe nói Xuân Đam bỏ rượu nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, anh lại “trở về với rượu”. Lý do thì nhiều, tại anh là bởi như rất nhiều nhà thơ, Xuân Đam đa cảm và thiếu bản lĩnh. Sự đa cảm làm cho người ta nhiều khi buồn tê tái. Cái nỗi buồn ấy không thể sẻ chia cho ai ngoài vị thần Lưu Linh.
Tuy nhiên, cũng công bằng mà nói, Xuân Đam không thể bỏ rượu vì khi đó, bạn bè anh rất buồn. Hình như người Thái Bình đã quen thuộc với một Thi sĩ Xuân Đam ngất ngưởng cùng thơ hơn là một Xuân Đam tỉnh táo với đời như chính anh Tự bạch: "Sớm nay có khách đến nhà - Say, tự giới thiệu:- Tôi là... nhà thơ - Thoáng trông râu tóc bơ phờ - Ngơ ngơ ngác ngác... không thơ thì gì?"
Xuân Đam uống rượu, bè bạn nhiều khi cũng buồn nhưng còn có một Xuân Đam. Xuân Đam không uống rượu thì chẳng còn gì để mà buồn hay vui nữa vì khi đó, Xuân Đam không còn là thi sĩ nữa. Mà ở đời, một thi sĩ Xuân Đam thì hiếm chứ một công dân Xuân Đam thì có lẽ cũng khá nhiều.
(Nhà thơ Xuân Đam (áo đỏ) và các bạn văn trong ngày ra mắt sách)
(Nhà thơ Xuân Đam (áo đỏ) và các bạn văn trong ngày ra mắt sách)
Rượu làm khổ và làm... khổ rượu!
Nếu Xuân Đan làm khổ rượu thì thơ cũng làm khổ anh. Như một định mệnh trớ trêu, câu thơ lục bát vào loại tuyệt bút này, tới nay dường vẫn ám vào ông: “Muốn sang không bắc được cầu - Trái tim người khác nằm đau ngực mình…".
Cây cầu đời Xuân Đam vốn đã lắm lỡ làng và cây cầu thơ, nếu lấy cái thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam làm một điểm đích và Xuân Đam cũng từng mong có thì tới giờ này, ông vẫn chưa "sang sông”!
Song, không vì thế mà Xuân Đam mất đi ngôi vị “Nhà thơ số một” của miền quê lúa!
Cách đây khoảng 2 tháng, biết Xuân Đam không qua khỏi, anh em văn nghệ sĩ và những người yêu mến thơ anh cùng với Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình và bạn bè các tỉnh lân cận đã cùng nhau quyên góp in Tuyển tập Thơ - Văn Xuân Đam dày hơn 500 trang do NXB Hộ Nhà văn ấn hành.
Hôm ra mắt cuốn sách, hàng trăm bè bạn, anh em từ mọi miền đất đã gọi điện, gửi thư và về tận quê anh để chúc mừng.
Hình ảnh Xuân Đam đang nằm trên giường bệnh lao đến om ghì cuốn sách rồi kêu tên bạn bè trong giàn giụa nước mắt mà không khỏi xúc động.
Giờ thì thầy giáo Xuân Đam, thi sĩ Xuân Đam và “tửu đồ” Xuân Đam đã về miền phiêu lãng. Song, những câu thơ phấp phỏng của anh sẽ còn lại với cuộc đời. Và đó là niềm hạnh phúc vô biên của kiếp người cầm bút.
Bùi Hoàng Tám

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

VĨNH BIỆT NHÀ BÁO BÙI CÔNG BÍNH



Bùi Công Bính sinh 1-1-1936 tại Thái Sơn, Thái Thụy Thái Bình, nguyên TB thư ký báo Hà Giang, nguyên Ủy viên BCH Hội VHNT Thái Bình, Thư ký tòa soạn tạp chí VNTB. Tạ thế ngày 15-4-2014, hưởng thọ 79 tuổi.



HAI BÀI THƠ CUỐI CÙNG CỦA BÙI CÔNG BÍNH


Lời gửi lại trước lúc đi xa 

                        Xin tạm biệt tất cả vợ con, bạn bè, làng xóm

Tôi ra đi về phía vĩnh hằng
 Chẳng ai biết có vĩnh hằng không nhỉ ?
 Chẳng ai về từ đó báo cho ta.
 Nhưng quy luật của đất trời là thế
 Có bình minh thì phải có hoàng hôn
 Sau suốt cả cuộc đời vất vả
 Ta thanh thản ra đi, về phía cuối trời.
 Tôi muốn đi thăm Hải Phòng lần cuối
 Một chuyến xe đi không có vé khứ hồi
 Bạn bè đến, không gặp mình được nữa
 Chỉ nhìn thấy mình trong khói hương bay
 Nhưng tình yêu thì vẫn còn đây
 Tình bè bạn - láng giềng - tình đất nước
 Ôi cả một cuộc đời sống cùng nhau thân thuộc
 Nên phút ra đi, ta lại muốn trở về !
                                                        Bùi Công Bính
                                                          1 - 3 - 2014

Đối thoại với cái chết
   
Những người quen, người lạ nằm đây
Cùng giống nhau một ngôi nhà nhỏ
Màu vĩnh cửu là màu xanh của cỏ
Khói hương trầm như muốn nói điều chi
Trong cuộc đời bao cuộc ra đi
Đây là cuộc ra đi sau nhất
Chẳng đem được những lâu đài, chức tước
Đến tình yêu cũng để lại sau lưng
Cả cuộc đời vất vả, gian truân
Kẻ ghét, người yêu, niềm vui, oan trái
Nay bể khổ, bụi trần, để lại
Ta lên đường thanh thản với trời mây
Những bạn bè yêu quý ở đây
Làng xóm, họ hàng, bao người thân thiết
Ta nằm đây vẫn nghe thấy hết
Nhịp ngũ âm rộn rã tiễn người đi
Dẫu có thiên đường ta vẫn yêu mặt đất
Đồng lúa, vườn cây, hoa trái, nụ cười
Biển vỗ sóng và rừng cây ru gió
Mỗi ngày vui đáng quý biết bao nhiêu
Khi đang sống hãy nghĩ về cái chết
Để càng yêu cuộc sống hơn lên
Ôi hạnh phúc là gì ta tự hỏi
Là con người sống đẹp với yêu thương !

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

BỐN MƯƠI NĂM TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH

Có lẽ nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời của mình là sau hơn bốn mươi năm được xếp trong tốp đầu của các tờ tạp chí văn nghệ địa phương về chất lượng cũng như về số lượng xuất bản, thì tới đầu năm 2013 do việc "đánh nhau" trong nội bộ giới văn nghệ sỹ của Tỉnh và lãnh đạo Tỉnh đã cắt kinh phí xuất bản hàng năm của tạp chí từ 220 triệu xuỗng còn 70 triệu đồng (cắt đi 130 triệu đồng, bằng 2/3 số khing phí xuất bản) nêm tờ VNTB phải co lại từ phát hành hơn 3.000 cuốn xuống còn 600 cuốn chỉ để phát hành nội bộ trong Hội và biếu một số cơ quan trong tỉnh, địa phương bè bạn. Một tờ tạp chí nếu chỉ in ấn phát hành vài ba trăm cuốn thì chẳng khác gì một tờ nội san và nó không còn tác dụng gì về mặt xã hội nữa…
Tiecs thương cho tờ Văn nghệ Thái Bình có thời phát hành lên tới hơn 7.000 bản một số, nay mình in lại bài viết về tạp chí cách đây đã hai năm trước nhân ngày tạp chí 40 năm tuổi.


  
BỐN MƯƠI NĂM TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH

NGUYỄN LONG
         
         
Không phải ngẫu nhiên mỗi hội văn học nghệ thuật địa phương có một tờ báo hoặc tạp chí của riêng mình. Mỗi tờ báo, tạp chí là diễn đàn, là gương mặt văn học, nghệ thuật của một vùng đất. Vì vậy cho nên ở đâu cũng vậy, khi Hội được thành lập, việc đầu tiên phải lo là sự ra đời của tờ tạp chí. Cách đây 40 năm, Hội VHNT Thái Bình được thành lập, tờ tạp chí đầu tiên mang tên Sông Trà cũng được ra mắt bạn đọc bởi lý do ấy, và quá trình phát triển, đổi thay của tạp chí cũng đồng hành với sự đổi thay, phát triển của Hội.
          Tạp chí VNTB đã qua hai chặng đường rõ rệt. Từ khi thành lập tới đầu năm 1994, gần một phần tư thế kỷ tạp chí giống như một tập chuyên san. Xuất bản không định kỳ, số lượng in mỗi số vài trăm cuốn, tên tuổi không chính thức, hình thức, vi nhét cũng không cố định. Lúc đầu mang tên Sông Trà, về sau tùy theo nhiệm vụ và tiêu chí của từng số mà đặt tên khác nhau. Bên cạnh tờ tạp chí, còn có một phụ san cho văn học thiếu nhi là Búp trên cành, chủ yếu giới thiệu những sáng tác của thiếu nhi và cho thiếu nhi của các cây bút trong Tỉnh qua các lớp bồi dưỡng và các trại sáng tác.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

HỎI CHUYỆN MỘT NÔNG DÂN

Trong chuyến đi thực tế nông thôn tìm hiểu về Tam nông, nhóm phóng viên tạp chí có gặp gỡ nhiều bà con và trao đổi với họ về đời sống nông dân, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện nay hiện nay. Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên với một nông dân ở một làng thuần nông.

         
Phóng viên (PV): Bác là một lão nông hiện nay vẫn sống chủ yếu bằng thu nhập từ đồng ruộng, trước tiên xin bác cho biết về bản thân.
          Nông dân (ND): Vâng, đúng gia đình tôi chủ yếu sống bằng cấy cầy. Nói như vậy vì hiện nay nông dân ở các làng quê đời sống chỉ trông vào cây lúa hạt thóc không còn nhiều nữa. Chưa có thống kê đầy đủ nhưng các gia đình sống ở nông thôn hiện nay trên 50% số hộ ít nhất có một xuất lương hưu hoặc tiền trợ cấp hàng tháng như thương binh, gia đình chính sách... số còn lại thì hầu như nhà ai cũng có người đi làm xa, có thu nhhapj mang về. Lớp trẻ thì ra các thành phố làm công nhân, đàn ông thì đi làm thợ xây, thợ mộc. Đàn bà thì trông trẻ, ô xin... nói tóm lại là ở đâu có việc làm, kiếm được tiền là đi. Gần thì sáng đi tối về, xa thì đi dài ngày hơn. Bộ mặt nông thôn nhiều năm nay khang trang hơn là nhờ vậy, chứ chỉ trông vào hạt thóc, con lợn thì không phải ăn đói mặc rách là may chứ lấy tiền đâu ra mà xây nhà, mua sắm ti vi, xe máy.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

NÔNG DÂN VẪN PHẢI BÁM RUỘNG BÁM LÀNG



          
Phóng sự của NGUYỄN LONG

    
     Về những làng thuần nông bây giờ, nhất là những làng xa thành phố, thị xã, nếu không vào dịp nông vụ ta thấy làng nào cũng vắng veo, đi mãi mới gặp một bóng người. Với diện tích đất đai như hiện nay mỗi năm nông dân chỉ bận mải với việc ruộng đồng mỗi vụ nhiều nhất là hai tháng, cả năm mất bốn tháng còn lại tám tháng nông nhàn, hay gọi theo từ ngữ quản lý lao động là thất nghiệp. Chưa tính cụ thể đến năng xuất cấy cầy, nhưng một người lao động mà một ngày làm ba ngày nghỉ thì nghèo đói là cái chắc. Cái nguyên nhân sâu xa đời sống nông thôn hiện nay còn kém xa đô thị và các vùng công nghiệp là do không có việc làm.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

KHÔNG CÓ CƠ CHẾ MỚI KHÔNG THỂ HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN


                             Phóng sự của NGUYỄN LONG

         
Cách đây hàng chục năm, xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình đã phấn đấu xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu/ha/năm và trở thành lá cờ đầu của cả nước thực hiện phong trào này. Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ lúc bấy giờ đã về thăm, khen ngợi rồi khắp nơi đổ về học tập. Năm 2003 khi các xã trong tỉnh Thái Bình mới bắt đầu làm thí điểm mỗi xã một “cánh đồng 50 triệu” theo như NQ của Tỉnh uỷ, thì  Quỳnh Hải không những đã "xã hoá" toàn bộ diện tích đạt trên 50 triệu/ha mà già nửa cánh đồng của xã đã đạt tới chỉ tiêu 100 triệu/ ha/năm. Nhưng có một thực tế là bộ mặt làng xã không thấy có gì thay đổi lớn, rất nhiều gia đình nhà cửa vẫn cũ kỹ, vẫn cái cảnh nghèo khó như xưa. Một vài gia đình có cơ ngơi khang trang, nhà cao cửa rộng là của những ông chủ đại lý bán buôn, vận chuyển rau quả, những ông chủ máy cày máy kéo. Còn những người dân chỉ biết bám vào đồng ruộng, dù chăm chỉ chịu khó, dù biết quý trọng từng tất đất, giỏi làm ruộng, khai thác hết khả năng của đất cát mùa vụ cũng chẳng ai giầu lên được.

NÔNG DÂN VÀ ĐẤT ĐAI


       
        Phóng sự của NGUYỄN LONG


          Không phải cho tới cuối năm 2011 vừa rồi xảy ra vụ việc ở Tiên Lãng, giới truyền thông cả nước và lãnh đạo các cấp cũng như mọi người dân trong nước mới quan tâm và phát biểu nhiều ý kiến về chuyện đất đai của nông dân. Từ năm 1993, khi có luật giao đất cho dân với thời hạn 20 năm, người dân được tự do, chủ động sản xuất và được hưởng lợi từ chính sự lao động của mình. Có thể nói đó là nguyên nhân đã tạo ra một mức tăng trưởng kỳ lạ. Sau khoảng chục năm, sản lượng nông nghiệp của cả nước tăng vọt lên hơn 200%, Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều và nuôi tôm cá. Đời sống của người nông dân đã được nâng lên một bước rõ rệt. Trong khi đó số lao động nông nghiệp vẫn luôn luôn dư ra và là nguồn cung cấp chính cho những khu công nghiệp mới phát triển. Nhưng bên cạnh sự kỳ diệu luật đất đai mới mang lại, những khúc mắc, khiếu kiện, những phát sinh tiêu cực, tham nhũng từ đất đai ở mọi địa phương trên cả nước cũng ngày một gia tăng. Chưa có một con số thống kê chính thức nào, nhưng mọi người đều nhất trí với nhận định: Khoảng 80% những vụ khiếu kiện của dân và tiêu cực của quan chức ở các cấp, các địa phương từ trước tới nay là do liên quan đến đất đai. Có biết bao nhiêu vấn đề lớn, những vụ lình xình về đất, có vụ có liên quan liên quan tới hàng ngàn con  người, hay tới cả một cụm cư dân lớn như những tảng băng chìm vẫn còn tồn đọng chưa được đưa ra công khai hoặc chưa có phương án giải quyết cho thoả đáng. Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất xảy ra ở Tiên Lãng vừa qua, cùng với vụ án nhằm chuyển hoá đất đai ở nông trường Sông Hậu của bà Ba Sương kéo dài gần chục năm trời đã được kết luận, được công luận rộng rãi biết đến chỉ là một sự cảnh báo: Những mâu thuẫn về đất đai của nông dân đã có những tiềm ẩn bất hợp lý ghê gớm và đã đến lúc các cơ quan công quyền cũng như những người có trách nhiệm ở các cấp phải giải quyết chứ không thể chần chừ, càng không thể né tránh.