Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

VĨNH BIỆT NHÀ BÁO BÙI CÔNG BÍNH



Bùi Công Bính sinh 1-1-1936 tại Thái Sơn, Thái Thụy Thái Bình, nguyên TB thư ký báo Hà Giang, nguyên Ủy viên BCH Hội VHNT Thái Bình, Thư ký tòa soạn tạp chí VNTB. Tạ thế ngày 15-4-2014, hưởng thọ 79 tuổi.



HAI BÀI THƠ CUỐI CÙNG CỦA BÙI CÔNG BÍNH


Lời gửi lại trước lúc đi xa 

                        Xin tạm biệt tất cả vợ con, bạn bè, làng xóm

Tôi ra đi về phía vĩnh hằng
 Chẳng ai biết có vĩnh hằng không nhỉ ?
 Chẳng ai về từ đó báo cho ta.
 Nhưng quy luật của đất trời là thế
 Có bình minh thì phải có hoàng hôn
 Sau suốt cả cuộc đời vất vả
 Ta thanh thản ra đi, về phía cuối trời.
 Tôi muốn đi thăm Hải Phòng lần cuối
 Một chuyến xe đi không có vé khứ hồi
 Bạn bè đến, không gặp mình được nữa
 Chỉ nhìn thấy mình trong khói hương bay
 Nhưng tình yêu thì vẫn còn đây
 Tình bè bạn - láng giềng - tình đất nước
 Ôi cả một cuộc đời sống cùng nhau thân thuộc
 Nên phút ra đi, ta lại muốn trở về !
                                                        Bùi Công Bính
                                                          1 - 3 - 2014

Đối thoại với cái chết
   
Những người quen, người lạ nằm đây
Cùng giống nhau một ngôi nhà nhỏ
Màu vĩnh cửu là màu xanh của cỏ
Khói hương trầm như muốn nói điều chi
Trong cuộc đời bao cuộc ra đi
Đây là cuộc ra đi sau nhất
Chẳng đem được những lâu đài, chức tước
Đến tình yêu cũng để lại sau lưng
Cả cuộc đời vất vả, gian truân
Kẻ ghét, người yêu, niềm vui, oan trái
Nay bể khổ, bụi trần, để lại
Ta lên đường thanh thản với trời mây
Những bạn bè yêu quý ở đây
Làng xóm, họ hàng, bao người thân thiết
Ta nằm đây vẫn nghe thấy hết
Nhịp ngũ âm rộn rã tiễn người đi
Dẫu có thiên đường ta vẫn yêu mặt đất
Đồng lúa, vườn cây, hoa trái, nụ cười
Biển vỗ sóng và rừng cây ru gió
Mỗi ngày vui đáng quý biết bao nhiêu
Khi đang sống hãy nghĩ về cái chết
Để càng yêu cuộc sống hơn lên
Ôi hạnh phúc là gì ta tự hỏi
Là con người sống đẹp với yêu thương !



                             
BÀI VIẾT CỦA LƯƠNG HỮU
 Anh Bùi Công Bính từ biệt chúng ta vào sớm ngày 15/4/1014. Tôi nhận tin xót xa này, do một bạn đọc thân thiết của anh qua điện thoại di động. Huyết áp tôi tăng lên, tôi thấy nhà cửa chòng chành, mọi thứ lộn xộn, chệch choạc. Còn chút tỉnh táo, tôi nghĩ "Giá anh Bính cố lấy hơn tháng nữa, sinh nhật lần thứ 124 của Bác Hồ rồi hãy ra đi, thì đúng là việc trời!" Bốn năm trước đây , Vườn Quốc gia Ba Vì, nơi có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh linh thiêng, mời anh hoàn thành tác phẩm "Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn" để kịp xuất bản, làm sách giao lưu với khách thăm quan nhất là khách quốc tế nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, cùng khai trương một số hạng mục công trình mới trong và ngoài đền thờ Bác trên đỉnh núi Ba Vì.
 Nhà thơ Gia Dũng điện về, phải sửa xong bản thảo, gửi gấp cho nhà xuất bản Hội Nhà văn, nội nhật trong ngày cho  kịp in ấn. Sáng hôm ấy, anh Bính ôm chồng bản thảo hơn 500 trang đến nhà tôi. Anh bảo bà xã tôi :"Trưa nay bà chuẩn bị món gì bồi dưỡng cho anh em tôi !" Quay sang tôi, anh chia bản thảo ra làm hai, nói như ra lệnh" Ông hộ tôi nửa này!"  Mười ngày sau, sách in xong, anh hân hoan đến tôi, tặng sách và nói như reo "In nhanh và đẹp quá!". Tôi chia sẻ niềm vui với anh. Trong vòng chưa đầy 5 năm, anh ra được bốn tập sách dày dặn, chuyên về chủ đề "Nguồn sáng Hồ Chí Minh"

 Trước ngày ra đi, anh còn bảo :"Nguồn sáng từ Bác Hồ là vô tận, mình còn hai tập bản thảo cỡ một nghìn trang nữa, mấy nơi hẹn in cho, vô tư !" Viết báo về Bác Hồ, viết được nhiều và hay như anh, dễ chỉ có một không hai. Anh là nhà báo được nhận nhiều bằng khen, phần thưởng của rất nhiều tờ báo, tạp chí, đặc biệt là của Ban Văn hoá tư tưởng Trung ương. Anh không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng những trang viết của anh, những ghi nhận nói trên, là những chứng chỉ xứng đáng cho danh hiệu nhà báo cao quý, nhiều người mơ không thấy.
 Vậy còn danh hiệu nhà thơ ? Bùi Công Bính cũng vẫn là cây bút thơ chưa có nhãn "quốc doanh!" Mười chín năm trước, mừng anh vào tuổi 60, tôi có bài "Sáu mươi năm Cây lúa Quỳnh Lưu". Bài viết nhắc đến sự kiện bút ký : "Cây lúa Quỳnh Lưu"  của anh được tặng giải A Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, viết ký rất có văn lại giàu chất thơ, nhiều nét sắc sảo, tài hoa, được như anh là hiếm lắm. Trên các trang báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tác phẩm mới…truyện, ký và thơ của anh xuất hiện đều đặn. Anh được đi học lớp bồi dưỡng viết văn khoá 3 của Hội nhà văn Việt Nam. Cùng học khoá 3 có các tên tuổi đang nổi lên như Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Nghiêm Đa Văn, Sĩ Hồng, Nguyễn Trí Huân, Phạm Đức…Hầu hết anh chị em đồng khoá ấy, đều trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các thầy Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Chế Lan Viên…đều rất quý anh, đánh giá rất tốt về năng lực phẩm chất của anh. Nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo kể rằng : nhiều anh em ngày trước, được anh Bính giúp đỡ, sửa chữa văn bài cho, sau này đều trưởng thành cả : Vậy mà…như nhà văn Lê Minh Khuê từng nhắc đến "những khoảnh khắc của số phận !" Sau lớp bồi dưỡng viết văn anh Bính còn được đi dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc. Từ văn nghệ Việt Bắc, anh về với văn nghệ Thái Bình, góp công sức lớn xây dựng phong trào văn nghệ của quê hương. Tận tuỵ với công việc biên tập, sáng tác, bồi dưỡng phát hiện, giúp đỡ các cây bút trẻ…lại phải bươn chải với cuộc sống, khách thơ không dám đùa với cơm áo, anh gần như quên mất phần mình. Anh em bạn bè cùng trang lứa, cùng cơ quan nhiều người trở thành hội viên Hôi nhà văn Việt Nam lúc nào không hay. Danh hiệu nhà thơ, nhà văn của anh, do dân làng như dân làng của Xuân Đam yêu quý tôn vinh. Nghe câu tâm sự tự trào "Một niềm sung sướng bao la / khi dân làng gọi tôi là nhà thơ", mấy anh em chúng tôi vui vui, buồn buồn cũng bao la không kém. Khi nhắc đến cái được, cái mất, có bạn đã dẫn lời anh lúc lâm vào thế bí "Cái số nó là vậy", Nếu không, người đầu tiên ở Thái Bình được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam phải là nhà thơ Bùi Công Bính. Tập thơ "Hoa vẫn chờ em"  của anh dày dặn, chững chạc, đáng mặt một thi phẩm làm vinh dự cho bất cứ một miền quê nào. Bài thơ "Một vùng quê đất nước" viết năm 1971, trong thi phẩm ấy, có người đã viết rằng : Một vùng quê…đã đi vào bất tử hay chưa, chưa dám nói. Nhưng nói đến thơ Thái Bình không thể không nhắc tới bài thơ tiêu biểu ấy của Bùi Công Bính.
 Ngày Câu lạc bộ Thơ Lê Quý Đôn, đứng ra làm lễ truy điệu và lo lieeuh hậu sự cho anh, đã không ngần ngại dựng tấm phông, có hàng chữ lớn "Vô cùng thương tiếc Nhà báo, Nhà thơ Bùi Công Bính". Hai chữ Nhà báo, Nhà thơ được viết hoa. Danh hiệu nhà báo, nhà thơ ở đây, mang thêm một vinh dự, một vẻ đẹp cao quý tự nhiên, vừa là số trời, vừa là lòng người quý mến, thương tiếc anh ! Bài thơ "Lời gửi lại trước lúc đi xa" của anh thật thanh thản, mà nước mắt bạn bè vẫn nghẹn ngào là sao anh Bính ơi !
                                                                              Lương Hữu


 NHỚ ANH BÙI CÔNG BÍNH
   Anh gửi giãi bày "trước lúc đi xa"
   Chào "tất cả" thân yêu "xin tạm biệt"
   Hết thảy giới làng văn, bạn viết
   Nước mắt rơi đọng mãi nụ cười anh.
   Để lại yêu thương từ những "Búp trên cành"
   Tờ "Văn nghệ" nhớ người khai "chuyên mục"
   Anh trân trọng những tài năng…đích thực
   Đầy ân tình, nhân ái, sáng niềm tin

   Người "đọc anh" xoá đi mọi nhỏ nhen
   Mọi định kiến, xây lên điều hướng thiện
   Trái tim, anh luôn còn hiển hiện
   Giữa làng văn, làng báo…những trang đời.
   Biết mà dừng đúng lúc. Thế là vui
   Vừa có cớ, vừa lẽ trời "quy luật"
   Đã là mệnh, Thánh thần nào cứu được
   Thì người vàng, dẫu đúc, đổi được đâu.
   Về cõi vĩnh hằng là về với trăng sao
   Con người hoá : gió, mây. sương, khói
   Nhưng tình người, tính nhân văn còn mãi
   Anh "ra đi" linh diệu sẽ "trở về"
       Duy Hậu
   


NHỚ MÃI VỀ ANH
                  (Kính viếng linh hồn nhà báo, nhà thơ Bùi Công Bính)

 Chiều vắng xuân về anh lại đi
   Hoàng hôn ngả bóng sầu biệt ly
   Ngoài hiên lá rụng hoa ngơ ngác
   Khói toả hương bay, gió thầm thì
   Mười bốn tuổi đời giục bước chân
   Chiến khu Việt Bắc ngút ngàn xanh
   Con đường cách mạng theo chân Bác
   Sức trẻ bền gan trong đấu tranh…
   Hà Giang yêu dấu những năm xưa
   Cao Nguyên vẫy gọi dải sương mờ
   Anh về bản ấm hồng bếp lửa
   Gieo chữ cho đàn em bé thơ
   Cuộc đời làm báo - đường trường chinh
   Viết ngàn trang sách Hồ Chí Minh
   Trái tim sôi sục khơi nguồn sáng
   "Có Bác lòng ta trong sáng hơn"
   Đây những trang thơ đẹp cho đời
   Để đàn em nhỏ nụ cười vui
   Thơ anh hoa nở xuân vẫy gọi
   Bát ngát tình sâu trọng nghĩa đời
   Mái ấm còn đây anh về đâu ?
   Vành khăn tang trắng phủ mái đầu
   Dòng thơ vĩnh biệt người khuất núi
   Chín cả chiều xuân, thăm thẳm sâu
   Ôi nén hương trầm thương nhớ anh
   Nỗi đau chia sẻ nặng ân tình
   Anh về chín suối hoàng hôn phủ
   Bao trái tim buồn vĩnh biệt anh…
                                          Trương Công Hạnh
                                  20 tháng 4 năm 2014 (Giáp Ngọ)
   


ANH ƠI
      (Viếng linh hồn anh Bùi Công Bính)
   Lặng - nghe anh đối thoại với tử thần
   Lòng se sắt một nỗi buồn không tưởng
   Anh là vậy - anh ơi Bùi Công Bính
   Một bông hồng giữa làng báo - làng văn

   Hoa hồng đẹp đầy gai góc gian truân
   "Kẻ ghét - người yêu - niềm vui - oan trái"
   Cái bể khổ bụi trần anh để lại
   Nở một nụ cười thanh thản ra đi
   Biết là anh chưa thoả nỗi ước mơ
   Viết về Bác ước muốn nhiều hơn nữa
   Nguồn sáng ấy mãi xanh nguồn xứ sở
   Có hồn anh góp sáng lửa muôn đời
   Cũng đủ rồi Bùi Công Bính - anh ơi !
   Đã mấy ai làm được điều như thế
   Giấy thì nhiều nói như rừng như bể…
   Đời đâu cần những thứ họ khoa trương !
   Bác - là người hiển hiện của tình thương
   Giữa nhân thế - sống kiệm cần liêm chính
   Anh làm được cái điều như Bác muốn
   Hạnh phúc tình yêu hiến trọn trái tim mình !

                                                  Phạm Xuân Đào

1 nhận xét:

  1. KÍNH THƯA BBT TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH. HÔM NAY TÔI VÔ TÌNH THẤY BÀI " CÀNH MAI XUÂN VÀ DÒNG THỜI GIAN VÔ TẬN" CỦA ĐÀO THÁI SƠN ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ XUÂN NHÂM THÌN 2012, SAO ĐẾN GIỜ TÔI CHƯA CÓ BÁO BIẾU ? NẾU CÓ THỂ XIN GỬI CHO TÔI MỘT CUỐN LÀM KỶ NIỆM. XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN - 01647240496

    Trả lờiXóa