Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VAN NGHỆ THÁI BÌNH SỐ 203 RA THÁNG 12 NĂM 2012


GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VAN NGHỆ THÁI BÌNH
SỐ 203 RA THÁNG 12 NĂM 2012

         
Nhờ Bác lòng ta trong sáng hơn là nhan đề bài phóng sự của tác giả Vũ Duy Yên in trong chuyên mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh của Tạp chí Văn nghệ Thái Bình số này. Bài viết phản ánh quy mô tổ chức cũng như khí thế, tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ ở huyện Vũ Thư, Thái Bình.
          Chuyên mục Văn xuôi số này giới thiệu nhiều sáng tác mới của các cây bút Thái Bình. Tác phẩm Trăng thượng tuần là một phần trích trong tiểu thuyết cùng tên của tác giả Thiếu Văn Sơn. Đây là tập tiểu thuyết viết về đề tài nông nghiệp nông dân và nông thôn Thái Bình thời kỳ mất ổn định của những năm cuối thế kỷ XX (1997 -1999). Đó là thời kỳ phá vỡ được cách suy nghĩ và lối làm ăn bao cấp vừa quan liêu vừa trì trệ kém hiệu quả, nhưng cũng tạo tiền đề cho một phong cách làm việc vô nguyên tắc, tất cả chỉ vì đồng tiền. Đồng tiền thao túng và quy định mọi thứ trong xã hội, đưa nhiều con người vào dòng xoáy không lối thoát của thời cuộc mà nạn nhân tiêu biểu là những đã từng dạn dày, kinh qua chiến trận hiện đang nắm giữ bộ máy công quyền làng xã ở các địa phượng.
Truyện ngắn Bữa rượi đêm mưa của tác giả Tống Trung lại tập trung phản ánh và lên án những mưu mô làm ăn và cách nghĩ, cách sống ma mãnh của một số người là cán bộ trong các cơ quan báo chí tuyên truyền hiện nay, đã bị tiền bạc, vật chất tha hoá và điều khiển và điều tất nhiên sẽ dẫn tới những kết cục xấu khôn lường.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

THƠ BIỂN ĐẢO


THƠ BIỂN ĐẢO

Ngày 21/6/2012, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua luật Biển Việt Nam với 495/496 số phiếu tán thành, trong đó đã khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có lẽ đây là một bộ luật có số phiếu đồng thuận cao nhất trong Quốc hội và được nhiều người từ người dân lao động chân tay tới hàng ngũ văn sỹ, trí thức , quan chức... quan tâm, nhiệt liệt tán thành nhất từ trước tới nay.
Nhân dịp này, VNTB xin giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thơ tiêu biểu về chủ đề biển đảo quê hương của một số nhà thơ trong  tỉnh...





ĐỖ TRỌNG KHƠI

BIỂN VIỆT


Mẹ Việt đứng tựa lưng vào biển
Lòng ôm cầm làng mạc, núi non
Ngàn năm ấy ngàn phen chìm nổi
Biển Việt Nam – Thế trụ chẳng xói mòn

Ngàn hòn đảo – Ngàn đứa con kiêu hãnh
Kia Hoàng Sa, Trường Sa bao la
Kia Cồn Cỏ, Lý Sơn dũng mãnh
Đây Sinh Tồn, Song Tử, Gạc Ma...

Đảo nào chả gái trai của mẹ
Mẹ sinh con từ thuở nước nằm nôi
Tộc Âu Lạc – Rồng châu quần cửa biển
Sóng lừng vang thế trận đã bao đời!

Có biển nào như biển bờ của mẹ
Mặt sóng đi cũng lưu dải đường mòn
Đồ Sơn – Thanh Phong – Vũng Rô – Vàm Lũng...
Trang sử mãi còn chói lọi dấu son.

Biển Việt tạc dáng cần lao mẹ Việt
Cua cá lần hồi khuya sớm nuôi con
Gia tài lớn Vụng Côn Sơn, Bạch Hổ...
Đã ngàn năm trữ ngọc trong lòng.

Biển nào hơn bãi bờ biển Việt
Vẻ thần tiên Hạ Long, Nha Trang
Núi cũng dáng tình gái trai thắm thiết
Những vọng phu, trống mái, núi Nàng...

Núi cũng dáng hình thiêng non nước
Thần Kim Quy ẩn mình nơi biển xa sâu
Hồn cổ sử rung rinh từng giọt chữ
Viên ngọc trai nào cũng tâm sự Mỵ Châu!

Con sóng nào cũng tâm hồn biển Việt
Góc biển chân trời dù đi đâu về đâu
Vẫn làng nước thuở Cha Rồng khai phá,
Biển máu núi xương kỳ vỹ nhiệm màu.

Ngàn năm đã qua, ngàn năm đang tới
Đây biển Việt Nam: Thế trụ kiêu hùng!
Giặc giã, bão giông vẫn sinh làng lập ấp
Vẫn đẹp dịu dàng dáng vóc Việt Nam.

9/9/2011


Phan Đức Chính

Trước biển Đông

1.
 Con rùa vàng phơi lưng trên cát
 Làng tôi đứng trước Biển Đông
 Những đêm trăng nằm nghe biển hát
Thuyền ra khơi con sóng lượn vòng. 
Biển tựa lưng vào những cánh đồng
Tựa lưng câu hát
Đất nước tựa lưng nhau đánh giặc
Tiếng đàn bầu ngả nón xuống dòng sông. 
2.
Sông Hồng chảy đến đây không thể dừng
Những sông lớn gặp nhau ngoài biển cả
Những anh hùng lại gặp anh hùng
Những danh nhân không bao giờ thiếu vắng.
Anh hùng
Dân đánh cá
Và thi nhân
Cũng từ sông ra biển
Cùng mênh mang trên một chiếc thuyền.    
 3.
Những chiếc thuyền ra khơi từ đất liền
Anh và em đi từ ao nhà ra biển
Có lúc nào em nghĩ chúng mình ra đảo trồng dưa
Làm vợ chồng An Tiêm giữa thị - trường - nước - ngọt?
Trái đất nóng lên
Thị trường cũng sẽ nóng lên.
Nơi thừa nước
Cũng là nơi thiếu nước.
Cả anh và  em không còn vô tư đứng hát
Em đừng trách anh đứng trước biển còn nghĩ làm gì
Không phải ai cũng làm được thi sĩ
Và đã là thi sĩ phải nghèo
Đem thân phận buộc vào số phận
Đem ta buộc vào nhau
Giữa biển không cần mặc áo.
Ta buộc ta vào biển
Ta buộc ta vào gió  bão
Ta buộc ta vào trời.
Xa đất liền biển vốn tự do!
Với đất liền
Biển ở  ngoài xa.
Nhưng với đảo
Biển là thềm lục địa. 
Đứng trước biển gọi là Tổ quốc.
Năm 1975
Có những đảo xa chưa kịp đến được
Thì em ơi
 Mây trắng cũng vô tình.
Tổ quốc là  nơi ta vẹn toàn
 Như anh và em
                    lên rừng
                                xuống bể
                                            vẫn chung nhau bọc nước
Hôm nay
 Anh lên tàu ra khơi. 
4.
Em đừng bảo sao anh không nhớ biển
Nhớ là  những gì đã cũ
Những gì anh đang đến đây mới lạ đến vô cùng.
Nỗi nhớ là  sự thiếu thốn không em
Nơi anh thức mà em còn chưa ngủ
Là ranh giới giữa ngày và đêm
Sự xa cách giữa đất liền và biển cả.
Khoảng trống giữa hai ta
Nỗi nhớ là  sự im lặng đến day dứt
Như ngọn đèn lay lắt vụt khêu lên
 “Mép biển một người đứng nghĩ”1
Sự đa cảm thành thi sĩ
Ý tưởng bay ra thành con sóng bạc đầu
Luật biển phân chia chủ quyền
                                nỗi nhớ bớt mênh mang.
 5.
Đảo chìm trước khi nổi lên mặt nước
Đảo san hô phập phồng ngực biển
Em ơi
Mây trắng bay về  đâu
Mà tình yêu ta ở phía trước con tàu và phía sau bánh lái.
Cái màu tím anh không thể hái
Bởi đi đến đâu cũng thấy chân trời.
Tự do là  khi ta nhìn về Tổ quốc
Mây trắng kia chính là những Cái Đẹp
Bởi đi về đâu cũng gặp con người.
Cả anh và  em đang đi tới
 Chỉ có  tình yêu là tồn tại
 Nghĩ cho cùng đến thế mà thôi.
Mọi triết lý  cũng vì miếng cơm manh áo
Giữa chiến tranh và không chiến tranh
Khác nhau về  mặt ý tưởng
Để anh và em luôn nhớ
Dáng mẹ ta người mẹ anh hùng
Mang một nửa những người con xuống bể!
Ôi mẹ Âu Cơ
Mẹ như con cò lửa
Bay
rộng dài trên  đất nước thương yêu.
 




Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

BÁCH THUẬN, RIÊNG MỘT LỐI ĂN LÀM




Bút ký NGUYÊN LONG


Chủ tịch nước thăm nông dân Thái Bình
Từ những năm đầu thập niên của thế kỷ trước cách đây khoảng bốn mươi năm, những ngày cả nước còn đang bom rơi đạn nổ, phong trào hợp tác xã nông nghiệp còn đang rầm rộ và cuộc sống khó nghèo vẫn còn trùm lên miền Bắc thì Bách Thuận đã nổi tiếng là một vùng quê giầu đẹp. Nghe nói thời ấy việc chạy ăn chạy mặc cho dân là công việc vất vả nhất của các địa phương nên mỗi khi phải đón tiếp khách là các cán bộ xã lo chạy đến són vó. Bởi khách trên đã về là phải lo cỗ bàn. Khách to, đông thì mổ bò, mổ lợn. Thấp nhất thì cũng phải “cơm gà, cá gỡ”. Có cơ sở một vụ phải đón vài ba lần khách là đã vốn teo, quỹ vỡ. Vậy mà Bách Thuận thời ấy, khách quốc tế, khách trung ương, khách tỉnh, khách của ngành, của huyện... rồi cả khách các nơi đến thăm quan đi về mườn mượt mấy năm liền. Có những đợt, xã còn tổ chức mời những đoàn nhà văn nhà thơ, nhà báo của trung ương và địa phương về ăn nằm hàng tháng trời để sáng tác, để viết về Bách Thuận. Báo chí thì chưa có ai làm thống kê cụ thể, nhưng văn chương còn lưu lại tập bút ký và thơ Hương vườn Bách Thuận dày gần 200 trang xuất bản cách đây đã 30 mươi năm được in bằng loại giấy thô đen của thời bao cấp. Song có sự góp mặt rất nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của thời đại như: Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Quân Miệm, Võ Văn Trực, Trần Lê Văn, Quang Huy, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hoa, Vân Long, Hoàng Hữu... Riêng nhà thơ Trinh Đường đã đi về Bách Thuận nhiều lần để viết ký, làm thơ và chủ biên tập sách nói trên cho xã. Còn đối với các nhà văn nhà thơ ở địa phương như Bút Ngữ, Minh Chuyên, Đức Hậu, Kim Chuông, Nguyễn Văn, Võ Bá Cường... và anh chị em hội viên Hội Văn nghệ Thái Bình thì ngày ấy đi về Thuận Vy, Bách Thuận gần gụi thân quen như nhà mình. Và cuộc đón tiếp nào, dù khách xa hay gần chủ nhà cũng nồng nhiệt, ăn uống cũng đày đủ thịnh soạn. Mấy chục năm rồi, nhưng nhiều anh chị em văn nghệ sỹ lớn tuổi bây giờ vẫn còn nhớ: lần nào về Bách Thuận cũng được ăn những thứ ngon mà thời bao cấp không mấy khi có.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

TAP CHI VAN NGHE THAI BINH SO 202 THANG 10/2012


GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH
SỐ 202, RA THÁNG 10/2012

          Học tập là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạp chí số này giới thiệu truyện ký Tôi được gặp Bác Hồ của tác giả Trần Văn Thủ, viết theo lời kể của thiếu tá Trần Lam. Đây là câu chuyện kể lại quá trình phấn đấu trưởng thành của một cán bộ sỹ quan quân đội thời kỳ chống Pháp được vinh dự  được sống, chiến đấu trong mặt trận do Bác chỉ huy và được trực tiếp gặp Bác Hồ trong khi thực hiện nhiệm vụ. Đó vừa là vinh dự lớn vừa là được trực tiếp học hỏi những tấm gương sáng từ Bác đã có tác dụng cụ thể động viên người chiến sỹ trong suốt chặng đường chiến đấu gian khổ và làm nên những chiến công lớn.  Bên cạnh đó là một truyện ngắn Người bạn cũ một sáng tác mới của tác giả Đặng Toán, viết về đời sống và tình cảm của người lính đã từng xông pha nơi chiến trận. Tuy cuộc chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, nhưng những tình cảm bạn bè, tình yêu, tình đồng đội một thuở vẫn khôn nguôi.  Nó chính là ngọn lửa âm ỷ thắp lên tình yêu cuộc sống của người lính già hôm nay.
Hưởng ứng chủ đề
          Chuyên mục truyện ký dự thi về đề tài Nông nghiệp, nông dân và nông thôn số này có hai bài ký: Thuỵ Ninh lối rẽ sau khoán 10 của tác giả Nguyễn Duy Liễm viết về sự dám nghĩ, dám làm của xã Thuỵ Ninh (Thái Thuỵ) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại lớn để phát triển chăn nuôi, trồng màu và đã thu được hiệu quả cao trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Bài ký Sách về làng của tác giả Đặng Văn Toàn lại đi khai thác theo một hướng khác là biểu dương sự chú trọng tới sự phát triển văn hoá, tri thức cho nông thôn mới ở các làng quê còn đang nghèo khó về mọi mặt. Đây là điều không thể thiếu được cùng với sự phát triển về kinh tế trong sự nghiệp phát triển nông thôn mới ở các làng quê hiện nay.

VIET VE NONG DAN


VĂN HỌC THÁI BÌNH VỚI ĐỀ TÀI
XÂY DỰNG TÀI NÔNG THÔN MỚI
(Tham luận của NGUYỄN LONG,
Thư ký toà soạn tạp chí Văn nghệ Thái Bình)

          Không phải tới khi Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Thái Bình có các Nghị quyết về xây dựng Nông thôn mới, các sáng tác của các cây bút văn chương Thái Bình mới đi sâu phản ánh về xây dựng nông thôn, mà từ nhiều năm nay các vấn đề về Tam nông (Nông nghiệp nông dân và nông thôn) thường xuyên là những chủ đề lớn được quan tâm và đề  cập đến nhiều nhất trong các sáng tác của văn nghệ Thái Bình. Một phần bởi Thái Bình là quê lúa, có tới hơn 80% dân số Thái Bình hiện nay vẫn là nông dân. Nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực, và các chỉ tiêu chăn nuôi nông, lâm, thuỷ sản vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng bộ và người dân trong tỉnh. Song phong trào xây dựng nông thôn mới là cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn và nó thôi thúc sự sáng tạo nhiều hơn cho anh chị em văn nghệ sỹ. Chỉ tính riêng cuộc thi viết truyện và ký về chủ đề nông nghiệp nông dân, nông thôn của tạp chí văn nghệ Thái Bình trong hơn một năm qua đã có gần 100 tác phẩm truyện ngắn và bút ký tham dự.

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VNTB SỐ THÁNG 8/2012


 TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH
SỐ 4 (201) RA THÁNG 8/2012

          Nổi bật trên các trang đầu của tạp chí Văn nghệ Thái Bình số này là chủ đề Hướng về biển đảo quê hương với các bài thơ tiêu biểu viết về biển đảo của các nhà thơ trong cả nước và các nhà thơ ở Thái Bình. Đó là bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến với những câu: Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo/ Lạc Long cha nay chưa thấy trở về/ Lời cha dặn phải giữ từng tấc đất/ Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi. Hay nhà thơ Đỗ Trọng Khơi viết trong bài Biển Việt: Ngàn năm đã qua, ngàn năm đang tới/ Đây biển Việt Nam, thế trụ kiêu hùng/ Giặc giã bão giông vẫn sinh làng lập ấp/ vẫn đẹp dịu dàng dáng vóc Việt Nam. Ngoài ra còn các bài thơ hay khác như Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Trước biển Đông của Phan Đức Chính...
          Phần văn xuôi số này có truyện ngắn Tiếng gọi đồng quê của tác giả Lan Phương viết về tình cảm gắn bó với người quê, đất quê của một người thầy giáo già sau khi nghỉ hưu phải theo con cháu lên sống ở thành phố. Bút ký Ông Uy của Cao Bá Quát hướng về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là hai tác phẩm dự thi viết về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn gồm phóng sự Nan giải hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của nhóm Phóng viên tạp chí và bút ký Đất trở mình của tác giả Nguyễn Ngọc Thường. Nội dung của các tác phẩm văn xuôi tuy thể hiện ở các chủ đề và thể loại khác nhau, nhưng đều tập trung phản ánh tâm tư tình cảm và  cuộc sống sôi động hiện nay của con người và mảnh đất làng quê Thái Bình đang hàng ngày đổi thay trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và hoà nhập với cộng đồng thế giới. Ngoài ra những tác phẩm mới sáng tác khác là chùm thơ viết về chủ đề ngày Thương binh liệt sỹ, chủ đề chào đón năm học mới với các bài: Bên bờ Thạch Hãn của Công Viễn, Hoa và cỏ của Vũ Duy Yên, Dòng sông thiêng của Trần Thuyên, Đòn gánh của Đặng Văn Toàn, Khi con vào lớp một của Phan Hà và Đêm của mẹ của Đặng Toán.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

NHÀ THƠ TRỌNG KHÁNH TỪ TRẦN


TIN BUỒN
Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, Chi hội Văn học Thái Bình và gia đình đau đớn báo tin: Nhà giáo ưu tú, Nhà thơ Nguyễn Trọng Khánh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội VHNT Thái Bình, Phó chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Văn học Thái Bình đã mất vào lúc 11 giờ 05 ngày 13 tháng 7 năm 2012.
          Lễ hoả táng ở Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội vào ngày 14/7/2012
          Lễ an táng tại quê nhà ở TT Diêm Điền, Thái Thuỵ Thái Bình cùng ngày.





Tô Ngọc Thạch

BẠN VỀ MIỀN CỰC LẠC
                  

Có MIỀN QUÊ THÁNG SÁU
Ăm ắp đầy mộng mơ
NẮNG VÀO THU bất ngờ
HOA ĐỒNG TIỀN ĐÊM khóc

Cơn MƯA buồn đắng đót
HUYỀN THOẠI ĐỀN ĐỒNG BẰNG
TRĂNG BUỘC GỐC TRẦU KHÔNG
BỤI PHẤN HƯƠNG TAY miết

Xin gửi lời tiễn biệt
BỤI PHẤN NÉM VÀO ĐÊM.

__________
* Những chữ in là các tập thơ của Trọng Khánh.

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

KHÚC NHẠC ĐỒNG QUÊ



                                                                     Truyện ngắn của Đặng Toán


    Hưng lụi cụi lùa đàn bò hướng phía bãi sông Cái. Con đường liên xã mới được trải nhựa đen thẫm. Rặng bạch đàn bên đường lao xao trong gió sớm. Ngay phía dưới, con mương tưới đã được cứng hóa đang cần mẫn chở dòng nước, tắm mát cho thảm lúa mênh mông, như vẫn còn đang ngủ vùi trong làn sương đêm đẫm ướt. Đàn bò lầm lũi nối đuôi nhau theo một hàng dài sát mép đường. Chứng tỏ chúng đã được chủ nhân huấn luyện khá kỹ. Thời gian mới đi chăn, khi dong trên đường ra bãi thả, chúng cứ chạy lung tung cả lên. Hưng vừa phải dồn đuổi vất vả lại vừa bị người đi đường mắng kháy “ Rõ là hâm. Đang ở Hà nội không thích, lại thích về quê chăn bò!”, rồi “ Nom trắng trẻo thư sinh thế mà đi chăn bò. Rõ phí!”...Những câu nói như có muối xát vào lòng, làm Hưng nhiều khi phải bặm môi, mắt rơm rớm...Dù đã xác định ngay từ lúc mới về, anh vẫn không tránh khỏi xót xa... Bao công lao ăn học để bây giờ lại quay về với vạch xuất phát? Có hơn chăng là tấm bằng cử nhân xã hội học mà giờ đây Hưng cũng chẳng biết đến bao giờ mình mới có cơ hội dùng đến nó! Chẳng lẽ Thái nói đúng chăng? Mình về quê là một sai lầm lớn? Nhưng không lẽ cứ quẩn quanh trong cảnh sống ngột ngạt, nay làm chỗ này, mai chạy chỗ kia? Đồng lương thì chưa cầm khỏi tay đã bay mất!.. Không. Mình về quê cũng là để lập nghiệp. Để san sẻ bớt gánh nặng cơm áo cho bố mẹ cơ mà? Trước mắt hãy cứ làm một anh chăn bò đã. Không có gì sướng bằng mình làm thuê cho chính bản thân mình! Hưng đã nghe ai nói câu đó. Và đúng là về quê, Hưng thấy như khỏe ra, đầu óc bớt căng thẳng. Điều quan trọng là được sống làm chính mình, không phải lo giữ ý, giữ miếng, không phải suốt ngày đau đáu với nỗi lo thất nghiệp bất cứ lúc nào...

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

VÒNG XOÁY QUYỀN LỰC.



          Việc tỉnh Thái Bình cho khoi tố ông Trịnh Trung Thông, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình về tội “cố ý làm trái nguyên tắc quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Anh em văn nghệ sỹ Thái Bình nhiều người đặt câu hỏi: Việc làm trên có phải vì sự nghiêm minh pháp luật ở Thái Bình không? Nếu vậy sao có bao nhiêu vụ làm sai nguyên tắc như ở Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh... lớn gấp mấy chục lần ở Hội VHNT nhưng chỉ rút kinh nghiệm hay sử lý hành chính?. Hay sử lý ông Thông vì lợi ích phong trào VHNT của Tỉnh? Càng không phải vì bất cứ ai cũng nhìn thấy Tỉnh càng nhúng sâu vào công việc của Hội, càng trù dập lãnh đạo Hội thì phong trào văn học NT càng bê bết. Vậy truy tố ông Thông vì cái gì??? Bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Minh Đức, hội viên Hội Nghiên cứu Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nghiên cứu VNDG Thái Bình, nguyên Giám đóc Sở Văn hoá Thái Bình, nói rõ một phần sự thật của sự việc trên
(Bài do tác giả gửi cho vannghethaibinh)

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VNTB SỐ THÁNG 4/2012


GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH
SỐ 199 RA THÁNG 4/2012
          Tạp chí Văn nghệ Thái Bình số 199, ra tháng 4/2012 nổi bật với chủ đề “Chào mừng Đại hội VHNT Thái Bình lần thứ IX” là những ý kiến tâm sự trước thềm Đại hội của các văn nghệ sỹ đại diện cho các chuyên ngành văn học nghệ thuật của địa phương. Nhà báo Bùi Công Bính viết về những kỷ niệm ngày đầu thành lập Hội. Đó là những tháng ngày gian nan, vất vả, túng thiếu, nhưng các văn nghệ sỹ Thái Bình đã hoạt động tích cực, văn học nghệ thuật thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của xã hội, góp phần vào công cuộc chống Mỹ hào hùng của địa phương và dân tộc. Nhà nghiên cứu Phạm Minh Đức điểm lại những thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua của Chi hội Văn nghệ dân gian, một chuyên ngành tuy có nhiều hội viên  tuổi cao, nhưng 5 năm qua đã hoàn thành được nhiều công trình nghiên cứu lớn. Nhà nhiếp ảnh Ngô Quang Yên trăn trở với những cái được và cái chưa được của ảnh nghệ thuật Thái Bình hiện nay. Hoạ sỹ Trần Thanh Liêm đi sâu phân tích những thành quả hội hoạ Thái Bình đã đạt được và đánh giá: “giai đoạn 2007 – 2012  là giai đoạn đánh dấu sự bùng nổ của mỹ thuật tỉnh nhà”. Nhạc sỹ Hồ Thuỳ tâm sự: Những tình cảm chân tình, giản dị và đoàn kết gắn bó của Chi hội Âm nhạc – Múa, đã nâng bước cho những thành công của các nhạc sỹ, nghệ sỹ trong nhiệm kỳ qua. Nhà nghiên cứu Trần Thanh Phượng bày tỏ tâm tư của mình với phong trào VHNT Tỉnh nhà với bài viết Hội, một mái nhà.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

HỘI THẢO VỀ BÚT KÝ TẠI BẮC GIANG


HỘI THẢO TRONG NHÓM VN8 TẠI BẮC GIANG

Đầu tháng 5/2012 Hội thảo Nhóm VN8 (gồm 8 Hội VNNT phía Bắc là Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái và Sơn La) lần thứ 7 được tổ chức ở Bắc Giang, do Hội VHNT Bắc Giang đăng cai tổ chức. Mỗi cuộc hội thảo của VN8 đi sâu vào một chuyên đề riêng về công tác tổ chức, chuyên môn và những vấn đề cần quan tâm của văn học nghệ thuật địa phương. Hội thảo lần này với chủ đề “Trao đổi về thể loại ký trên tạp chí, báo văn nghệ địa phương hiện nay” Hội VHNT Thái Bình tham gia hội thảo gồm các đồng chí lãnh đạo Hội và lãnh đạo tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Nhà báo Nguyễn Long, trưởng ban biên tập thay mặt cho VNTB tham gia trao đổi về vấn đề trên với đầu đề bài viết:

         KÝ IN TRÊN TẠP CHÍ, BÁO VĂN NGHỆ
                 PHẢI LÀ KÝ VĂN HỌC

                                                                                      Tham luận của NGUYỄN LONG

          Từ rất nhiều năm nay, không chi riêng Ban biên tập mà cả người viết, người đọc tạp chí Văn nghệ Thái Bình vẫn canh cánh một vấn đề: Thế nào là một bút ký văn học. Thái Bình đã có người viết ký nổi tiếng là nhà văn Minh Chuyên với một loạt bút ký về thời Hậu chiến như Thủ tục làm người còn sống, Nước mắt làng, Vào chùa gặp lại... Những tác phẩm của ông vừa đoạt giải nhất báo chí Toàn quốc, lại vùa được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Hay nhiều nhà văn viết ký đã thành tên tuổi như Đỗ Vĩnh Bảo, Đức Hậu, Lê Bính, Bùi Công Bính, Thiếu Văn Sơn... đã từng đoạt giải thi bút ký của báo Văn nghệ. Tuy vậy chân dung thể ký qua mấy cuộc toạ đàm, sau mấy cuộc thi ký của tạp chí Văn nghệ Thái Bình vẫn cứ mờ mờ ảo ảo, gây nhiều tranh cãi, tốn không biết bao nhiêu bút mực của những người quan tâm đến nó. Cho tới nay, dù đã có vài trăm bài ký in trên tạp chí, những người làm văn chương Thái Bình vẫn có hai quan niệm khác nhau:

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

LỐI RẼ SAU KHOÁN 10




 
TÁC PHẨM DỰ THI VỀ NÔNG NGHIỆP NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN

LỐI RẼ SAU KHOÁN 10
                                              
                                                            Bút ký dự thi của Nguyễn Duy Liễm

 
            Tôi về với Thụy Ninh giữa tết Thanh Minh.

Nắng mới đã bừng lên. Bầu trời mùa đông ảm đạm cố hữu sầm sập như chiếu lồng bàn, nay được vén bung đi trả lại cho đất trời miền duyên hải màu xanh mơn mởn non tơ ngợp tràn ngút ngát. Những mảng lúa chiêm xuân vàng ệch èo ọt vật vờ trong giá rét hôm nào đã thoát xác vào thì con gái đang cựa quậy sinh sôi trong gió nồm nam thoảng nhẹ.
          Có mặt tại Thụy Ninh trong dịp này, tôi thấy được niềm vui trên khuôn mặt những người nông dân đang dốc sức ra đồng bón thúc cho vụ lúa chiêm xuân đầy hứa hẹn. Nhưng cuộc sống ở một miền quê thuần nông vốn yên ả này thì cây lúa lại đang lui dần xuống hàng thứ yếu để cho nghề chăn nuôi lên ngôi. Tôi thấy đây là hiện tượng: lạ và có lẽ rất độc đáo nữa - một miền thôn giã có nếp sống độc canh muôn thủa bỗng dưng biến đổi như thoát xác vươn lên, nên tôi tìm đến mong được lý giải...
*      *
*
          Là một phần của vùng đất sa bồi do dòng sông hóa tải phù sa về hợp lưu với hệ thống sông Thái Bình bồi đắp. Thụy Ninh tiếp giáp với Vĩnh Bảo, Hải Phòng có con sông Hóa làm ranh giới tự nhiên. Phía Tây Bắc tiếp giáp với xã An Mỹ huyện Quỳnh Phụ, nên Thụy Ninh cũng là nơi khởi nguồn cho dòng chảy quan trọng tải nước phù sa về nuôi sống cả vùng đồng bằng duyên hải phía bắc huyện Thái Thụy. Sông ngòi ngang dọc luồn lách chảy giữa làng xóm, đất đai màu mỡ tạo nên một miền trù phú, Thụy Ninh hao hao giống những miền quê vùng đồng bằng Nam Bộ.
          Với một miền địa lý như vậy nên từ bao đời nay đây là nơi lý tưởng để nghề trồng lúa nước phát triển cho năng suất, chất lượng cao. Thụy Ninh được Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Thái Bình chọn làm điểm sản xuất giống lúa. Và mỗi năm Thụy Ninh đã tuyển chọn được từ ba đến năm trăm tấn lúa cung cấp giống cho tỉnh. Nếu cứ nhìn vào giá trị sản phẩm thu được từ một cân lúa giống tăng 25% so với cân lúa thường thì đây cũng là một nguồn thu đáng khích lệ cho người trồng lúa. Nhưng người Thụy Ninh chưa dừng lại chấp nhận mà họ vẫn tìm cách vượt lên rồi biến nghề chăn nuôi trang trại thành nguồn thu nhập chủ yếu.

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

TẠP CHÍ VNTB SỐ XUÂN NHÂM THÌN


GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH
SỐ XUÂN NHÂM THÌN (198) RA THÁNG 1/2012

Tạp chí Văn nghệ Thái Bình ra số đặc biệt 76 trang đón chào năm mới Xuân Nhâm Thìn với nhiều bài vở và chuyên mục phong phú, đặc sắc. Ngoài bìa 1 là bức hoạ Rồng do hoạ sỹ Trần Thanh Liêm sưu tầm. Bức hoạ  hình một đàn rồng vàng đang múa lượn trên nền đỏ, thể hiện không khí phồn thịnh ngày xuân và biểu trưng cho năm mới con Rồng.

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

SANG ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI

 SANG ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI

Doan VNS Thai Binh
Đối với anh chị em văn nghệ sỹ ở mọi lứa tuổi, mọi chuyên ngành, những chuyến đi thực tế đến những vùng đất mới không chỉ đơn thuần là sự giao lưu học hỏi thêm những điều hay cái đẹp của xứ người mà cái lớn lao hơn là được mở rộng tầm nhìn, khơi dạy những cảm xúc giúp cho những sáng tác có tầm vóc hơn. Chẳng thế mà thừ thuở xa xưa nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói: Nếu trong đầu không có ngàn vạn cuốn sách, trong mắt không có núi sông thiên hạ thì đừng nói chuyện làm văn chương. Những năm trước đây, do điều kiện kinh phí hạn hẹp, để tổ chức được một chuyến đi xa cho một nhóm văn nghệ sỹ là một khó khăn lớn. Mươi năm trở lại đây được sự quan tâm của Đảng và nhà nước đã hỗ trợ kinh phí sáng tác cho văn học nghệ thuật toàn quốc để anh chị em văn nghệ sỹ có điều kiện công bố được những tác phẩm mới và tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác, những hội thảo chuyên ngành... tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hiệu quả cho công việc sáng tác, sáng tạo. Trong các cuộc họp của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gần đây, nhà văn Hữu Thỉnh luôn nhắc nhở và động viên các Hội VHNT các địa phương phải chú trọng và quan tâm tới việc tổ chức cho anh chị em văn nghệ sỹ công bố được những sáng tác mới và đi thực tế, nhất là đi ra nước ngoài. Tiếp thu kinh nghiệm của các Hội bạn trong khu vực nhiều năm qua đã tổ chức các chuyến đi sang các nước Trung Quốc, Lào, Cămpuchia... Năm nay mặc dù nguồn kinh phí về chậm, nhưng được Tỉnh cho phép, Hội VHNT đã quyết tâm tổ chức chuyến đi thực tế cho anh chị em trong BCH Hội đến đất nước triệu voi là láng giềng gần gũi và thân thuộc nhất với Việt Nam.