Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VNTB SỐ THÁNG 8/2012


 TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH
SỐ 4 (201) RA THÁNG 8/2012

          Nổi bật trên các trang đầu của tạp chí Văn nghệ Thái Bình số này là chủ đề Hướng về biển đảo quê hương với các bài thơ tiêu biểu viết về biển đảo của các nhà thơ trong cả nước và các nhà thơ ở Thái Bình. Đó là bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến với những câu: Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo/ Lạc Long cha nay chưa thấy trở về/ Lời cha dặn phải giữ từng tấc đất/ Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi. Hay nhà thơ Đỗ Trọng Khơi viết trong bài Biển Việt: Ngàn năm đã qua, ngàn năm đang tới/ Đây biển Việt Nam, thế trụ kiêu hùng/ Giặc giã bão giông vẫn sinh làng lập ấp/ vẫn đẹp dịu dàng dáng vóc Việt Nam. Ngoài ra còn các bài thơ hay khác như Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Trước biển Đông của Phan Đức Chính...
          Phần văn xuôi số này có truyện ngắn Tiếng gọi đồng quê của tác giả Lan Phương viết về tình cảm gắn bó với người quê, đất quê của một người thầy giáo già sau khi nghỉ hưu phải theo con cháu lên sống ở thành phố. Bút ký Ông Uy của Cao Bá Quát hướng về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là hai tác phẩm dự thi viết về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn gồm phóng sự Nan giải hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của nhóm Phóng viên tạp chí và bút ký Đất trở mình của tác giả Nguyễn Ngọc Thường. Nội dung của các tác phẩm văn xuôi tuy thể hiện ở các chủ đề và thể loại khác nhau, nhưng đều tập trung phản ánh tâm tư tình cảm và  cuộc sống sôi động hiện nay của con người và mảnh đất làng quê Thái Bình đang hàng ngày đổi thay trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và hoà nhập với cộng đồng thế giới. Ngoài ra những tác phẩm mới sáng tác khác là chùm thơ viết về chủ đề ngày Thương binh liệt sỹ, chủ đề chào đón năm học mới với các bài: Bên bờ Thạch Hãn của Công Viễn, Hoa và cỏ của Vũ Duy Yên, Dòng sông thiêng của Trần Thuyên, Đòn gánh của Đặng Văn Toàn, Khi con vào lớp một của Phan Hà và Đêm của mẹ của Đặng Toán.

          Chuyên mục Vấn đề hôm nay giới thiệu bài viết Văn học có còn là nhân học của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Qua bài viết nhà thơ đã nêu lên thực tại đáng báo động hiện nay là cả xã hội thờ ơ và quay lưng lại với văn học nói riêng, văn hoá và nhân văn nói chung. Đó là tình trạng ở nhà trường thì học sinh không muốn học văn và các môn học xã hội. Thanh niên bước vào cuộc sống thì chỉ có khaỏng 5% chọn ngành nghề, công việc có liên quan đến xã hội nhân văn. Các trường Đại học, Cao đẳng khối C vắng ngơ vắng ngắt không có người thi, người học. Trong thực tế cuộc sống, văn chương nghệ thuật nhiều khi như không còn tồn tại trong xã hội. Đại hội Đảng Toàn quốc vừa rồi có đến 1.700 đại biểu mà không có đại biểu nào đại diện cho văn chương nghệ thuật. Trong khi đó nhìn lại những thước phim về các kỳ Đại hội Đảng và họp Quốc hội trước đây, quây quần bên Bác Hồ là các gương mặt Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Trà Giang, Lưu Hữu Phước... Đó là điều rất không bình thường vì bây giờ nhiều người không coi văn học là nhân học nữa...
          Mục Văn học nước ngoài có truyện Tàu Normandie gặp nạn của nhà văn Victor Hugo (Pháp) do Vũ Quốc Huệ dịch kể về phút  lâm chung của người thuyền trưởng anh hùng, một con người suốt đời đòi hỏi bản thân mình phải trung thành với chức trách và tuân thủ đạo làm người. Chuyên mục Tác phẩm và dư luận giới thiệu về tập thơ Dòng đời của Lại Tây Dương qua bài viết của Lương Hữu và bài Đọc Truyện ký của Công Viễn của Đặng Thành Văn. Ngoài ra còn một số chuyên đề, nội dung khác đem đến cho đọc giả nhiều nội dung thiết thực và thú vị như: bản nhạc Trở lại Điên Biên của  nhạc sỹ Thái Dương, chùm ảnh nghệ thuật của các nghệ sỹ Ngô Quang Yên, Duy Đông cùng nhiều hình ảnh và tin tức hoạt động của Hội...
          Mời các bạn tìm đọc Văn nghệ Thái Bình số 201 đã được phát hành trong tháng 8/2012 tại các cơ sở phát hành Bưu điện trong tỉnh và trên cả nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét