Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

TUỔI 80, VIẾT VĂN RA VĂN

          BÚT NGỮ


         TUỔI 80, VIẾT VĂN RA VĂN

         
          LỜI NÓI ĐẦU:  Ông Nguyễn Văn (tên thật là Nguyễn Văn Hoa), nhà báo, nhà viết văn kỳ lão của Thái Bình, tuổi cao sức yếu tạ thế vào sáng ngày 27 tháng 5 năm 2013 (tức 18 tháng 4 năm Qúy Tỵ). Tôi là Bút Ngữ bạn lâu năm với ông Nguyễn Văn nay đang yếu mệt do thời tiết quá nóng không tới dự lễ tang được. Xin có bài viết dưới đây để kính viếng ông và phân ưu cùng gia đình.

                                                          * * *

         

          Lâu nay giới cầm bút bàn nhiều về chuyện làm thế nào để viết văn cho ra văn, viết báo đọc không nhạt. Ông Nguyễn Văn và tôi cũng nghĩ nhiều về điều đó.  Tôi nhớ cái hồi năm 1996 - 1997, Thái Bình ồn ã về tệ lợi dụng món điện, đường, trường, trạm để tham nhũng. Ông Nguyễn Văn viết bài Kẻ bắn và người bị bắn đăng báo Văn nghệ (Hội nhà văn VN). Người đọc chú ý ngay, họ muốn biết sự việc ôi ác đó. Bọn đi thầu ăn sát gốc ra sao? bọn có quyền cho thầu ăn tận ngọn thế nào? Bọn làm thuê bớt xén gạch đá, sắt thép ra sao? Mấy anh giám sát, có cả đại tá về hưu chấm mút thế nào? và bọn chúng "bắn", tức hối lộ lẫn nhau ra sao?, dùng đạn lớn để bắn lên trên thế nào? Cuối cùng thì ai bị chết?... Bài nêu toàn những cái mà mọi người muốn biết. Họ xô vào đọc để thấy mọi ngóc ngách mà kẻ tham lách vào. Tất nhiên với nội dung ấy, ông Nguyễn Văn còn biết làm văn nữa. Viết hay, lại bập trúng vấn đề nên bài không nhạt. Người ta đọc rồi bàn tán xôn xao, thích thú.

          Khi đó nhà giáo Phạm Đăng Duật ở Thái Thụy đọc bài báo ấy rồi nổi hứng, viết bài khen, liền được báo Văn nghệ đăng tiếp. Thế là bài gọi ra bài, roi quất theo roi vào bọn tham nhũng.
          Cánh nhà báo thì luận về nghề nghiệp: Đó là ông Nguyễn Văn tìm được một việc mà mọi người quan tâm để viết, nên được trên đón dưới đỡ, tác động mạnh, tiếng vang xa. Họ còn liên hệ thêm: Bây giờ mà tìm được điển hình cai ma túy, đả tham nhũng, chống nạn giao thông có hiệu quả thì bài viết sẽ hay như bài trên, có thể còn hay hơn.
          Sau đó ít lâu, ông Nguyễn Văn gửi vào TP Hồ Chí Minh một bài khác. Biên tập viên Phạm Tường Vân đọc rồi viết thư ra: "Kính gửi anh Nguyễn Văn, Tôi cảm ơn tình cảm mà anh đã dành cho tạp chí Thế giới mới qua bài Phu bốc mộ rất hấp dẫn này. Bài sâu sắc và rất "đời" như thế này hiếm lắm… Mong nhận bài mới của anh".
          Xin kể tiếp bài khác nữa của ông Văn có tên là Người cùng làng, đăng trên báo Thái Bình. Năm 1997 khi đang lo dàn xếp vụ bất an. Tổng biên tập Phạm Ngọc Vy viết thư cho ông Văn: "Tôi rất cảm động thấy bài đồng chí viết gọn, có tính tư tưởng, sát thực, mang tính nhân văn cao… Rất mong đồng chí có nhiều bài như thế gửi cho báo Tỉnh".
         Còn Chủ tịch Hội nhà báo Thái Bình, ông Thiếu Vân Sơn thì viết: "Ông Nguyễn Văn vào làng báo từ trước những năm 1960…Lặn lội trong hai cuộc chống Phap, chống Mĩ, trong cuộc sống bộn bề sự kiện và mẫu người, ông đã dành tình cảm, tâm huyết cho mỗi trang viết, hướng về cái đẹp, về những giá trị đích thực". ( Trích lời tựa sách Một khoảng xanh, 1996 )
        Tôi nhớ lại năm 1965, sau thời gian là phóng viên hàng đầu của báo Thái Bình, ông Nguyễn Văn được phân công làm biên tập viên. Qua tay ông, bài chỉ có đậm lên chứ không nhạt đi. Hơn nữa ông còn kiêm viết cả truyện ngắn. Và truyện ngắn ông viết cũng được hoan nghênh. Hãy đọc thêm một đoạn khác mà ông Thiếu Văn Sơn đánh giá "Nguyễn Văn thành công ở các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ ca… nhưng truyện ngắn thành công nhiều hơn… Viết về nông thôn và nông dân ít ai thành công hơn Nguyễn Văn"
        Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, biên tập viên tạp chí Tài hoa trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, viết thư gửi ông Văn: "Tôi thật sự xúc động khi đọc truyện ngắn Chòng chành thời thơ dại tôi bần thần cả người, do gặp kỉ niệm tuổi thơ của mình. không ngờ càng về già ông viết càng hay".
       Cũng đọc truyện ngắn trên, nhà báo Nguyễn Dương Côn viết: "Truyện được trình diễn như một bản tình ca, vừa nhiệt tình vừa êm dịu, vừa nghiêm trang vừa cảm hoài ý vị…".
       Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Văn 75 tuổi, tôi viết câu đối chúc ông:
       - Chữ xếp bên chữ, báo viết mấy trăm bài, người xem càng nhớ.
       - Văn viết ra văn, sách in gần chục tập, bạn đọc không quên.
       Rồi ngay sau đó 1 năm, ông Văn cho in tập truyện ngắn chọn 275 trang, bằng cả tập tiểu thuyết. Tập ấy được Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng giải chính thức, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tặng giải Lê Quí Đôn.
       5 năm vừa qua, ông Văn chăm viết và viết tốt nên còn nhận thêm 3 giải. (Thi viết hồi kí kháng chiến, ông được ngành Bưu điện Việt Nam tặng cả 2 giải khu vực và toàn quốc. Tạp chí Tài hoa trẻ ( thuộc nghành Giáo dục ) tặng giải truyện ngắn ). Bình quân mỗi năm nhận một giải truyện ngắn, cho thấy sức viết của ông là đáng nể. Nếu tính gộp với những năm trước, tới nay ông Văn đã làm nên 10 tập sách và nhận 13 giải thưởng văn học của các cơ quan Trung ương và tỉnh.
       Sang năm 2005, ông Nguyễn Văn 80 tuổi. Gia đình con cháu, bầu bạn đều mừng. Giới làm báo, làm văn, vừa vui vừa rút kinh nghiệm của ông, để "Văn viết ra văn, báo viết không nhạt ".











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét