Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

BỐN MƯƠI NĂM TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH

Có lẽ nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời của mình là sau hơn bốn mươi năm được xếp trong tốp đầu của các tờ tạp chí văn nghệ địa phương về chất lượng cũng như về số lượng xuất bản, thì tới đầu năm 2013 do việc "đánh nhau" trong nội bộ giới văn nghệ sỹ của Tỉnh và lãnh đạo Tỉnh đã cắt kinh phí xuất bản hàng năm của tạp chí từ 220 triệu xuỗng còn 70 triệu đồng (cắt đi 130 triệu đồng, bằng 2/3 số khing phí xuất bản) nêm tờ VNTB phải co lại từ phát hành hơn 3.000 cuốn xuống còn 600 cuốn chỉ để phát hành nội bộ trong Hội và biếu một số cơ quan trong tỉnh, địa phương bè bạn. Một tờ tạp chí nếu chỉ in ấn phát hành vài ba trăm cuốn thì chẳng khác gì một tờ nội san và nó không còn tác dụng gì về mặt xã hội nữa…
Tiecs thương cho tờ Văn nghệ Thái Bình có thời phát hành lên tới hơn 7.000 bản một số, nay mình in lại bài viết về tạp chí cách đây đã hai năm trước nhân ngày tạp chí 40 năm tuổi.


  
BỐN MƯƠI NĂM TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH

NGUYỄN LONG
         
         
Không phải ngẫu nhiên mỗi hội văn học nghệ thuật địa phương có một tờ báo hoặc tạp chí của riêng mình. Mỗi tờ báo, tạp chí là diễn đàn, là gương mặt văn học, nghệ thuật của một vùng đất. Vì vậy cho nên ở đâu cũng vậy, khi Hội được thành lập, việc đầu tiên phải lo là sự ra đời của tờ tạp chí. Cách đây 40 năm, Hội VHNT Thái Bình được thành lập, tờ tạp chí đầu tiên mang tên Sông Trà cũng được ra mắt bạn đọc bởi lý do ấy, và quá trình phát triển, đổi thay của tạp chí cũng đồng hành với sự đổi thay, phát triển của Hội.
          Tạp chí VNTB đã qua hai chặng đường rõ rệt. Từ khi thành lập tới đầu năm 1994, gần một phần tư thế kỷ tạp chí giống như một tập chuyên san. Xuất bản không định kỳ, số lượng in mỗi số vài trăm cuốn, tên tuổi không chính thức, hình thức, vi nhét cũng không cố định. Lúc đầu mang tên Sông Trà, về sau tùy theo nhiệm vụ và tiêu chí của từng số mà đặt tên khác nhau. Bên cạnh tờ tạp chí, còn có một phụ san cho văn học thiếu nhi là Búp trên cành, chủ yếu giới thiệu những sáng tác của thiếu nhi và cho thiếu nhi của các cây bút trong Tỉnh qua các lớp bồi dưỡng và các trại sáng tác.

          Hơn 20 năm (1972 – 1994), với số lượng in ấn và phát hành hạn hẹp, mỗi số vài ba trăm cuốn, in ấn thủ công. Nhưng có thể nói, đó là thời hưng nghiệp của Văn nghệ Thái Bình. Tờ tạp chí đã làm được nhiều việc lớn hơn tầm vóc của nó và sự đòi hỏi của địa phương và xã hội rất nhiều. Rất nhiều tác giả, tác phẩm thời ấy đã dựng lên một Gương mặt văn học nghệ thuật Thái Bình để nó được công chúng cả nước biết đến và âm hưởng đến tận hôm nay vẫn còn. Về văn chương đó là những nhà văn, những cây bút: Bút Ngữ, Nguyễn Văn, Đức Hậu, Kim Chuông, Bùi Công Bính, Đỗ Vĩnh Bảo, Võ Bá Cường, Đặng Hán, Nguyễn Khoa Đăng, Thiếu Văn Sơn, Tường Lan.. Các tên tuổi và tác phẩm của các chuyên ngành khác như: Đăng Quang, Bùi Duy Ly ...(Nhiếp ảnh), Hà Trí Dũng, Trần Dậu, Bùi Tằng Hoàn, Đỗ Như Điềm... (Mỹ Thuật), Hồng Dương, Trọng Khuê, Thanh Long... (Kịch bản sân khấu) Thu Hiền, Mạnh Tường, Văn Mởn vv... cũng thường xuyên sáng danh trên tạp chí. Đây cũng là thời nhiệm vụ là vườn ươm, là bà đỡ cho văn học nghệ thuật địa phương của tạp chí được phát huy cao độ. Chỉ nói riêng về chuyên ngành văn học, rất nhiều các cây bút thành danh bây giờ như : Nguyễn Linh Khiếu, Bùi Hoàng Tám, Vũ Đảm, Nguyễn Quang Huỳnh, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng... và nhiều cây bút thiếu nhi trưởng thành từ thời ấy đều bắt đầu tập đi và lớn lên từ tờ VNTB. Và bây giờ giở lại hay chỉ cần nhắc đến tên những tờ tạp chí lúc bấy giờ như: Đường ra trận, Thái Bình – Vĩnh Trà, Thái Bình – Nghĩa Lộ, Lai Châu ... cũng đã nói lên VNTB ngay từ thủa đầu tiên đã luôn gắn bó với cuộc sống sôi động của địa phương cũng như cả nước và đã hoàn thành xuất sắc chức năng báo chí của mình.
          Bắt đầu từ tháng 2 năm 1994, tạp chí được Bộ Văn hóa cấp giấy phép xuất bản bộ mới là bước ngoặt lớn với sự thay đổi cơ bản của VNTB. Tiêu chí, cụ thể, rõ ràng hơn “Là tạp chí sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình và thông tin văn học nghệ thuật của Hội VHNT Thái Bình”. Về bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động cũng đi vào chuyên nghiệp hơn với đầy đủ các chức danh, nhiệm vụ của một tờ báo. Số lượng in ấn từ mỗi số vài ba trăm cuốn nay tăng lên gấp mười lần 3.000 đến 5.000 mỗi số. Tạp chí được phát hành rộng rãi trong tỉnh và tới nhiều địa phương cả nước thông qua hệ thống phát hành của ngành Bưu điện và Gíao dục.
          Uy tín của một tờ báo, tạp chí do nhiều nguyên nhân tạo nên, nhưng có hai điều quyết định là truyền thống tờ báo và đội ngũ những người làm báo. Với mấy chục năm phát triển và trưởng thành, tới giai đoạn những năm chín mươi của thế kỷ trước và bước sang đầu thế kỷ XXI, tạp chí có một đội ngũ lãnh đạo báo chí và biên tập, phóng viên mạnh mẽ và sung sức. Nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo là tổng biên tập đầu tiên của tạp chí mới. Với kinh nghiệm bao nhiêu năm làm báo Thái Bình và năng lực văn chương của mình, ông đã cùng nhà thơ Kim Chuông, sau là người kế nhiệm ông và các nhà văn nhà thơ, nhà báo ở văn phòng Hội là Đức Hậu, Phạm Đức Duật, Lê Bính, Nguyễn Dương Côn, Hà Trí Dũng ... là những người đã góp phần làm nên gương mặt và uy tín tờ VNTB mới. Đây cũng là giai đoạn tạp chí có đội ngũ cộng tác viên mạnh mẽ và đông đảo nhất. Một loạt các cây bút văn chương ở địa phương của thế hệ trước vẫn còn sung sức như Bút Ngữ, Nguyễn Tiến Đoàn, Nguyễn Văn, Bùi Công Bính, Thiếu Văn Sơn, Nguyễn Thanh, Phạm Minh Đức, Lương Hữu, Xuân Đam, Phan Đức Chính, Trọng Khuê... và một loạt cây bút của thế hệ sau đã trưởng thành như Vũ Công Hoan, Trần Văn Thước, Đỗ Trọng Khơi, Bùi Hoàng Tám, Trọng Khánh, Vũ Quóc Huệ, Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Lan Phương, Phạm Hồng Oanh, ánh Tuyết... và nhiều người viết văn làm thơ khác trong tỉnh thường xuyên góp mặt trên tạp chí.
          Là gương mặt của văn học nghệ thuật của một vùng đất, nên về kết cấu bộ mới tạp chí VNTB cũng quy mô hơn. Ngoài phần đăng tải những sáng tác mới như trước đây, một loạt các chuyên mục mới như Vấn đề hôm nay, Văn học với nhà trường, Văn học nước ngoài, Những câu thơ tôi nhớ, Danh nhân Thái Bình, Trên đất quê hương...làm cho tạp chí đa hương đa sắc hơn. Tạp chí vừa phản ánh được diện mạo phong trào văn học nghệ thuật và hơi thở cuộc sống mới của địa phương, lại vừa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của bạn đọc trong giai đoạn mới.
          Bước sang thời cơ chế thị trường, quan niệm về văn học nghệ thuật và cái hay, cái đẹp của xã hội có nhiều đổi thay. Tạp chí đã luôn cải tiến về hình thức cũng như nội dung để hòa nhập. Số trang tạp chí nâng dần từ 24 lên 32 rồi 48 trang, những số đặc biệt lên tới 100 trang. Số lượng bài vở đăng tải nhiều hơn, nhưng tạp chí vẫn giữ vững một nguyên tắc: Một tờ báo văn học nghệ thuật vừa phải giới thiệu được tinh hoa của văn nghệ địa phương vừa phải định hướng và đưa tới cho công chúng, bạn đọc những cái hay, cái đẹp đích thực của văn học nghệ thuật. Do vậy nhiều năm qua, trong điều kiện bùng nổ của các phương tiện thông tin nghe nhìn và báo mạng, hầu hết các báo chí văn chương trong đó có nhiều tờ báo lớn trung ương, tia ra ngày một giảm rõ rệt. Nhưng tạp văn nghệ Thái Bình vẫn giữ được lượng phát hành ổn định. Tạp chí vẫn đến với bạn đọc xa gần như một người bạn khiêm tốn giản dị mà thủy chung bó bện. Cũng do điều kiện xã hội, phong trào bồi dưỡng sáng tác cho các cây bút năng khiếu thiếu nhi, năng khiếu trẻ của Hội không tổ chức được quy mô rầm rộ như cái thời văn chương nghệ thuật thịnh hành. Nhưng tạp chí vẫn là vườn ươm cho các năng khiếu trẻ ở địa phương. Qua mỗi cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật tạp chí phát động, bên cạnh phản ánh được sự phong phú và cuộc sống sôi động ở địa phương, còn phát hiện những năng khiếu mới. Rất nhiều hội viên thuộc chi hội văn học được kết nạp những năm gần đây như Nguyễn Thúy Hằng, Phạm Công Liên. Đặng Văn Toàn, Đặng Toán... đều bật lên từ các cuộc thi. Một số tác giả năng khiếu trẻ như Phạm Thị Trinh, Phạm Thu Loan, Phan Hà, Lê Thị Nhung, Vũ Hải Đường, Phạm Hoài Ngọc...luôn được tạp chí ưu tiên đăng tải và góp ý cho những bài viết mới.
          Để một tờ tạp chí văn học nghệ thuật ở địa phương như VNTB có được tầm vóc, uy tín như hôm nay phải kể đến công lao của những người làm những công việc lặng thầm, tên tuổi không bao giờ có trên mặt báo. Đó là những người làm công việc trị sự ở Văn phòng hội. Là những người làm phát hành ở bưu điện và ở ngành giáo dục trong Tỉnh. Trong đó có nhiều người đã nhiệt tình, bó bện đã bỏ công sức xuống từng trường học, từng thôn xã giới thiệu và tiếp thị cho tờ tạp chí VNTB.

          Bốn mươi năm là một chặng đường dài với một tờ tạp chí nhỏ ở địa phương. Cuộc sống xã hội luôn đổi thay, và nhiều quan niệm về văn học nghệ thuật cũng thay đổi. Hôm nay, không còn cái thời cả nước háo hức chờ đón một bài thơ mừng xuân của những người lãnh đạo đất nước và coi nó như hồn túy của cả dân tộc, Không còn những ngày cả nước ra trận mà trong mỗi ba lô của người lính đều có những trang viết, những bài thơ chất đầy kỷ niệm... Tuy nhiên cái hay, cái đẹp của văn chương nghệ thuật là một bộ phận tinh túy nhân văn, văn hóa  của con người thì thời nào cũng vậy. Dù sôi động hay âm thầm lặng lẽ, cái thiên chức của văn học nghệ thuật vẫn không đổi thay. Bốn mươi năm qua tờ tạp chí VNTB được sinh ra cùng Hội VHNT Thái Bình để làm cái thiên chức ấy ở một vùng quê. Hôm nay nó vẫn đang làm và ngày mai, khi nào còn tồn tại, nó vẫn làm cái thiên chức ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét