Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

HỎI CHUYỆN MỘT NÔNG DÂN

Trong chuyến đi thực tế nông thôn tìm hiểu về Tam nông, nhóm phóng viên tạp chí có gặp gỡ nhiều bà con và trao đổi với họ về đời sống nông dân, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện nay hiện nay. Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên với một nông dân ở một làng thuần nông.

         
Phóng viên (PV): Bác là một lão nông hiện nay vẫn sống chủ yếu bằng thu nhập từ đồng ruộng, trước tiên xin bác cho biết về bản thân.
          Nông dân (ND): Vâng, đúng gia đình tôi chủ yếu sống bằng cấy cầy. Nói như vậy vì hiện nay nông dân ở các làng quê đời sống chỉ trông vào cây lúa hạt thóc không còn nhiều nữa. Chưa có thống kê đầy đủ nhưng các gia đình sống ở nông thôn hiện nay trên 50% số hộ ít nhất có một xuất lương hưu hoặc tiền trợ cấp hàng tháng như thương binh, gia đình chính sách... số còn lại thì hầu như nhà ai cũng có người đi làm xa, có thu nhhapj mang về. Lớp trẻ thì ra các thành phố làm công nhân, đàn ông thì đi làm thợ xây, thợ mộc. Đàn bà thì trông trẻ, ô xin... nói tóm lại là ở đâu có việc làm, kiếm được tiền là đi. Gần thì sáng đi tối về, xa thì đi dài ngày hơn. Bộ mặt nông thôn nhiều năm nay khang trang hơn là nhờ vậy, chứ chỉ trông vào hạt thóc, con lợn thì không phải ăn đói mặc rách là may chứ lấy tiền đâu ra mà xây nhà, mua sắm ti vi, xe máy.

          Riêng tôi vẫn chủ yếu sống bằng đồng ruộng vì  tôi thuộc lớp người đã trên dưới 60 tuổi và ít học. Lớp tuổi tôi chỉ học hết cấp II rồi đi bộ đội. Sau giải phóng miền Nam lại phục viên về quê làm ruộng. Chỉ những anh nào đã tốt nghiệp trung học phổ thông (lớp 10 bấy giờ) mới có điều kiện đi học tiếp hoặc chuyển ngành. Sống ở thời nào ít chữ cũng khổ. Con cái nông dân bây giờ nếu không có điều kiện học hành cũng vậy. Tôi có hai đứa con, nhưng vì làm ruộng nên không có tiền để nuôi con ăn học cao hơn, cả hai đứa học xong  THCS Và THPT là đi kiếm việc làm chứ không được học tiếp nên đứa nào cũng chỉ ở diện đủ ăn.

          PV: Theo bác nhận xét cuộc sống nông thôn hiện nay thế nào?
          ND: So với ngày xưa và thời bao cấp thì hơn nhiều. Những người lớp tuổi 70 trở lên là cái tuổi "lực bất tòng tâm" và hay nhìn về phía sau nên hầu như ai cũng bảo bây giờ sướng. Nhưng lứa tuổi tôi trở xuống và nhất là lớp trẻ họ nhìn thấy thu nhập ở nông thôn hiện nay còn kém rất xa đô thị và ở nước ngoài nên họ phấn đấu và bươn chải bằng mọi cách để kiếm tiền, nâng cao đời sống. Nhưng đồng tiền của người nông dân kiếm được bằng sức lao động làm thuê nên ở đâu cũng đều đẫm mồ hôi chứ không dễ dàng gì. Trong xã hội nào cũng vậy, chỉ có những ông bà chủ, những người có tài và nhất là làm quan chức mới có cơ hội làm giầu, còn người làm thuê thì không bao giờ giầu được. Cho nên nếu nói làm cho mọi người dân, nhất là nông dân giầu lên là rất khó.

          PV: Hiện nay các địa phương, các cấp, các ngành đang triển khai chính sách Tam nông của Đảng và nhà nước. Trước mắt ở mọi địa phương trong cả nước đang tiến hành quy hoạch xây dựng Nông thôn mới và đã làm điểm ở một số xã. Là một trong những người được hưởng chính sách mới,  xin cho biết suy nghĩ của bác về vấn đề này thế nào.
          ND: Tôi đã đến một số xã điểm xây dựng Nông thôn mới và theo dõi qua báo chí, truyền hình, thấy có một số nơi được đầu tư xây dựng rất khang trang, đẹp đẽ. Như xã Minh Tân (Kiến Xương, Thái Bình), chủ tịch nước đã về thăm và nhiều nơi đến tham quan, học tập. Nếu tất cả các làng xã được đầu tư xây dựng như vậy thì tốt quá, đời sống sinh hoạt cũng như đời sống văn hoá, xã hội ở nông thôn được thay đổi rõ rệt, văn minh hơn. Nhưng nói thật, vì đã sông ở nông thôn lâu năm nên tôi vẫn còn nhiều điều e ngại. Thứ nhất nếu việc quy hoach xây dựng nông thôn mới không có một chế độ cụ thể của nhà nước như đầu tư vào những khâu gì, việc gì cần thiết cho hợp với thực tế và mang lại hiệu quả, mà thực chất chỉ làm theo kiểu phong trào, tập trung kinh phí  và chỉ đạo vào những nơi làm điểm thì tốt, thì đẹp nhưng khi triển khai đồng bộ lại gặp đâu làm đấy, các làng xã tự làm theo kiểu "liệu cơm gắp mắm" có nhiều làm nhiều, có ít làm ít rồi bỏ bê thì sẽ lại rơi vào cảnh "đầu voi đuôi chuột" như rất nhiều phong trào lớn trước đây. Cụ thể như ở xã tôi vừa rồi mới làm xong bước quy hoạch nông thôn mới nhưng đã nảy sinh nhiều bất cập. Theo những người lập quy hoạch thì nghĩa trang của làng hiện đang ở khu đồng cao và gần chợ là không phù hợp, cần di dời xuống cánh đồng tận ven đê cách làng gần hai cây số mới bảo đảm được mỹ quan và vệ sinh. Nhưng đó là khu đông trũng, chưa mưa đã ngập nước, mồ mả tổ tiên bao đời đã yên vị, bây giờ bắt dời đi đến nơi như thế thì chẳng người dân nào chịu. Hay bước đầu xã được cấp tiền để mở rộng con đường chính của làng. Nhưng trên chỉ cấp cho kinh phí làm đường, còn việc giải toả vườn đất nhà dân trong khu vực xây dựng thì do xã và dân phải tự bàn bạc thoả thuận giải quyết. Như vậy có khác gì đánh đố nhau. Xã làm gì có kinh phí đền bù cho công trình. Vì cái kinh phí ấy có khi còn lớn hơn cả kinh phí mở rộng đường, mà dân thì chẳng ai muốn xẻo đất nhà mình cho việc làm đường. Như vậy thì bao giờ mô hình nông thôn mới mới hoàn thành.
          Điều quan trọng nữa, nếu mô hình xây dựng nông thôn mới thực hiện được, nhưng thu nhập của nông dân vẫn trông vào mấy sào ruộng là chủ yếu thì nông dân vẫn nghèo, bộ mặt nông thôn không thể thay đổi. Giống như một gia đình nghèo được ai đó tài trợ hay cho một khoản tiền để sửa nhà cửa, làm sân làm ngõ trông khang trang hơn trước. Nhưng kinh tế gia đình vẫn thiếu thốn thì một thời gian sau nhà cửa sẽ lại tiêu điều, gia đình vẫn cứ nghèo đói. Bộ mặt của nông thôn có mới được hay không trước hết phụ thuộc kinh tế có phát triển hay không, thu nhập của người dân có cao không. Điều đó phụ thuộc vào các chính sách kinh tế lớn, mà quan trọng nhất là chính sách ruộng đất đối với nông nghiệp nông thôn cuả Đảng và nhà nước. Nhìn lại quá khứ, Đảng và nhà nước đã có hai cuộc cách mạng về ruộng đất. Đó là cuộc cải cách ruộng đất, chia ruộng đất cho nông dân năm 1956 và Chính sách khoán 10 cuối thời bao cấp, nông dân được chủ động sản xuất trên ruộng đất của mình. Hai lần đó làm thay đổi hẳn đời sống kinh tế nông dân, bộ mặt nông thôn cũng tự nhiên khang trang, mới mẻ lên.
          Vấn đề ruộng đất ở nông thôn hiện nay đã có nhiều điều bất cập như: Ruộng đất quá nhỏ lẻ, ở vựa lúa Thái Bình mà bình quân đầu người chưa nổi 2 sào ruộng thì bảo đảm đời sống ổn định còn khó khăn chứ làm giầu sao nổi. Chính vì vậy ở nhiều nơi hiện nay nhiều hộ bỏ làm ruộng đi kiếm việc làm khác, Nhiều hộ chỉ làm ruộng để giữ đất chứ kinh tế gia đình trông vào các thu nhập khác là chủ yếu... các anh chị cứ về nông thôn mà hỏi, rất nhiều nơi bây giờ cho ruộng không ai cấy. Như vậy thì nông nghiệp phát triển thế nào được.

          PV: Vậy theo bác thì nông thôn phải phát triển thế nào là hợp lý.
          ND: Cái đó tôi là việc của những người lãnh đạo dân chứ tôi không biết. Nhưng xem ti vi ở nước ngoài, mỗi hộ nông dân là một chủ trang trại có tới vài chục, vài trăm ha ruộng đất, hoặc vài chục vài trăm con bò sữa trở lên thì thu nhập của họ mới tương đương với thu nhập của mọi thành phần khác trong xã hội. Về hướng đi của nông thôn ta có lẽ cũng phải thế. Ai là người chuyên sản xuất nông nghiệp thì phải có nhiều ruộng đất, phải làm ăn lớn. Còn lại đại bộ phận nông dân sẽ trở thành những công nhân trang trại và công nhân sản xuất công nghiệp, dịch vụ... và tất nhiên khi đó bộ mặt nông thôn mới sẽ khác hơn nhiều.

          PV: Vâng xin cảm ơn bác về những ý kiến sâu sắc từ trải nghiệm và thực tế.


                                                          Nguyễn Long (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét