Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH SỐ XUÂN QUÝ TỴ (204) RA THÁNG 2/2013


   GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH
     SỐ XUÂN QUÝ TỴ (204) RA THÁNG 2/2013

         
Số xuân Quý Tỵ của tạp chí Văn nghệ Thái Bình nổi bật ở chủ đề mừng Đảng Bác, mừng xuân, mừng Đất nước với các sáng tác mới của các cây bút tiêu biểu của văn học nghệ thuật Thái Bình.
Về thơ với các bài có nội dung ca ngợi Đảng, và học tập làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ được giới thiệu trang trọng ở các trang đầu của tạp chí. Đó là các bài: Đất nước của Phạm Minh Giang, Tấm áo bông của Bác của Xuân Đam, Bác Hồ đọc thơ chúc Tết cuả Vũ Duy Yên, Giao thừa nhớ Bác của Nguyễn Quang Cự, Bàn tay Bác của Đặng Thành Văn, Thăm lán Nà Lừa của Nguyễn Ngọc Thường. Bên cạnh đó là những bài thơ xuân  về tình yêu quê hương đất nước của các tác giả Kim Chuông, Hà Cừ, Lê Thái Sơn, Võ Bá Cường, Nguyễn Dương Côn, Vũ Quốc Huệ, Phan Đức Chính, Trần Chính, Nguyễn Hạnh Hiếu, Nguyễn Văn Thục, Nguyễn Công Viễn, Phạm Bào... Trang thơ của các cây bút nữ giới thiệu các bài thơ của Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Ánh Tuyết, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thuý Hằng, Đỗ Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Minh Thuận, Vũ Thanh Huyền, Phan Hà Linh... Và trang thơ của các tác giả quen thuộc khác như Đặng Văn Toàn, Bùi Duy Lan, Lại Tây Dương, Phạm Công Liên, Nguyễn Anh Quốc, Nguyễn Tường Thuật, Đức Hiền, Đỗ Lâm Hà, Đoà Xuân Ánh, Đức Toản, Phạm Hoài Ngọc đã góp phần làm phong phú nhiều vẻ cho chuyên mục sáng tác số Xuân.

Truyện ngắn số này giới thiệu các tác phẩm mới sáng tác của Trần Văn Thước với chùm truyện mini Những câu chuyện vô đề. Mỗi mẩu chuyện nhỏ của tác giả là sự gửi gắm một thông điệp không nhỏ về tình yêu, đạo lý, văn hoá xã hội tới bạn đọc. Truyện ngắn Ngài công sứ của Đức Hậu kể lại chuyện Công sứ Perret trị nhậm Thái Bình trong thời điểm năm 1945 đã sảy ra sự kiện vỡ đê Phú Chử (Vũ Thư). Vì thấy trách nhiệm của mình không thể làm gì giúp dân trong nỗi thống khổ, ông đã lấy cái chết để chia sẻ với người dân. Một truyện ngắn dã sử dựa trên một câu chuyện có thật về cái tâm của một người làm quan của  một viên công sứ Pháp khiến nhiều người đọc phải trăn trở. Bên cạnh đó là truyện ngắn dự thi về nông nghiệp nông dân và nông thôn Khúc nhạc đồng quê của Đặng Toán viết về quan niệm sống của lớp trẻ ở nông thôn hiện nay trong lao động và công danh, nghề nghiệp.
Chuyên mục nghiên cứu lý luận phê bình số này có các bài Ngày xuân tản mạn về câu đối của Nguyễn Thanh và bài Bài Đề từ Truyện Kiều và thơ vịnh Kiều của Đoàn Nguyên Tuấn của Nguyễn Tiến Đoàn. Đây là những bài nghiên cứu về những tác phẩm và thể loại truyền thống của văn học dân tộc giúp cho người đọc hiểu sâu thêm về tinh hoa văn hoá Việt Nam. Bài Hãy một lần đi bộ từ đầu làng đến cuối làng trong chuyên mục Vấn đề hôm nay của tác giả Nguyễn Quang Thiều nhằm giới thiệu lại những nét đẹp cổ xưa của văn hoá làng quê, liên hệ với tình trạng sống vô cảm, suy thoái đạo đức  ở nông thôn hiện nay.
Chuyên mục Tác phẩm và dư luận có bài viết về thơ lục bát Kim Chuông của tác giả Lương Hữu. Theo tác giả,  thơ lục bát Kim Chuông vừa nặng chất trữ tình đằm thám ngọt ngào vừa lắng thấm ở suy ngẫm sâu xa mà vấn có sự bề bộn hơi thở của cuộc sống. Mục Trên đất quê hương giới thiệu về Lễ hội đền Trần của Đặng Hùng và bài Cây ngàn năm tuổi của tác giả Nguyễn Xuân giới thiệu về một cây lạ được truyền tụng đã tồn tại trên một ngàn năm ở làng An để xã Hiệp Hoà, huyện Vũ Thư. Câu chuyện ngày xuân, nhân dịp Tết Quý Tỵ có các bài Những danh nhân tuổi Tỵ do P.V sưu tầm và bài Hình tượng con rắn trong đạo Phật của Nguyễn Quý tổng hợp đã cho thấy sự gắn kết của con rắn với đời sống cộng đồng và văn hoá của nhân loại.
Bên cạnh đó là  nhiều chuyên mục khác với những bài như Phải chăng Vương Chiêu Quân là người Thái Bình trong chuyên mục Trao đổi, Bài Tổng hợp về cuộc thi truyện ký về nông nghiệp nông dân và nông thôn của Lê Bính cùng một số chuyên trang về các đơn vị trong tỉnh. Ảnh bìa 1 và một số bài trong trang có giới thiệu những bức hoạ mới về  Rắn của hoạ sỹ Đỗ Phấn làm cho tạp chí số xuân thêm phong phú về nội dung, tươi tắn, trang nhã về hình thức.
Mời các bạn đón đọc tạp chí Văn nghệ Thái Bình số xuân Quý Tỵ

2 nhận xét:

  1. Tôi sống xa quê hương từ 10/1976 và nay đã nghỉ hưu. Quê tôi ở làng Gọc (Xóm 4), thôn An Cúc Tây, huyện Thái Thụy. Tôi có một số bài viết về quê hương Thái Bình mong được gửi về cho Tạp chí quê nhà qua email.

    Trả lờiXóa
  2. Xin các anh chị cung cấp địa chỉ email của Tạp chí Văn nghệ Thái Bình

    Trả lờiXóa