Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

THƠ THÁI BÌNH, MỘT NĂM NHÌN LẠI


THƠ THÁI BÌNH, MỘT NĂM NHÌN LẠI

Trong năm 2012 vừa qua, thơ Thái Bình nhìn chung vẫn giữ được nền thơ đã có từ trước. Đó là sự đông đảo người người làm thơ kể cả chuyên và không chuyên, người viết tay phải và tay trái. Đó là sự phong phú nhiều vẻ về số lượng cũng như chất lượng của thơ. Ngoài 6 tập thơ mới là Gió không chồng của Nguyễn Văn Thục, Dòng đời của Lại Tây Dương, Miền gió thức của Lê Bính, Lá vô duyên của Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Hoa mười giờ của Vũ Duy Yên và Trưa vàng ngày xưa của Nguyễn Hạnh Hiếu, được trình làng, bên cạnh đó là gần 400 bài thơ được hoàn thành qua các trại sáng tác cùng các thi phẩm mới mới viết gửi đều đặn cả năm tới Toà soạn tạp chí Văn nghệ Thái Bình.

Về chủ đề ngoài những cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương con người, những suy ngẫm về thế sự, dòng đời là sự thể hiện muôn thuở không bao giờ cũ của thi ca, năm 2012 những người làm thơ Thái Bình đã tập trung sáng tác vào một số chủ đề phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền và văn hoá nhân văn của Đảng và nhà nước cũng như của địa phương. Tiêu biểu là chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức chủ tịch Hồ chí Minh được các tác giả thơ hoàn thành trong trại sáng tác Đại Lải tháng 7/2012, tham gia trong chuyến đi thực tế của chi hội Văn học tại Pắc Pó, Cao Bằng. Bằng cách đi sâu khai thác những cảm xúc và cách thể hiện mới, gần 100 bài thơ về đề tài Bác Hồ đã được ra mắt bạn đọc, trong đó có nhiều tác phẩm có chất lượng khá của các tác giả như Xuân Đam, Đặng Thành Văn, Vũ Duy Yên, Nguyễn Quang Cự, Nguyễn Ngọc Thường... được chọn lọc giới thiệu trên báo chí trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó là những chủ đề về Chủ quyền biển đảo, về Nông thôn mới cũng được các tác giả đầu tư công sức tìm tòi thể hiện qua các trại sang tác khác trong năm 2012 ở Sầm Sơn, Đồng Mô, Đà Lạt. Về chủ quyền biển đảo của đất nước ngoài hai thi phẩm Biển Việt của tác giả Đỗ Trọng Khơi và Trước biển Đông của Phan Đức Chính đoạt giải thưởng trong cuộc thi thơ của vietnam.net đã được giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ Thái Bình số 02/2012, còn có một số tác phẩm đã được chọn lọc trong Tổng kết các trại sáng tác như Trăng Trường Sa của Đặng Văn Toàn, Gửi đảo xa của Nguyễn Văn Thục, Những chiếc cúc đảo của Đặng Toán hay Song kiếm của Phạm Hồng Oanh, Gửi người lính biển của Thanh Phượng... là những tác phẩm có chất lượng khá. Với chủ đề về Nông thôn mới, thơ không có lợi thế như văn xuôi có thể tả xung hữu đột trong mọi vấn đề  nổi cộm, nóng hổi của nông nghiệp nông thôn và nông dân ở địa phương hiện nay, nhưng với sự gắn bó ngàn đời máu thịt với nông thôn, thơ viết về làng quê của các tác giả Thái Bình bao giờ cũng là những tác phẩm tâm đắc nhất với những cảm xúc sâu đậm nhất. Một số tác giả tiêu biểu như Lê Bính, Nguyễn Tường Thuật, Nguyễn Thị Minh Thuận, Vũ Thanh Huyền, Nguyễn Anh Quốc, Phạm Bào, Đặng Văn Toàn, Đặng Toán... vẫn thường xuyên chung thuỷ và đã gặt hái được ít nhiều trong chủ đề này.
          Những điểm còn hạn chế của thơ Thái Bình trong năm qua cũng là những hạn chế chung của thơ Việt Nam hôm nay. Đó là lực lượng người viết trẻ cũng như thơ trẻ ngày một thưa vắng. Nhiều năm nay những người còn tâm đắc với thơ hầu hết đã cao tuổi hoặc đã hưu trí, có nhiều thời gian nhàn rỗi. Lứa tuổi  dưới 50 không mấy ai mặn mà và quan tâm tới thơ. Trong khi đó thơ bao giờ cũng đồng nghĩa với sự lãng mạng, trẻ trung. Những cây bút làm nên dòng thơ mới, kể cả dòng thơ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là những dòng thơ lớn của thơ Việt Nam, hầu như đều ở lứa tuổi dưới 30. Sự quá đông về số lượng, quá già về tuổi đời của người làm thơ hôm nay (tuổi đời bình quân của hội viên chi hội văn học Thái Bình hiện nay là 63), trong khi đó ngày thơ lần thứ XI năm nay lại lấy chủ đề là tuổi trẻ với chủ quyền  biển đảo của Tổ Quốc. Thực tể về đội ngũ và yêu cầu về nội dung của thơ khập khễnh như vậy nên thơ hiện nay nói chung quá nhiều về số lượng nhưng không có người đọc là điều tất yếu. Người đọc không quay lưng lại với thơ, lí do chủ yếu không có những tác phẩm nổi trội tạo được dấu ấn sâu sắc trong bạn đọc và người yêu thơ ở địa phương cũng như trong cả nước.  (Nguyen. Long)


1 nhận xét:

  1. Tôi sống xa quê đã 37 năm, hiện nay đang ở Hạ Long. Đã in chung 5 tập thơ do các NXB Văn học, Lao động, Hội Nhà văn ấn hành từ 2010 đến nay. Tôi muốn gửi những sáng tác về quê hương Thái Bình về Tạp chí Văn nghệ Thái Bình qua blog vannghetb.blogspot.com có được không? Hay qua email nào ạ? Xin các anh chị giúp đỡ để tôi xin gửi bài vở.
    NGUYỄN ĐÌNH THÁI
    ĐT: 01294672426
    Blog cá nhân: thaidochieu.blogspot.com

    Trả lờiXóa