Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

NÔNG DÂN VẪN PHẢI BÁM RUỘNG BÁM LÀNG



          
Phóng sự của NGUYỄN LONG

    
     Về những làng thuần nông bây giờ, nhất là những làng xa thành phố, thị xã, nếu không vào dịp nông vụ ta thấy làng nào cũng vắng veo, đi mãi mới gặp một bóng người. Với diện tích đất đai như hiện nay mỗi năm nông dân chỉ bận mải với việc ruộng đồng mỗi vụ nhiều nhất là hai tháng, cả năm mất bốn tháng còn lại tám tháng nông nhàn, hay gọi theo từ ngữ quản lý lao động là thất nghiệp. Chưa tính cụ thể đến năng xuất cấy cầy, nhưng một người lao động mà một ngày làm ba ngày nghỉ thì nghèo đói là cái chắc. Cái nguyên nhân sâu xa đời sống nông thôn hiện nay còn kém xa đô thị và các vùng công nghiệp là do không có việc làm.

          Từ thời có cơ chế thị trường, người nông dân đã tự tìm cho mình lối thoát là đổ ra thành phố, đến những nơi cần nhiều lao động và ra cả nước ngoài để kiếm tiền. Những người từ làng ra đi mỗi người mỗi cơ hội, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Lớp thanh niên không học hết PTTH, hoặc không có điều kiện vào các trường cao đẳng đều quyết tâm một đi không trở lại. Họ ra đi tìm mọi kế để sinh nhai ở phương trời khác, mặc dù phía trước mờ mịt, tất cả vẫn còn là con số không. Thực tế cho thấy rất nhiều thanh niên đã ra đi như thế nhưng nhờ có cái vốn nhà nông lam làm, chịu khó cần cù tiết kiệm, sau mươi năm rất nhiều người đã cắm được đất ở những vùng đất hứa. Họ đã lấy vợ làm nhà và có đời sống  khá ổn định ở nơi định cư mới. Bây giờ thỉnh thoảng một năm đôi lần họ về nơi chốn cũ nhưng là khách chứ không phải người quê nữa. Còn hầu hết những người đã lập gia đình, đã có nhà cửa đất đai ở quê ai còn sức, không có điều kiện bỏ hẳn quê đều đi tìm việc làm ở các nơi để kiếm tiền. Người làm gần thì sáng đi tối về. Nhiều người đi vài ba tháng, chỉ về nhà vào những ngày mùa vụ. Những người đi làm thật xa như vào Sài Gòn, Tây Nguyên, lên biên giới, ra Quảng Ninh... có khi vài ba năm vợ chồng con cái mới có dịp đoàn tụ. Do vậy ở làng vào ngày tháng nông nhàn chỉ còn mấy người già, con trẻ, xóm nào cũng vắng hắt vắng hiu. Nhiều nhà đóng cửa quanh năm suốt tháng. Nói dại chứ nếu nhà ai không may bị hoả hoạn hay có người cấp cứu có khi không biết gọi ai.
          Nông dân ở các làng xã thuần nông phải toả đi bốn phương kiếm tiền mới mong cuộc sống khấm khá dần lên và thay đổi được bộ mặt làng quê. Đó là một thực tế. ở Thái Bình, Vũ Thư là một huyện đông dân và có ít làng nghề truyền thống nên cũng là huyện có nhiều người đi làm xa. Vào TP Hồ Chí Minh, Đắc Lắc... hay ra Quảng Ninh, lên các vùng biên giới ở đâu có một người Vũ Thư đã an cư lạc nghiệp là có mươi người họ hàng con cháu ở quê bám theo làm ăn. Chính vì thế mà bộ mặt các làng xã trong huyện nhiều năm nay đã khá khang trang. Ví dụ như Xuân Hoà xưa nay là một x• nghèo trong huyện nhưng bây giờ cơ ngơi nhà, đường, trường, trạm cũng đã bề thế chẳng kém nơi nào. Một gia đình như nhà chị Xoan hai vợ chồng nông dân trạc bốn mươi tuổi, phải nuôi hai đứa con ăn học, đứa lớn học trường Cao đẳng mỗi tháng phải chi ngót triệu bạc. Nhưng kinh tế gia đình vẫn xung túc, đã xây được nhà hai tầng, bếp núc đầy đủ tiện nghi như những nhà khá giả ở phố, lại sắm được máy cày, máy tuốt, nuôi được đôi bò. Chị kể nhà cấy 8 sào ruộng nhưng chỉ trông vào thóc thì chỉ đủ bốn miệng ăn. Có tiền xây dựng, mua sắm, nuôi con ăn học... là do cả hai vợ chồng phải nai lưng ra kiếm tiền. Chồng chị là thợ xây quanh năm đi làm khắp thiên hạ, công ở đâu cũng thế mỗi ngày 100 ngàn đồng, gần thì mấy xã trong vùng sáng đi tối về, xa thì Hà Nội, Quảng Ninh... có khi vài tháng vắng nhà. Nhưng ngày mùa thì phải về để thu hoạch và tuốt lúa, cầy máy thuê ở làng xóm. Còn chị ở nhà chăm ruộng, nuôi bò, những ngày rảnh cũng đi làm thuê nhặt cỏ, dọn ao..cho mấy trang trại ở gần, công mỗi ngày 50 ngàn. Nếu trời cho khoẻ mạnh, đi làm như thế mỗi năm thu nhập vài ba chục triệu gấp rất nhiều lần thu nhập từ 8 sào ruộng. Làng xã nào bây giờ cũng vậy, người khoẻ mạnh phải đổ đi các nơi làm việc mới mong có đồng tiền dành dụm để xây đắp, chi tiêu.
          Có một thực tế là thu nhập từ đất đai của rất nhiều làng xã bây giờ, nhất là các làng xã có nghề hay ở vùng ven thị, có khi chẳng đáng là bao so với các nguồn thu nhập thực tế của các hộ dân. Đó là khoản thu nhập do đi làm thêm những khi "nông nhàn". Nhưng hầu hết nông dân vẫn phải bám ruộng bám làng bởi rất nhiều lý do. Điều lớn nhất có lẽ có lẽ do tâm lý từ ngàn đời là nông dân thì phải có ruộng, có đất và sống phải có cộng đồng gắn kết với nhau bởi bao mối quan hệ rằng rịt như làng xóm, họ hàng, quê cha, đất tổ... Những người lớn lên trong môi trường nông thôn chỉ có lớp trẻ có kiến thức, đỗ đạt vào các trường Đại học, chuyên nghiệp, tương lai có nhiều hứa hẹn hoặc những người vô nghề nghiệp nhưng có nghị lực tự chủ và những thành phần không có "đất" sống ở làng mới dám bỏ làng đến những vùng mới lạ. Còn hầu hết khi đã có cuộc sống tạm ổn định, đã có nhà có ruộng, nhất là những người đã có gia đình không mấy ai dám phiêu lưu làm cuộc di dời. Một lý do cơ bản nữa là cuộc sống hiện nay đầy những biến động về kinh tế, xã hội cũng như thiên nhiên, nhưng đời sống người nông không có gì bảo hành ngoài ruộng đất. Nguồn thu nhập làm ngoài dù cao hơn làm ruộng rất nhiều nhưng lại là khoản "làm được tới đâu biết tới đó", không ai có thể nói trước được ngày mai. Cho nên cái bến neo đậu làng quê dù còn nghèo khó nhưng là nơi chắc chắn nhất với nông dân. Khác với các nước công nghiệp hiện đại, một người dân bình thường dù không lao động cũng được hưởng những chế độ bảo hành của xã hội về nhà ở, bảo hiểm ốm đau và trợ cấp tiền ăn... nên những cuộc di dời của mọi người dân từ nơi ít việc đến nơi cần nhiều lao động là việc chuyện nhỏ, và thường xuyên của xã hội. Bên cạnh những điều kể trên còn còn một số lý do khác buộc chặt người nông dân với làng như phong tục, tập quán văn hoá, nếp sinh hoạt vùng miền...
          Người nông dân phải bám ruộng bán làng, đây là những vấn đề gây khó khăn trong chiến lược hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của Đảng và nhà nước. Nhất là khi bắt tay vào thực hiện các chủ trương như quy hoạch lại việc sử dụng chuyển đổi đất đai, xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá nông nghiệp với mô hình trang trại và các chủ lớn. Và phân bổ lại nguồn nhân lực ở nông thôn.... Với những địa phương tỉ lệ dân nông nghiệp nông thôn chiếm trên 80% và nguồn ngân sách của địa phương còn nghèo như các tỉnh đông nông dân ở vùng đồng bằng sông Hồng, để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có hiệu quả nếu không có những chính sách đầu tư lớn của nhà nước thì việc thực hiện lại càng nan giải. Bởi như tinh thần câu nói của Mác từ thế kỷ trước cho đến hôm nay có lẽ vẫn chưa ai cho là lạc hậu: "Hãy để cho người nông dân tự suy nghĩ trên mảnh đất của mình". Sự phát triển nông nghiệp nông thôn thời hiện đại càng không thể áp dụng những cơ chế có tính áp đặt hoặc chủ quan như đã làm thời bao cấp, mà vẫn phải dựa trên nguyên tắc tự nhiên và tự nguyện.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét