Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

KHÔNG CÓ CƠ CHẾ MỚI KHÔNG THỂ HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN


                             Phóng sự của NGUYỄN LONG

         
Cách đây hàng chục năm, xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình đã phấn đấu xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu/ha/năm và trở thành lá cờ đầu của cả nước thực hiện phong trào này. Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ lúc bấy giờ đã về thăm, khen ngợi rồi khắp nơi đổ về học tập. Năm 2003 khi các xã trong tỉnh Thái Bình mới bắt đầu làm thí điểm mỗi xã một “cánh đồng 50 triệu” theo như NQ của Tỉnh uỷ, thì  Quỳnh Hải không những đã "xã hoá" toàn bộ diện tích đạt trên 50 triệu/ha mà già nửa cánh đồng của xã đã đạt tới chỉ tiêu 100 triệu/ ha/năm. Nhưng có một thực tế là bộ mặt làng xã không thấy có gì thay đổi lớn, rất nhiều gia đình nhà cửa vẫn cũ kỹ, vẫn cái cảnh nghèo khó như xưa. Một vài gia đình có cơ ngơi khang trang, nhà cao cửa rộng là của những ông chủ đại lý bán buôn, vận chuyển rau quả, những ông chủ máy cày máy kéo. Còn những người dân chỉ biết bám vào đồng ruộng, dù chăm chỉ chịu khó, dù biết quý trọng từng tất đất, giỏi làm ruộng, khai thác hết khả năng của đất cát mùa vụ cũng chẳng ai giầu lên được.

          Đã khai thác tối đa khả năng sản sinh của đất và năng xuất cây trồng, làm được tới 100 triệu đồng/ha/năm mà không giầu. Điều đó thoạt nghe vô lý đến khó tin. Nhưng bình tâm suy nghĩ và tính toán cụ thể ta thấy điều đó hiển nhiên là sự thực. Bởi với Quỳnh Hải, một xã đất chật người đông vào diện nhất nhì trong tỉnh. Bình quân đất canh tác trên đầu người của xã là 468m2, thấp hơn bình quân của huyện Quỳnh Phụ hơn 60 m2, thấp hơn bình quân của tỉnh gần 100m2. Gần 500m2 đất nếu làm được 100 triệu/ha/năm thì tổng thu mới chỉ được 5 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư sản xuất hết khoảng 50%, còn lại bình quân một đầu người làm ruộng của chỉ là 2,5 triệu/ năm. Con số ấy chưa bằng một nửa so với bình quân thu nhập của tỉnh cùng thời điểm. Để có được những cánh đồng 100 triệu như vậy, mồ hôi của người làm ruộng quanh năm phải tưới đẫm đất đồng. Đấy là chưa kể đến những phản ứng phụ của môi trường tự nhiên và xã hội do việc khai thác quá sức khả năng của đất, như lượng phân hoá học và thuốc sâu đổ xuống đất và nước những nơi làm tăng mầu tăng vụ phải lớn gấp đôi, gấp rưỡi nơi khác mà con người phải hứng chịu những vất vả, đọc hại trước mắt cũng như những hậu quả khó lường về sau.
          Từ điển hình sản xuất của một xã điểm Quỳnh Hải, nếu đem soi vào mức thu nhập, đời sống của những vùng khác trong tỉnh hay trong cả nước thấy cuộc sống của những nơi thuần nông dù làm ăn giỏi đến đâu thì vẫn thấp hơn bình quân thu nhập của cộng đồng xã hội rất nhiều. Điều đó rất dễ nhận ra. Cứ giả sử bình quân diện tích đất canh tác của các nơi khác gấp đôi của Quỳnh Hải và người dân nơi đó cũng chịu khó và giỏi giang làm ăn như Quỳnh Hải và tất cả diện tích đất canh tácảtong cả nước đều đạt 100 triệu/ha/năm đi chăng nữa thì bình quân thu nhập mỗi đầu người/năm cũng không vượt qua được mức 10 triệu đồng. Trong khi đó mức bình quân thu nhập của tỉnh Thái Bình hiện nay tuy còn khá thấp so với nhiều nơi trong cả nước vẫn là con số mà nông dân mơ ước: 20 triệu đồng/ năm. Đấy là tính tới khả năng tối ưu, người làm ruộng đã đạt tới mức cao nhất sử dụng đất đai và năng xuất cây trồng mới có thể làm được 100 triệu/ ha/năm. Còn với nông dân làm ăn bình thường, đọc bài báo "Tổng thu nhập một tháng của người nông dân" trên Vietnam.net của nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, công bố một con số rất buồn là bình quân thu nhập của một người nông dân với 1,2 sào ruộng/người như hiện nay mỗi tháng chỉ được 40.000 đồng/tháng. Nghĩa là một năm một người nông dân thu nhập không quá nửa triệu đồng. Và những con số ấy không phải là không có cơ sở.
          Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề lớn của mọi thời đại, của mọi xã hội, mọi nhà nước. Bởi chỉ có nông nghiệp mới làm ra lương thực thực phẩm nuôi sống con người. Song lịch sử từ cổ chí kim không có quóc gia, dân tộc nào giầu có và hùng mạnh lên từ nông nghiệp. Trên thế giới những nước có kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn trong nền kinh tế quốc dân thường nghèo. Trong khối cộng đồng châu Âu, Hà Lan là nước có nền sản xuất nông nghiệp lớn, được coi là nông thôn của của châu lục. Mặc dù nông nghiệp đã phát triển đứng ở hàng tiên tiến nhất nhì thế giới, đã đạt tới trình độ sản xuất hàng hoá cao cấp, chuyên cung cấp hoa, thịt bò, sữa... cho các cường quốc thế giới. Nhưng thu nhập trên đầu người của Hà Lan vẫn chỉ là một nước thấp trong khối liên minh châu Âu. Bằng chứng thực tiễn là đến mấy nước châu Âu bây giờ chỉ thấy Hà Lan là nơi duy nhất vẫn còn dân ở trong những căn nhà lợp tranh của thời trước để lại. Một số nước có nền công nghiệp phát triển hiện nay như Mỹ, Đức, Anh, Pháp... các con em nông dân lớn lên hầu như đều đổ ra thành phố sinh sống làm việc không ai muốn kế nghiệp của bố mẹ, bởi lao động nông nghiệp vừa vất vả vừa thu nhập thấp hơn bình quân của xã hội. Nên có tình trạng rất nhiều trang trạiẻơ các nước đó hiện nay không có người làm việc.
Ngày xưa cụ Lê Quý Đôn cũng đã từng dạy "Phi công bất phú, phi trí bất hưng, phi thương bất hoạt, phi nông bất ổn". Nghĩa là không có nông nghiệp thì xã hội không ổn định. Tuy nhiên. ổn định lại là cái gốc để xã hội phát triển nên hầu như mọi quốc gia trên thế giới có sản xuất nông nghiệp đều có chính sách chú trọng đến việc "khuyến nông" bằng những chính sách nhà nước bù giá cho sản xuất các mặt hàng nông nghiệp thực phẩm... Nước ta nông dân chiếm 70% dân số nên mọi thời kỳ, mọi giai đoạn các chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân được Đảng và nhà nước coi trọng. Chính sách xây dựng nông thôn mới hiện nay đang được các địa phương tích cực triển khai và các ngành các cấp tập trung phối hợp thực hiện đã thể hiện sự quyết tâm đưa nền nông nghiệp nước ta lên ngang hàng với các nước trong khu vực. Tuy nhiên với tỷ lệ dân số nông thôn quá lớn, với nền nếp canh tác lạc hậu, với lối suy nghĩ làm ăn nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún như hiện nay nên vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là bài toán hóc búa trong chiến lược phát triển đất nước.
          Có rất nhiều bài học và kinh nghiệm về phát triển “tam nông” của các nước láng giềng và khu vực. Như Trung Quốc hiện nay không đầu tư rải đều bình quân trong toàn quốc mà tập trung đầu tư lớn cho từng vùng, từng trọng điểm, nên Trung Quốc hiện có rất nhiều khu sản xuất nông nghiệp hiện đại. Hàn Quốc trong chiến lược phát triển kinh tế. nhà nước phải bỏ rơi nông nghiệp trong nghèo khó hơn chục năm để tập trung đầu tư hàng đầu cho công nghiệp. Khi có nền công nghiệp tiên tiến hiện đại, kinh tế giầu có mới quay lại có những chính sách ưu đãi, vực nông nghiệp nông thôn đứng dậy. Nhờ vậy hiện nay cuộc sống ở Hàn Quốc hầu như không còn khoảng cách giữa đời sống nông thôn và đô thị.
          Có một thực tế ở nước ta, trong những giai đoạn khó khăn, những bước ngoặt phát triển kinh tế về nông nghiệp nông thôn chính những người nông là lực lượng nhanh nhạy nhất tìm lối ra cho mình. Cuối thời bao cấp chính người nông dân đã tìm cách chống lại cái cơ chế lạc hậu bằng cách khoán chui đầu tiên ở Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Đoàn Xá (Hải Phòng) rồi Yên Thành (Nghệ An). Từ khoán chui sau mới có Nghị quyết khoán 10, khoán 100. Hoặc ở Thái Bình, người dân Quỳnh Hải vì ít ruộng nên phải tự làm một năm bốn năm vụ để nâng cao thu nhập, sau mới đẻ ra phong trào cánh đồng 50 triệu. Song đầu tư khai thác hiệu quả của đất đai và cây trồng cũng chỉ là biện pháp xoá đói giảm nghèo trước mắt. Cuộc sống nông thôn không thể giầu lên với chế độ phân bổ ruộng đất và tổ chức sản xuất như hiện nay. Càng không thể thực hiện được điều mơ ước “hiện đại hoá nông nghiệp, nông dân và nông thôn” khi không có một cơ chế mới để tích tụ tư bản cho người làm ruộng.  

          Bản thân người nông dân cũng nhận thấy điều đó từ rất sớm, nên khi cơ chế thị trường mở cửa, mặc dù chưa có chính sách khuyến khích hay một chế độ bảo trợ nào, lao động nông thôn vẫn đổ ra thành phố, đến các khu công nghiệp và ra cả nước ngoài để tìm việc làm, nâng cao đời sống. Đó là biện pháp thoát nghèo duy nhất của nông thôn và đại bộ phận nông dân hiện nay. Mặc dù với những cuộc di dân tự nhiên như thế, những người bỏ quê ra đi là những người gặp nhiều vất vả, khó khăn, chịu nhiều rủi ro nhất trong sự hội nhập với cuộc sống đô thị. Bởi hầu hết họ ra đi với hai bàn tay không, không kinh nghiệm, không vốn liếng và không có chế độ bảo trợ nào. Nhưng những người có sức khoẻ, có nghị lực, nhất là lớp trẻ họ quyết ra đi là không trở lại, bởi họ biết không thể thay đổi cuộc sống bằng mấy mảnh bờ sôi ruộng mật ở quê. Cho dù có tần tảo một năm làm bốn năm vụ với năng xuất lúa, cây trồng đạt tới mức cao nhất hiện nay thì nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng không thể giầu lên được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét