Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013


LƯƠNG HỮU
  
            “LỤC BÁT” KIM CHUÔNG

Từ những năm đầu “thập kỷ bảy mươi” của thế kỷ trước, khi Kim Chuông từ Báo Quân khu Tả Ngạn về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, tôi đã gặp và ấn tượng với “chàng thi sĩ này” ở những bài thơ đầu, trong cái mượt, cái du dương ở những dòng Lục bát.
      Với 15 tập thơ lần lượt ra đời, khẳng định sức lao động, sáng tạo của đời người cầm bút. Riêng với thơ Lục bát, từ cuối năm 1996, Kim Chuông đã tập hợp, chọn in riêng tập thơ, mang tên “Thơ Lục Bát – Kim Chuông.”
      Năm 2002. Năm 2009, cả hai ấn phẩm xuất bản : “Phương trời ngôi sao thức” và “Ở một góc cuộc đời.” Ở mỗi tập thơ này, Kim Chuông đều giành cho “thơ lục bát” một nửa tập sách, chiếm 1/2 lượng bài, bổ sung cho “vệt lục bát” trên chặng đường tìm kiếm mới mẻ của anh.
      Đọc Kim Chuông. Nhất là, đã nhiều lần từng ngồi nghe Kim Chuông ngân nga những vần thơ lục bát. Bằng giọng đọc đầy chất men say, có phần ma thuật, cuốn hút đến kỳ lạ, tôi chợt nhớ tới lời các cụ ta xưa thường khuyên con, khuyên cháu :
      Đàn bầu ai gẩy thì nghe
      Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu    
      Mỗi lần, nghe Kim Chuông đọc những dòng sáu tám, trong cảm giác bềnh bồng trôi dạt, tôi chếnh choáng liên tưởng, chị em nào dính phải, chắc không dễ tránh khỏi những phút xiêu lòng.
      Trong bài thơ “Câu thơ tôi viết,” Kim Chuông, có câu :
       Vườn khuya sương ướt đẫm cành
       Gió bao la gió tự tình cùng cây
       Đất trời hòa nhập rồi đây
       Hình như sông núi đêm này cưới nhau

       “Bâng quơ giữa vườn khuya. Sương ướt đẫm cành. Gió bao la gió…” Ngỡ, chả dính níu gì trong mối liên hệ vạn vật. Thế mà, dễ bâng quơ. Lại hình như, mọi thứ đang hòa nhập. Nghĩa là, đang có nhau. Đất với trời. Sông với núi. Sương với gió và có thể là “mình với ta,” đây với đó”… Không thể cưỡng lại quy luật chung của tạo hóa để đến với nhau. Đã hòa còn nhập. Đã yêu. Và, đã cưới nhau ... Người đọc, “Chị em kia,” dễ hoang mang, bởi, thơ thực sự lay động vào cõi sâu xa của tình cảm con người.
         Khi viết “tiểu luận” về thể thơ “sáu tám,” Kim Chuông đã đón trước “Những câu thơ Lục bát dễ da diết, se lòng…” Nhà thơ không khuyên con, khuyên cháu như các cụ ta xưa, nhưng đã lường được sức công phá mạnh mẽ mà êm dịu ở các tầng chìm. Cái khoảng lặng hút hồn của những dòng lục bát.
           Kim Chuông viết :
            Ai hay một mảnh trăng chờ
            Một câu hát gọi vu vơ mà thành
        Rồi :
             Gió thu như gió vô tình
             Tha mây về tận sân đình mà phơi
             Tôi thì như thoáng ấy thôi
             Lòng mơ hồ lắm, cả đôi mùa về
         Từ bâng quơ rồi lại đến vu vơ, những vần lục bát liền mạch lại tạo ra được những khoảng lặng vô tình của mảnh trăng, câu hát, ngọn gió thu, bóng mây ướt, nắng sân đình…Những mảnh rời, không kết dính. Vậy mà, chạm vào như chạm phải “bùa mê.”
          Kim Chuông đã tạo được giọng lục bát riêng của anh. Cái riêng này cũng chính là “cái mẹo” của từng tác giả có tiếng về thể sáu tám, tạo được không dễ.
          Bạn đọc thấy, lục bát Nguyễn Duy khác với lục bát Lê Đình Cánh. Ở Thái Bình, lục bát Kim Chuông khác với lục bát Lương Hữu, Phan Đức Chính, Xuân Đam ...
         Cái riêng của mỗi nhà thơ là cái hay không thể bắt chước.
         Chớ thấy Nguyễn Duy viết như chơi :
          Gió chi chợt lạnh quá trời
          Chợt khành khạch khóc, chợt cười hu hu
          Mà có nhà thơ bắt chước :
          Mưa như thiếu phụ đa tình
          Chợt rưng rức khóc, chợt khanh khách cười 
          Chớ thấy Kim Chuông “Viết về tôi.” Rồi, “Lại viết về tôi nữa…” Rằng :
           Em vừa đến, đã về sao
           Không cho anh nói câu nào thật ư ?
           Này em. Này, hãy từ từ…
           Hoặc :
          Tôi đi giữ lá cho cành
           Sợ cơn gió đến vô tình với cây
           Mà, các bạn trẻ thử động bút mà xem ! Các bạn tuyên ngôn nhiều khi thật to tát. Nào những Đạo, những Thiền, những Đổi mới, cách tân...về “cái Tôi” ễnh ương. Về những đích tới mang mang, hư ảo.
          Kim Chuông “Từ duyên nợ với nàng thơ/ Bao giờ cũng tỉnh. Bao giờ cũng say …” Nhưng, nhà thơ luôn ý thức, tâm niệm, mong muốn “Tôi khao khát tới được MÌNH và THƠ…” Mình viết hoa và thơ cũng viết hoa.
          Lục bát Kim Chuông xoay quanh quỹ đạo “Anh” viết hoa ấy mà mở ra những vòng đồng tâm vô tận. Kim Chuông có rất nhiều ý thơ văng xa. Các vòng đồng tâm đều có chung một trục. Sóng truyền đi càng rộng, càng làm nổi bật “cái Gốc, cái Nhân, cái Tứ” ban đầu.
        Mình và Thơ. Tôi và Em. Kim Chuông khai thác theo cách của riêng anh. Nguồn thơ Kim Chuông luôn bộc lộ mạch nguồn không cạn. Từ câu thơ đầu tiên : “Giá tôi là cả trời quê/  Để chiều nay đón thu về mà thương” … đến câu thơ khép lại cả tập : “Thơ mang hai cánh bay này/ Đừng ai mượn gió bẻ cây tôi trồng…” Chữ TÔI đã theo nhà thơ đi qua nhiều bước đường đời, đã nhấn nhá, luyến láy trên bao cung bậc trữ tình mà vẫn cứ tươi xanh :
        Tơ non đến thế là cùng
        Bên em núi đá xem chừng cũng non
      Hoặc :
        Tôi như một sợi đàn căng
        Em như âm hưởng đang nằm lắng im
        Em như một mảnh trăng chìm
        Cầm lên thì mất, đứng nhìn thì đau   
        Đọc bài “Câu thơ tôi viết,” người đọc đã mang máng nhận ra cách thức “lục bát Kim Chuông.” Đọc đến bài : “Tôi và em,” mới rõ mẹo mực làm nên những bài sáu tám “da diết, se lòng” của chàng Kim. Nhưng, làm se lòng những người nghe, phải cần đến một đối trọng. Đối trọng ấy là Em ! Tôi ở đâu là có em ở đó. “Cái vai phụ” này quan trọng vô cùng. Không có em thì “vai chính” là Tôi cũng khuất mờ. Khi :
         Nắng kia sắp tắt bên thềm
         Bóng tôi cũng sắp tan chìm rồi đây
         Bàng hoàng tôi vịn vào cây
         Để cơn mưa lá rơi đầy hồn tôi …
Hoặc, không em, thì : “Trăng ơi, còn sáng thâu đêm làm gì?” Rồi, “Mỏng manh cầm một câu thề/ Mình tôi đi giữa bốn bề sóng reo…”
         Vâng. Ở đây, con người thi sĩ và “cái Tôi thi sĩ” thật đa tình và cũng thật chung tình. Nói về em, với Kim Chuông, cơn khát gần như vô tận. Nó đã làm thành một cấu trúc thơ, chỉ Kim Chuông mới có.
          Khi nói về “cái Tứ” trong thơ, ngoài những ý kiến, những dẫn chứng cụ thể, tôi thường nghe Kim Chuông nhấn mạnh, cái tứ nhiều khi từ cấu trúc bài thơ được tỏa sáng, bật dậy. Cách lập tứ đi theo cách cấu trúc bài thơ. Thi pháp này, Kim Chuông còn viết được nhiều bài thơ hay nữa về “Tôi và Em.” Nhất là, những bài thơ ấy được viết theo “thể lục bát” với sự vận động khá linh diệu ở “chuyển vần là chuyển ý.” Và, “chuyển ý, là đẩy tứ thơ đến cái đích cần đến.”
        Thơ Kim Chuông lang bang. Dòng trôi ngỡ như vô định. Vậy mà, bất thình lình, nhà thơ làm người đọc sáng dậy những liên tưởng với  những triết lý nhân sinh. Với “Lục bát,” triết lý có khó hơn. Vậy mà, nhà thơ vẫn nhuyễn vào những câu sáu tám mềm mại, những cặp phạm trù biến hóa thung dung. Ví như : “Nhiều khi trót lỡ lầm rồi/ Ta trong xanh, khác hẳn hồi trong xanh.” Hoặc : “Đến như đá ở đất này/ cũng tìm nhau kết bạn bầy làm đôi.” Hoặc : “Cành xanh rụng chiếc lá vàng/ Quả non hé mở. Hoa tàn ra đi…” Rồi, khi nghĩ đến quy luật tạo hóa, hợp tan, sinh diệt, lời “tán” kia, dễ động lòng ai ở cấp siêu đẳng : “Lẽ đời, cái CÓ, cái KHÔNG/  Cứ yêu cho hết cõi lòng cùng nhau.”… Rồi, “Cái kia MẤT. ĐƯỢC cái này/  Lở bồi theo suốt tháng ngày dòng trôi.” Hoặc: “Luật sông có lở, có bồi/ Luật cây có lứa, có thời như ta/ Luật yêu thương thật mượt mà/ Oán thù luật đắng. Chia xa, luật sầu.” Hoặc : “Lỡ lầm đâu chỉ ta thôi/ Tình yêu bạc tóc vẫn lời tơ non…”
        Lục bát Kim Chuông là vậy. Trữ tình, đằm thắm, ngọt ngào, sẻ chia. Thơ lắng thấm ở suy ngẫm sâu xa. Thơ bề bộn những hơi thở cuộc sống thường nhật. Nhà thơ đã để lại tất cả dấu ấn của cuộc đời mình ở tháng năm trải nghiệm, ở những trang thơ chân thành, tươi rói, mà Kim Chuông gọi là : “Ngàn tơ, tự rút lòng tằm ra vương…”
       Với Kim Chuông, xin được nhắc lại lần nữa, một trong những câu thơ tôi thích :
       Từ duyên nợ với “Nàng Thơ”
       Bao giờ cũng tỉnh. Bao giờ cũng say
       Người đọc cũng như bạn bè, yêu thơ Kim Chuông ở tâm sự này. Ở tài thơ. Tài cảm nhận từ những “dòng Lục bát” của anh. 

                                      Thành phố Thái Bình, Quý thu - 2012   
                                                                     L.H

1 nhận xét:

  1. Rất tiếc, tôi không có những thông tin về văn nghệ tỉnh nhà. Thơ Kim Chuông thi thoảng có đọc nhưng không có nhiều thông tin của ông

    Trả lờiXóa