Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

ĐỀ TÀI LỊCH SỬ VỚI SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT Ở THÁI BÌNH


ĐỀ TÀI LỊCH SỬ VỚI SÁNG TÁC
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT Ở THÁI BÌNH

Tham luận của NGUYỄN LONG

Den tho A Sao
Trong hai ngày 02 – 03/4/2013 tại thành phố Hải Dương đã tổ chức Hội thảo của nhóm VN8 với chủ đề “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử”. Tham gia Hội thảo, sau lời đề dẫn của hoạ sỹ Hà Huy Chương, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương là 8 ý kiến đại diện cho 8 Hội VHNT trong nhóm VN8 là Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La tập trung hội thảo về chủ đề trên.
Các đồng chí Hữu Thỉnh, chủ tich UBTQ các Hội LHVHNT Việt Nam, đồng chí Đào Duy Quát, Phó Ban tuyên giáo TƯ đã về dự và chỉ đạo Hội thảo. Về phía địa phương các đồng chí phó chủ tịch Tỉnh và lãnh đạo các Ban Ngành như Tuyên giáo, Tổ chức, Văn phòng UB, văn phòng TU tỉnh Hải dương đã tới dự và chúc mừng Hội thảo.
VNTB xin giới thiệu bài tham luận của Hội VHNT Thái Bình do đồng chí Nguyễn Long trình bày trong hội thảo.


* * * 

         
Vài chục năm trở lại đây đề tài về lịch sử chiếm một phần khá lớn trong sáng tác văn học nghệ thuật ở Thái Bình. Về sân khấu đã có hàng chục vở diễn với đủ các thể loại về các danh nhân lịch sử có liên quan đến mảnh đất Thái Bình như: Các vở kịch và chèo Trần Thủ Độ, Lê Quý Đôn, Ngọc sáng vương triều về Trần Thị Dung... Các vở cải lương về Nguyễn Trãi, Huyền Trân Công chúa, Thái sư Trần Thủ Độ, Hưng Đạo đại vương... Về văn học, nhà văn Bút Ngữ một cây bút lão thành, cần mẫn từ nhiều nămửtở lại đây luôn bó bện thuỷ chung với đề tài lịch sử với gần một chục tâp tiểu thuyết đã được xuất bản. Ngoài ra còn một số tác giả đã có ít nhiều thành công trong đề tài này như: Võ Bá Cường với tập Truyện tướng Độ, Đức Hậu với truyện Ngài công sứ, Nguyễn Long với những chùm truyện ngắn Rượu máu, Lưu gia độ, Liên hương Phù Ngự... viết về nhà Trần... Những tác phẩm về đề tài lịch sử nói trên, trong nhiều năm qua đã làm phong phú, đa dạng cho văn học nghệ thuật ở địa phương. Nhưng điều đáng nói hơn là nó góp phần không nhỏ làm cho công chúng hiểu biết hơn, để rồi tự hào và yêu quý hơn những sự kiện cũng như những nhân vật lịch sử gắn bó với mảnh đất quê hương mình đang sống.
          Với khuôn khổ có hạn của một bài tham luận, ở đây chúng tôi chỉ xin được nêu lên một số ý kiến qua nhìn nhận từ thực tiễn những tác phẩm sáng tác văn học về đề tài lịch sử ở địa phương mình, để so sánh và làm rõ hơn những quan niệm cũng như những giá trị nghệ thuật của thể loại này.
          Kính thưa các quý vị đại biểu, nói đến sáng tác về đề tài lịch sử ở  Thái Bình, người đầu tiên  phải kê đến là nhà văn lão thành Bút Ngữ. Trong nhiều năm qua ông là người vừa chuyên tâm và là người cũng gặt hái được nhiều thành công trong sáng tác về đề tài lịch sử ở quê hương. Về số lượng, ông đã công bố gần chục cuốn tiểu thuyết lịch sử như: Cụ Bảng Đôn viết về nhà bác học Lê Quý Đôn, Bà Chúa Ngừ viết về công chúa Trần Thị Dung, Cần vương Đông du viết về Ngô Quang Bích, Vua Ba Vành về lãnh tụ nông dân Phan Ba Vành, Người đi đầy trên đại dương về Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm...Mỗi tác phẩm của ông dày từ 300 – 500 trang. Trong con mắt của mọi người, số lượng trang viết đồ sộ của ông đã là một sự kính nể về tinh thần lao động nghệ thuật vừa say mê vừa nghiêm túc. Và ông đã nhận được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập Cụ Bảng Đôn, đó là một thành công, là đóng góp in dấu ấn của ông trong văn chương ở địa phương cũng như trong cả nước.
Khi sáng tác những tiểu thuyết về đề tài lịch sử nhà văn Bút Ngữ cũng như mọi tác giả khác nhận được hai ưu thế: Một là những vấn đề của lịch sử, đó là những chuyện có thật, có ý nghĩa và sức nặng nên nó tồn tại với thời gian. Thứ hai, nhân vật lịch sử nào cũng thường được truyền thuyết hoá, được dân gian bổ xung cho nhiều hành động và tính cách điển hình. Những dòng ghi chép nghiêm trang trong chính sử, cùng với những huyền thoại trôi nổi giữa cuộc đời về các nhân vật lịch sử là ưu thế giúp cho nhà văn dựng nên chân dung lịch sử và những nhân vật đầy tính sáng tạo. Những nhân vật trong các tiểu thuyết của Bút Ngữ hầu hết đều thâu tóm đầy đủ và trung thành với cả hai nguồn trên. Với một khối lượng tư liệu lịch sử đáng khâm phục và với lối viết mô phạm đến chân xác khả tin, người đọc có thể tìm thấy một những chân dung danh nhân lịch sử vừa đầy đặn vừa chân thực trong tiểu thuyết của ông mà không cần phải tốn công lần theo những dòng biên niên sử khô khan, cũng không phải bơi chơi vơi trong cái bể truyền thuyết mênh mang chìm nổi không bến bờ của dân gian.
          Tuy nhiên với người đọc, người viết ở Thái Bình cũng như với nhiều người trong cả nước, khi nhìn nhận về các tác phẩm về đề tài lịch sử của mọi tác giả nói chung đều có nhiều ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật. Các cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Bút Ngữ, kể cả cuốn Cụ Bảng Đôn được trao giải thưởng và được coi là thành công nhất của ông đã gây ra không ít tranh cãi. Những người quan niệm: “Tiểu thuyết lịch sử phải phải bảo đảm sự chân xác 100% chứ không thể là hư cấu lịch sử” thì cổ suý cho lối viết của Bút Ngữ  và khen ngợi những gì tập tiểu thuyết thể hiện đã làm nên gía trị nghệ thuật, làm nên sức sống của tác phẩm. Ngược lại những người theo quan niệm “Sáng tác về đề tài lịch sử có thể hư cấu 100%, với điều kiện hư cấu đó phải nhằm phát hiện ra 100% sự thật lịch sử” thì cho rằng những cuốn sách của Bút Ngữ mới dừng lại ở truyện danh nhân chứ chưa thành tiểu thuyết lịch sử. Bởi vì hư cấu là một quyền năng sáng tạo nghệ thuật mà nhờ nó lịch sử mới được chắp cánh và tiếp thêm sức mạnh. Bởi vì tiểu thuyết lịch sử không phải đơn thuần để kể những câu chuyện lịch sử mà tái hiện lại những thời khắc của lịch sử với cái nhìn và tâm thế của những người hôm nay. Ý nghĩa và giá trị của nó không phải chỉ là sự tái hiện sự thật của lịch sử mà nó phải để lại những bài học cho hậu thế và cho con người.
          Những phân tích, lập luận của cả hai quan niệm trên đều không dễ bắt bẻ, càng khó có thể phủ nhận. Bởi với những cuốn tiểu thuyết lịch sử bảo đảm sự chân xác 100%, người ta chỉ có thể chê sách viết chưa hay chứ không thể chê về tính chân, thiện của nó. Còn những tiểu thuyết đã được hư cấu, thì lịch sử ít nhiều đã bị người viết nhào nặn, thêm bớt... nên đã trở thành dã sử nghệ thuật. Đấy là chưa kể có rất nhiều trường hợp nhân danh quyền hư cấu, tác giả đã làm méo mó và xuyên tạc cả lịch sử lẫn nhân vật lịch sử. Nhưng số đông hơn các nhà văn và các nghệ sỹ lại nhất trí ủng hộ quan niệm sáng tác về đề tài lịch sử cần được hư cấu. Vì hư cấu là quyền năng sáng tạo và qua nó, lịch sử sẽ được chắp cánh. Không có hư cấu sẽ không là nghệ thuật, hư cấu là điều cốt tuỷ làm lên sự hấp dẫn và sức sống của tác phẩm. Và như vậy mọi người cho rằng lịch sử chỉ là cái cớ để cho một tác phẩm ra đời. Hay nói như nhà văn Dumas  (Pháp): “Lịch sử đối với tôi chỉ là cái đinh để tôi treo các bức hoạ của tôi”.
         
          Kính thưa quý vị đại biểu, theo thiển nghĩ của chúng tôi Sáng tác về đề tài lịch sử cũng là một loại hình sáng tạo như  bao loại hình sáng tạo văn học nghệ thuật khác. Đã là sáng tạo nghệ thuật thì không có một phương thức thể hiện, cũng như một vấn đề lý luận chuẩn mực, cứng nhắc nào cho nó. Sự thành công hay thất bại và sự mang lại hiệu quả bao nhiêu của mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật chủ yếu vẫn phụ thuộc vào từng tác giả, những người sinh ra nó. Tuy nhiên mỗi cuộc Hội thảo bàn vè chủ đề này, với sự tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm của các nhà nghiên cứu cũng như sáng tác văn học nghệ thuật, mỗi bản tham luận, mỗi ý kiến phát biểu đều đem đến, góp thêm những kiến giải, những luận cứ khoa học mới góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề thực tiễn cho sáng tạo văn học về đề tài lịch sử. Chính vì vậy chúng tôi xin cảm ơn Hội VHNT Hải Dương đã quan tâm tới đề tài, cảm ơn những bản tham luận, các ý kiến trong Hội thảo đã cho chúng tôi và công chúng nhiều ý kiến thiết thực và quý báu.
         
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét