Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

NÔNG DÂN VÀ ĐẤT ĐAI


       
        Phóng sự của NGUYỄN LONG


          Không phải cho tới cuối năm 2011 vừa rồi xảy ra vụ việc ở Tiên Lãng, giới truyền thông cả nước và lãnh đạo các cấp cũng như mọi người dân trong nước mới quan tâm và phát biểu nhiều ý kiến về chuyện đất đai của nông dân. Từ năm 1993, khi có luật giao đất cho dân với thời hạn 20 năm, người dân được tự do, chủ động sản xuất và được hưởng lợi từ chính sự lao động của mình. Có thể nói đó là nguyên nhân đã tạo ra một mức tăng trưởng kỳ lạ. Sau khoảng chục năm, sản lượng nông nghiệp của cả nước tăng vọt lên hơn 200%, Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều và nuôi tôm cá. Đời sống của người nông dân đã được nâng lên một bước rõ rệt. Trong khi đó số lao động nông nghiệp vẫn luôn luôn dư ra và là nguồn cung cấp chính cho những khu công nghiệp mới phát triển. Nhưng bên cạnh sự kỳ diệu luật đất đai mới mang lại, những khúc mắc, khiếu kiện, những phát sinh tiêu cực, tham nhũng từ đất đai ở mọi địa phương trên cả nước cũng ngày một gia tăng. Chưa có một con số thống kê chính thức nào, nhưng mọi người đều nhất trí với nhận định: Khoảng 80% những vụ khiếu kiện của dân và tiêu cực của quan chức ở các cấp, các địa phương từ trước tới nay là do liên quan đến đất đai. Có biết bao nhiêu vấn đề lớn, những vụ lình xình về đất, có vụ có liên quan liên quan tới hàng ngàn con  người, hay tới cả một cụm cư dân lớn như những tảng băng chìm vẫn còn tồn đọng chưa được đưa ra công khai hoặc chưa có phương án giải quyết cho thoả đáng. Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất xảy ra ở Tiên Lãng vừa qua, cùng với vụ án nhằm chuyển hoá đất đai ở nông trường Sông Hậu của bà Ba Sương kéo dài gần chục năm trời đã được kết luận, được công luận rộng rãi biết đến chỉ là một sự cảnh báo: Những mâu thuẫn về đất đai của nông dân đã có những tiềm ẩn bất hợp lý ghê gớm và đã đến lúc các cơ quan công quyền cũng như những người có trách nhiệm ở các cấp phải giải quyết chứ không thể chần chừ, càng không thể né tránh.

         
Luật đất đai còn nhiều bất cập

          Khi nói tới nguyên nhân gây ra những thắc mắc, khiếu kiện và các vụ lình xình, tham nhũng từ đất đai trên cả nước hiện nay, mọi người đều nhận thấy căn nguyên lớn nhất là do luật đất đai còn nhiều bất cập. Có thể nói trong vòng hơn 20 năm trở lại đây không một quốc gia nào trên thế giới lại có sự thay đổi luật đất đai nhiều như vậy. Sau khi chấm dứt thời kỳ bao cấp, năm 1987 luật đất đai mới được ban hành trên tinh thần giao đất cho hộ nông dân. Từ đó tới nay đã qua 5 lần sửa đổi bổ xung. Sửa lần 1 vào năm 1993,  lần 2 năm 1998, lần 3 năm 2001, lần 4 năm 2003, lần 5 năm 2009. Mỗi lần sửa đổi luật lại kèm theo một loạt những Nghị định, thông tư bổ xung, hướng dẫn. Do chắp vá nhiều lần như vậy, nên dẫn tới tình trạng luật vừa rắc rối vừa chồng chéo và vẫn không hoàn chỉnh. Ngay những chuyên gia về đất đai hay những người làm công tác quản lý nếu không chuyên sâu, tinh tường khi động đến những nguyên tắc về đất đai cũng gặp nhiều rắc rối.
          Điều bất cập lớn nhất của những luật Đất đai nói trên là thời hạn sử dụng đất. Đây chính là đầu mối cho sự lo lắng, bất ổn, không dám đầu tư và nguy cơ về sự lộn xộn cho người sản xuất. Và nó cũng là đầu mối nguy cơ, tạo điều kiện cho nạn tham nhũng đất đai. Người đang được giao đất cũng như cả xã hội vẫn đang chờ đợi, sau thời hạn được giao 20 năm thì thế nào có chia lại hay giữ nguyên. Trong khi đó với thời gian 20 năm thì mặt bằng lao động và lực lượng lao động đã có những biến đổi rất lớn. Có nhiều người đã mất, có nhiều người đã chuyển đi và đã có mấy lớp lao động mới được sinh ra. Mà không an cư thì không lạc nghiệp.
          Nói tới vấn đề thời hạn sử dụng đất lại gắn liền với điều cơ bản nhất của luật là vấn đề sở hữu đất đai. Điều đầu tiên trong tất cả các Luật đất đai của ta hiện nay đều ghi: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Theo các chuyên gia trong và ngoài  nước, cái khái niệm sở hữu toàn dân trong luật đất đai của ta hiện nay nó vừa mơ hồ vừa chung chung rất khó lý giải. Trong khi lý luận và thực tế hiện nay đòi hỏi phải có sự sở hữu tư nhân về đất đai cũng giống như sở hữu các tài sản khác.
Đây cũng là điều mâu thuẫn nhất trong luật hiện nay. Bởi tuy luật định vẫn khẳng định “Đất đai là sở hữu toàn dân” nhưng những điều trong luật định vẫn cấp cho người sử dụng đất ở thời hạn vĩnh viễn, vẫn cho người sử dụng đất nông nghiệp thực hiện rất nhiều quyền làm chủ. Nhất là từ khi chính phủ công bố Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 quy định bổ xung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi và giải quyết khiếu nại về đất đai.. Trong đó có điều 41 quy định rõ về việc thu hồi đất làm dự án  phải thoả thuận với dân từ diện tích mặt bằng cho đến định giá đất đai cho thấu đáo chứ không dùng mệnh lệnh. Theo các nhà nghiên cứu, những điều trên đã thể hiện đến 80% nhà nước công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai.
          Qua thực tế mọi người đều nhận thấy một điều, sự mơ hồ của luật đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý thực ra nó gần như trạng thái đất đai vô chủ. Nó đã vô tình tạo điều kiện cho sự lạm dụng tràn lan trong việc sử dụng quỹ đất đai cho lợi ích của các nhóm tư nhân hơn là lợi ích của toàn dân. Nó là cơ hội tham nhũng cho những người có quyền có chức và gây ra phần lớn những bất ổn xã hội. Theo lời GS Võ Tòng Xuân (Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 9/2/2012) những chủ trang trại và chủ ruộng vườn lâu nay rất sợ khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” vì khái niệm này không những tạo kẽ hở cho tham nhũng mà còn gây bất công cho nông dân. Ông Lê Huy Ngọ nguyên Bộ trưởng bộ Nông nghiệp lại cho rằng: chính chế độ sở hữu toàn dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu kiện đất đai thời gian qua. Gay gắt hơn, tại Hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soạt luật đất đai và luật kinh doanh bất động sản do VCC1 tổ chức ngày 21/9/2011 tại Hà Nội, LS Trương Thanh Đức, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải đã chỉ ra bảy cái nhất kinh khủng trong lĩnh vực đất đai, là: Lãng phí tài nguyên, công của nhiều nhất; Lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhiều nhất; Giao dịch phi pháp, mập mờ nhiều nhất; Kiện cáo nhức nhối, phức tạp nhiều nhất; hậu quả ngang trái, oan sai nhiều nhất; khuyến khích bội tín, lật lọng nhiều nhất và chống lại tử tế, lương thiện nhiều nhất.
          Từ những điều kể trên, những người quan tâm đến vấn đề đất đai dự đoán: Những nhà làm Dự thảo luật đất đai để trình Quốc hội thông qua vào năm 2013 sẽ chú trọng tới các phương án: hoặc là giao đất cho dân vô thời hạn, hoặc là xác định rõ đất sản xuất nông nghiệp là sở hữu của người nông dân. Như vậy nó mới thực sự đúng với khẩu hiệu “Người cày có ruộng” của Đảng ta đưa ra từ năm 1930 và khắc phục được những bất cập của luật đất đai hiện hành.

          Nếu thực hiện phương án giao hẳn đất cho dân sẽ có  những thuận lợi và những bất cập mới phát sinh.

          Mọi người đều nhất trí rằng nếu giao hẳn đất cho dân, cái lợi cơ bản là người nông dân có tâm lý ổn định, dám đầu tư lớn và lâu dài sản xuất để nâng cao năng xuất, sản lượng nhằm làm giầu trên đất đai của mình. Đây là một động lực mới cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và cho nông dân.
          Một điều lợi nữa là đất đai trở thành tài sản chính của người nông dân, người ta có quyền buôn bán, chuyển nhượng đất theo pháp luật. Đây là một tài sản không nhỏ đối với người làm ruộng. Nếu khi cuộc sống có biến động người nông dân phải thay đổi cuộc sống như phải chuyển vùng hoặc không sống bằng sản xuất nông nghiệp, họ không bị trắng tay mà có một số vốn nhất định để xây dựng cuộc sống mới. Đây là những cái lợi của chính sách, Vì dân có yên thì nước mới vững, dân có giầu thì nước mới mạnh.
          Tuy nhiên nếu như phương  án giao hẳn đất cho dân được thực thi xã hội phải đối mặt với bất cập mới là: Sẽ hình thành những chủ đất mới và sự phân hoá giầu nghèo trong khu vực nông thôn. Theo ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường. Những điều quan ngại trên có thể xảy ra, nhưng với luật đất đai giao đất có thời hạn như hiện nay cũng không khống chế được tình trạng này. Vì hiện nay những người giầu có tiền họ vẫn có rất nhiều cách để lấy được giấy xác nhận chủ quyền đất cũng như vượt qua được thời hạn để tiếp tục được sử dụng. Thực tế hiện nay cũng đã xuất hiện những địa chủ mới, còn đại bộ phận nông dân nếu không còn ruộng nữa là thành vô sản. Do vậy cần có những chế tài mới phù hợp hơn như đánh thuế cao vào những người không trực tiếp sản xuất mà có nhiều đất, đánh thuế cao vào người có đất mà không sử dụng... để đảm bảo sự cân bằng xã hội.
          Điều lo ngại trước mắt nừa là nếu đã giao đất ổn định lâu dài thì những người sinh sau đẻ muộn lấy đâu ra đất để sản xuất. Cũng theo ý kiến của ông Võ: Hiện nay 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Nhưng khi đất nước phát triển, tỷ lệ nông dân sẽ giảm dần xuống 40-50%. Khi là nước công nghiệp phát triển thì dân số nông nghiệp chỉ còn 10% là cùng. Hiện nay chúng ta đang ép tỉ lệ sản xuất nông nghiệp từ 70% xuống còn 30% vào những năm 2020 – 2030 theo lộ trình đô thị hoá. Do vậy chúng ta đừng buộc con em nông dân phải làm nông dân tiếp mà phải nghĩ đến việc đào tạo con em chuyển sang làm ở các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ...
         
          Đất nước ta từ xa xưa đại bộ phận dân số sóng bằng sản xuất nông nghiệp, hôm nay tỉ lệ nông dân vẫn còn chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Nên vấn đề đất đai và nông dân vẫn còn là vấn đề lớn trong phát triển đất nước. Lịch sử đã cho thấy ở những thời đại nào chính sách khuyến nông được chú trọng, đời sống người nông dân được bảo đảm thì thời đó xã hội hưng thịnh. Một bộ luật đất đai cổ của nước ta nay còn lưu giữ được là bộ luật Hồng Đức được xây dựng vào thời Lê năm 1483. Tuy chế độ phong kiến, mọi quyền hành và tài sản đất nước đều nằm trong tay nhà vua, nhưng bộ Luật  Hồng Đức cũng đã phân rõ ruộng đất có 3 loại sở hữu: 1. Ruộng của triều đình, gồm các loại ruộng Quốc khố và ruộng công thần (ban cho các vương, hầu, bá quan). 2. Ruộng đất công, là loại ruộng của các làng, xã quản lý. 3. Ruộng đất tư là ruộng của các hộ tư nhân nông dân. Gần 1.000 năm trước mà chế độ sở hữu đất đaiỷơ nước ta đã rành rẽ như vậy.
         
Thái Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ nông dân cao trong cả nước. Nhiều năm qua tuy chưa có những vụ việc phức tạp lớn về đất đai, nhưng hầu hết các vụ thắc mắc, khiếu kiện ở một số làng xã cũng đều có nguyên nhân từ ruộng đất. Sự mong muốn có một đạo luật bảo đảm cho người nông dân thực sự được làm chủ ruộng đất cũng là khao khát của mọi người nông dân quê lúa. Vừa qua theo dõi các trao đổi về vấn đề đất đai sau vụ việc xả ra ở Tiên Lãng, khi nghe chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam họp báo cho biết, tới đây Bộ chính trị và Chính phủ quyết tâm sẽ rà soát lại toàn bộ Luật đất đai và liên quan tới việc đó là sửa đổi Hiến pháp. Rất nhiều người đều tin tưởng Luật đất đai mới được chỉnh sửa vào năm 2013 tới sẽ có nhiều cải thiện lợi ích cho người làm ruộng. Có nhiều lão nông còn dự đoán: Năm giảm tô cải cách (1955, 1956) đã sảy ra đúng như theo sấm trạng là đất đai thay đổi, lúc đó người nông dân được chia ruộng thực sự. Nếu cuối năm 2013 Nhà nước thông qua Luật đất đai thì một hai năm sau nữa chính sách ruộng đất mới sẽ được triển khai. Và như vậy có thể sấm trạng lại lặp lại, đúng sau một Hoa giáp người cày lại thực sự có ruộng.

Đó không phải chỉ là mong muốn của nông dân mà là sự mong muốn chung của mọi người dân trong xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét