Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

VIET VE NONG DAN


VĂN HỌC THÁI BÌNH VỚI ĐỀ TÀI
XÂY DỰNG TÀI NÔNG THÔN MỚI
(Tham luận của NGUYỄN LONG,
Thư ký toà soạn tạp chí Văn nghệ Thái Bình)

          Không phải tới khi Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Thái Bình có các Nghị quyết về xây dựng Nông thôn mới, các sáng tác của các cây bút văn chương Thái Bình mới đi sâu phản ánh về xây dựng nông thôn, mà từ nhiều năm nay các vấn đề về Tam nông (Nông nghiệp nông dân và nông thôn) thường xuyên là những chủ đề lớn được quan tâm và đề  cập đến nhiều nhất trong các sáng tác của văn nghệ Thái Bình. Một phần bởi Thái Bình là quê lúa, có tới hơn 80% dân số Thái Bình hiện nay vẫn là nông dân. Nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực, và các chỉ tiêu chăn nuôi nông, lâm, thuỷ sản vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng bộ và người dân trong tỉnh. Song phong trào xây dựng nông thôn mới là cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn và nó thôi thúc sự sáng tạo nhiều hơn cho anh chị em văn nghệ sỹ. Chỉ tính riêng cuộc thi viết truyện và ký về chủ đề nông nghiệp nông dân, nông thôn của tạp chí văn nghệ Thái Bình trong hơn một năm qua đã có gần 100 tác phẩm truyện ngắn và bút ký tham dự.

          Đề tài nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói chung, về phong trào xây dựng nông thôn mới nói riêng, thật ra không phải là vấn đề mới của văn học nghệ thuật cả nước cũng như của từng vùng đất. Thành tựu của văn học Việt Nam từ xưa tới nay gồm những tác phẩm, tác giả lớn hầu hết đều trưởng thành từ đề tài nông nghiệp nông dân và nông thôn. Có thể nói, dù cách thể hiện và các vấn đề quan tâm có khác nhau nhưng các tác phẩm trên đều phản ánh thực tế đời sống nông dân và những vấn đề mới nảy sinh ở nông thôn trong từng thời kỳ khác nhau. Thời kỳ cải cách ruộng đất, sau khi hoà bình lập lại ở mìên Bắc chủ đề chính là nông dân giác ngộ cách mạng  và sự lựa chọn giữa hai con đường làm ăn cá thể và hợp tác xã nông nghiệp. Thời kỳ bao cấp chủ đề chính là ca ngợi, biểu dương xây dựng con người mới trong công cuộc xây dựng hợp tác xã xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giai cấp thống nhất nước nhà. Sau khi đổi mới là thời kỳ kinh tế mở cửa, cùng với sự phát triển đa dạng phong phú của nông nghiệp và nông thôn văn chương viết về nông thôn đã quan tâm tới những vấn đề sâu xa hơn như: sự đổi thay về cách sống, cách nghĩ, cách ăn làm..., đặc biệt là số phận người nông dân trong các mối quan hệ xã hội, làng xóm, dòng họ... Với nhiều cách nhìn và cách thể hiện khác nhau văn học đã phản ánh một hình ảnh nông thôn mới Việt Nam vừa đậm đà bản sắc lại vừa đơn giản mà phức tạp, quen thân mà lạ lẫm, bảo thủ, truyền thống mà thăng trầm, biến cải, vừa lờ lững lại vừa vội vã trôi đi trong dòng hội nhập thế giới...
          Từ nhận thức sáng tác về nông thôn như trên, nên chúng tôi quan niệm: việc xây dựng nông thôn là việc làm diễn ra thường xuyên, liên tục. Do vậy đề tài “xây dựng nông thôn mới” mà hôm nay chúng ta gọi theo phong trào đang thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, thực chất vẫn là chủ đề thường xuyên của văn học nghệ thuật. Chỉ có điều ở thời điểm này, các vấn đề cần quan tâm và phản ánh phải khác hơn mà thôi. Như vậy sáng tác về nông thôn nói riêng, hay về nông thôn nông nghiệp và nông dân không phải là chủ đề thời sự, là mùa vụ của văn học nghệ thuật. Do chưa xác định rõ như trên, nên hiện nay khi có cuộc vận động sáng tác về đề tài xây dựng nông thôn mới, một số người cầm bút ở Thái Bình (và tin chắc ở nột số nơi khác cũng vậy) thường quan niệm đây là một chủ đề mới phải phản ánh biểu dương kịp thời, dẫn tới nhầm lẫn chức năng của văn học nghệ thuật với chức năng của báo chí truyền thông. Thực tế có rất nhiều tác phẩm văn xuôi, nhất là bút ký tham gia dự thi về đề tài này hầu như tập trung phản vào việc ánh tiến độ của phong trào và ca ngợi những kết quả thực hiện 19 chỉ tiêu xây dựng nông mới ở các làng xã hiện nay. Đó là các việc về dồn điền đổi thửa, việc quy hoạch làng xóm, việc cứng hoá mương máng và xây dựng đường nông thôn, việc địa phương A chú trọng đầu tư vốn cho xây dựng  làng xóm, địa phương B có nhiều người tự nguyện hiến đất góp tiền để làm đường ở các xã điểm trong phong trào của tỉnh, của huyện v.v và v.v. Nói chung mới tập trung viết về việc chứ chưa đi sâu viết về chuyện. Những tác phẩm văn học nghệ thuật bao giờ cũng mang một ý nghĩa xã hội và nhân văn rộng lớn và sâu sắc hơn các tác phẩm báo chí rất nhiếu. Ví dụ như hiện thực nông thôn thời hội nhập, nền kinh tế thị trường với những mặt tốt xấu, được mất của nó. Xây dựng nông thôn mới hiện đại và giầu có hơn nhưng cũng có biết bao nhiêu bi kịch phát sinh trong quá trình đô thị hoá làng quê. Đó là tình cảm gia đình, họ hàng, mối quan hệ tình  tình làng nghĩa xóm bền chặt bao đời bỗng chốc quay quắt đổi thay. Là tình trạng cuộc sống của người nông dân đang yên bình, bỗng dưng cả làng như bị điên lên vì đồng tiền mua bán đất, chẳng còn ai thiết tha làm ăn. Hoặc làng xóm tưởng như hàng ngàn năm vẫn trong trẻo, hiền lành rồi đến một đợt khám nghĩa vụ quân sự phát hiện ra một nửa thanh niên làng bị dương tính HIV... Những chuyện động làng, động trời như vậy đã xảy ra ở mọi nơi và cũng đã được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của nhiều tác giả lớn đề cập đến. Vì những vấn đề của cộng đồng làng xóm đó là sự phản chiếu là số phận của người nông dân. Đất nước bao nhiêu năm không còn loạn lạc chiến tranh, xã hội đã tiến vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập với thế giới  nhưng thực trạng cuộc sống người nông dân hôm nay vẫn còn bao nhiêu vất vả, phải đối đầu với cảnh nghèo khó, bần cùng, mất đất mất nhà, tay trắng. Rồi nạn tham nhũng, sự phân hoá giầu nghèo, cái xấu cái ác hoàng hành, đồng tiền ngự trị làm trần gian biến cải... Hiện thực khắc nghiệt trên minh chứng một thực tế đã tồn tại từ ngàn đời: Nông dân bao giờ cũng là lớp người chịu gian khổ, thiệt thòi nhất trong xã hội. Để làm thay đổi nó còn đòi hỏi rất nhiều thời gian công sức của toàn xã hội và tốn không biết bao nhiêu giấy mực nữa của những người cầm bút.
Trong rất nhiều chức năng của văn học nghệ thuật có một chức năng  quan trọng mà trong đề tài xây dựng nông thôn mới các sáng tác ở Thái Bình hầu như chưa đề cập đến, đó là chức năng dự báo. Thái Bình cách đây gần chục năm có Nghị quyết của Tỉnh uỷ về xây dựng cánh đồng 50 triệu tấn/ ha/năm. Đây là một phong trào thiếu cơ sở khoa học vì không tính đến hiệu quả của sức lao động. Thật ra cái kết cục của phong trào này ai cũng nhìn thấy từ khi nó mới được triển khai, nhưng chẳng ai dám phản bác. Kể cả giới báo chí và văn nghệ thuật trong tỉnh cũng chỉ đua nhau ca ngợi. Sau 5 năm triển khai trên diện rộng toà tỉnh, tốn bao nhiêu tiền bạc của nhà nước, công sức của nông dân để rồi kết quả là con số không, và nó tự kết thúc không kèn không trống. Những phong trào “đầu voi đuôi chuột” như vậy đã xảy ra rất nhiều và nó góp phần làm cho nông thôn không những không mới mà thêm nghèo đi. Phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay là một chủ trương đúng đắn  và sáng suốt của Đảng đối với nông nghiệp nông dân và nông thôn. Song trong quá trình triển khai thực hiện, nó còn mang nặng tính khai trương hình thức và bị chi phối bởi nạn tiêu cực như sự tham nhũng, cơ cấu xin cho. Địa phương nào có người mạnh thế và giỏi xin thì được rót nhiều tiền. Và đặc biệt, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới chú trọng nhiều đến việc xây dựng bộ mặt nông thôn, các vấn đề lớn tác động đến sự phát triển nông thôn là sở hữu đất đai và mối quan hệ sản xuất lại chưa được đề cập và giải quyết triệt để. Chính vì vậy nhiều người cho rằng phong trào xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi hiện nay chỉ giống như việc người nghèo được cho bộ quần áo mới chứ chưa phải được đầu tư và tạo cho cơ hội để làm ra tiền bạc của cải. Một thời gian sau quần áo cũ rách thì nhà nghèo vẫn hoàn nghèo. Cũng như việc xây dựng nông thôn mới sau khi hết tiền đầu tư của nhà nước, các công trình sẽ hỏng hóc xuống cấp và thực trạng đời sống của người nông dân vẫn là cảnh đất đai hơn một sào /đầu người. Nông thôn chỉ còn lại người già và trẻ con vì những lao động khoẻ, trẻ có tri thức bỏ ra thành phố. Sự xây dựng, quy hoạch bị đô thị hoá một cách méo mó, vô tội vạ thì nông thôn vẫn là chốn nghèo nhất, lạc hậu nhất trong xã hội...
          Chúng tôi nghĩ đây vừa là chức năng của văn học nghệ thuật, lại vừa là trách nhiệm của người cầm bút hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét