Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

KHÚC NHẠC ĐỒNG QUÊ



                                                                     Truyện ngắn của Đặng Toán


    Hưng lụi cụi lùa đàn bò hướng phía bãi sông Cái. Con đường liên xã mới được trải nhựa đen thẫm. Rặng bạch đàn bên đường lao xao trong gió sớm. Ngay phía dưới, con mương tưới đã được cứng hóa đang cần mẫn chở dòng nước, tắm mát cho thảm lúa mênh mông, như vẫn còn đang ngủ vùi trong làn sương đêm đẫm ướt. Đàn bò lầm lũi nối đuôi nhau theo một hàng dài sát mép đường. Chứng tỏ chúng đã được chủ nhân huấn luyện khá kỹ. Thời gian mới đi chăn, khi dong trên đường ra bãi thả, chúng cứ chạy lung tung cả lên. Hưng vừa phải dồn đuổi vất vả lại vừa bị người đi đường mắng kháy “ Rõ là hâm. Đang ở Hà nội không thích, lại thích về quê chăn bò!”, rồi “ Nom trắng trẻo thư sinh thế mà đi chăn bò. Rõ phí!”...Những câu nói như có muối xát vào lòng, làm Hưng nhiều khi phải bặm môi, mắt rơm rớm...Dù đã xác định ngay từ lúc mới về, anh vẫn không tránh khỏi xót xa... Bao công lao ăn học để bây giờ lại quay về với vạch xuất phát? Có hơn chăng là tấm bằng cử nhân xã hội học mà giờ đây Hưng cũng chẳng biết đến bao giờ mình mới có cơ hội dùng đến nó! Chẳng lẽ Thái nói đúng chăng? Mình về quê là một sai lầm lớn? Nhưng không lẽ cứ quẩn quanh trong cảnh sống ngột ngạt, nay làm chỗ này, mai chạy chỗ kia? Đồng lương thì chưa cầm khỏi tay đã bay mất!.. Không. Mình về quê cũng là để lập nghiệp. Để san sẻ bớt gánh nặng cơm áo cho bố mẹ cơ mà? Trước mắt hãy cứ làm một anh chăn bò đã. Không có gì sướng bằng mình làm thuê cho chính bản thân mình! Hưng đã nghe ai nói câu đó. Và đúng là về quê, Hưng thấy như khỏe ra, đầu óc bớt căng thẳng. Điều quan trọng là được sống làm chính mình, không phải lo giữ ý, giữ miếng, không phải suốt ngày đau đáu với nỗi lo thất nghiệp bất cứ lúc nào...

   Bây giờ, tất cả đã lùi vào dĩ vãng. Người làng giờ quá quen với hình ảnh Hưng: quần áo bảo hộ,chân đi ủng, đầu đội mũ cối, sớm sớm lùa đàn bò thong thả đi về hướng bờ sông...
    Mặt trời đã nhô khỏi ngọn tre. Những tia nắng đầu ngày làm bóng Hưng đổ dài về phía ruộng lúa đang xõa những chiếc lá lấm tấm sương bắt nắng long lanh, tinh khiết. Đàn bò như biết được đâu là cả một sự non tơ, thơm ngọt, đồng loạt bảo nhau cong đuôi lồng về phía trước. Đến bãi sông, chúng tung tăng đùa nghịch như bầy trẻ nhỏ. Con nọ dụi dụi đầu vào con kia như những màn chào hỏi buổi sáng thân thiện. Hai con đầu đàn dạng chân cong đuôi đấu đầu như kiểu sắp sửa bước vào cuộc chiến. Rồi đột nhiên một con quay đầu bỏ chạy  giống như  “thí sinh” chấp nhận mình thua cuộc. Có con cứ thẩn thơ hết hếch mõm lên trời, lại cúi xuống hít hít mấy bông cúc dại nhỏ xíu rồi như chợt phát hiện ra điều gì, bất ngờ lồng lên chạy loăng quăng như kẻ ngớ ngẩn. Mấy con bé hơn mon men đến mép nước, khẽ thò một chân trước xuống như thử xem độ mát rồi thè cái lưỡi nâu đen, khẽ liếm liếm mặt nước một cách dè dặt...
    Đàn bò lúc thì tụm vào, khi lại tản mát mỗi con một nơi. Những bộ lông vàng rực lên dưới nắng càng như nổi bật trên nền cỏ xanh biếc. Sông Cái ăm ắp như một đường viền trắng loang loáng. Tất cả tạo nên một bức tranh thật sống động. Trong đầu Hưng chợt hiện ra hai câu thơ của ai đó “ Nắng tràn cả xuống đồng làng. Bê con thong thả gặm làn nắng tươi”, thật bình dị mà cũng không kém phần nên thơ.
   Giống bò khác hẳn với trâu, không bao giờ chịu ăn cỏ khi còn đang ướt. Những hành động vừa rồi của chúng phải chăng giống như một bài “khởi động” trong lúc chờ cho những ngọn cỏ khô sương? Hưng cứ ngẩn ra vừa ngắm đàn bò vừa suy nghĩ. Kinh nghiệm này anh nghe bác Hòa thú y kể lại, xem ra cũng có cái lí đúng.
   Nắng đã gắt hơn, cảm thấy lưng áo đã nong nóng, Hưng đi về phía gốc gạo gần bến Gạch. Rút cuốn sách ở túi quần ra, ngồi tựa lưng vào cái gốc nhẵn thín. Những hàng chữ tăm tắp đánh thức bao ký ức trong anh. Hưng nhắm mắt lại. Vậy mà đã hơn một năm rồi...

* * *

 - Thái này – Hưng rụt rè ngồi xuống mép giường
- Ông hôm nay làm sao thế? Thái đang nằm quay mặt vào tường, tung chăn lật người lại – Tôi chứ có phải sếp mà ông đến xin việc đâu mà cứ lúng búng như ăn quẩy nóng thế?
Hưng ngửa mặt lên trần nhà, giọng khẽ nhưng rành rọt:
 - Tôi nghĩ kỹ rồi. Đợt này tôi sẽ về quê!
 - Ông điên à? - Thái bật dậy – Tôi đã nói với ông bao nhiêu lần rồi. Vất vả mãi mới xin được một chân ở cái bảo tàng đó. Bỏ là bỏ thế nào? Mà với cái ngành ông học, về quê thì làm được cái quái gì! Về để người ta chửi cho à. Mất bao công ăn học, gì gì cũng phải cố mà trụ lại chứ. Giầu nhà quê chẳng bằng ngồi lê thành phố ông hiểu chưa?
Thái nói một thôi, làm Hưng tự nhiên cũng cao giọng :
 - Nhưng mà tôi chán lắm rồi. Cả mấy tháng trời suốt ngày lo điếu đóm, trà thuốc cho cái tay tiếng Anh nửa mùa đó, tôi không  chịu được nữa!
 - Ông cũng nên nhẫn một chút chứ. Đây chỉ là bước đệm thôi. Lúc tìm được công việc đúng chuyên môn thì tha hồ mà phát huy sở trường với chả sở đoản
- Nhưng mà suốt ngày phải nghe cái tay tiếng Anh nửa mùa đó triết lý, khéo tôi điên mất. Giá mà hắn giỏi giang đã đi một nhẽ. Đằng này thì...
- Thôi ,dẹp cái sỹ diện hão của ông đi. Nên nhớ rằng đây là thời của các con bà cháu mẹ. Bằng cấp nó phọt phẹt thế thì nó vẫn cứ là sếp của mình. Nghĩ thoáng một chút thì mới làm việc được ông ạ!
- Tôi đã quyết rồi. Lần này tôi nhất định nghỉ việc.
- Thôi. Mặc kệ, ông muốn làm gì thì làm. Tôi ngủ đây!
Thái tung chăn trùm kín đầu rồi lại quay vào tường. Hưng ể oải đứng dậy, với tay tắt điện, xách chiếc ghế nhựa bước ra ngoài hè.
    Đêm cuối tháng tối thui. Trời nhiều mây nên chẳng có lấy một vì sao nhấp nháy. Khu nhà trọ ở ngoại ô, lại nằm tít phía cánh đồng bỏ hoang, người thuê chủ yếu là công nhân may, đều đi làm ca nên vắng đến buồn tẻ. Tiếng dế nỉ non nghe càng thêm não nuột. Thỉnh thoảng làn gió mồ côi đưa từ xa lại mùi hôi hôi, thum thủm của nước thải ngập ngụa trong mấy ruộng rau muống. Đã là cuối thu mà không gian nghe chừng vẫn rất ngột ngạt.
 Mình phải về thôi! Cứ sống dặt dẹo kiểu này chắc thần kinh mất! Lý do đưa ra với Thái cũng chỉ là một cái cớ thôi. Đây mà gọi là cuộc sống ở thành phố ư? Thật nực cười! Giá mà mình cũng tếu táo được như Thái thì có lẽ đỡ hơn chăng? Cậu ấy chạy bàn quán nhậu, có phải va chạm, có bị mắng mỏ, chỉ hết buổi là xong. Đêm về đánh khò một giấc lại đến sáng. Thái dân kỹ thuật, học cũng làng nhàng nên có thể cậu ta dễ chấp nhận hơn chăng? Còn mình tốt nghiệp loại giỏi, tiếng Anh không đến nỗi, vi tính cũng chẳng tồi. Vậy mà mang hồ sơ đến đâu người ta cũng lắc đầu quầy quậy. Cái chỗ Hưng đang làm bây giờ là một khu bảo tàng vừa mới được đưa vào hoạt động. Học nhân văn thì kể cũng hơi trái nghề. Nhưng điều mà Hưng chán nhất là chẳng bao giờ có cơ hội thể hiện những gì đã được học trong nhà trường. Tay sếp của Hưng cũng chính là cái tay đã trực tiếp phỏng vấn cậu hôm xét tuyển. Cứ nghĩ đến cái hôm đó là Hưng lại buồn cười. Không biết có phải muốn thể hiện trình độ của mình không, mà trong khi phỏng vấn thỉnh thoảng hắn lại xen vào một câu tiếng Anh chẳng ăn nhập gì cả. Mắc cười nhất là lúc kết thúc buổi phỏng vấn, hắn bắt tay Hưng : Good ningt. Hẹn gặp lại nhé! Trời đất ơi. Đang giữa trưa nắng hừng hực thế này hắn lại chúc mình ngủ ngon thì ngủ làm sao nổi?
   Cảm giác xem thường len vào tâm trí Hưng từ hôm đó. Bởi vậy khi được nhận vào làm dưới “trướng” hắn. Lại liên tục bị hắn sai vặt, khiến Hưng cảm thấy rất ức chế...
   Bất giác Hưng quay nhìn về phía Tây, nơi những quầng sáng đang hắt lên trời loang loáng. Đô thành phồn hoa đó! Chỉ cách nhau chưa đầy hai cây số mà đã là hai không gian hoàn toàn đối lập. Cũng có thể chỉ một vài năm nữa thôi, chỗ Hưng đang ngồi đây cũng sẽ lại nhộn nhịp, lập lòe ánh điện đầy ma lực quyến rũ. Nhưng có lẽ nơi đó không có chỗ cho Hưng chăng? Liệu Hưng có đủ kiên nhẫn để mà chờ đợi...
 Mấy hôm vừa rồi bố gọi lên hỏi tình hình, Hưng phải nói dối là công việc vẫn ổn định. Chẳng biết bố có tin hay không, chỉ thấy ông kể , ở quê bây giờ cũng đổi mới nhiều lắm. Nào là điện đường trường trạm đều được xây to, xây mới. Phong trào cơ giới hóa nông nghiệp phát triển, chăn nuôi đa thành phần, tập trung và quy mô lớn. Đặc biệt chính quyền địa phương còn khuyến khích con em đang làm ăn ở các nơi trở về mang kiến thức, kinh nghiệm chung tay xây dựng làng quê. Bố kể, đàn bò nhà mình giờ đã đông thêm, chăn dắt cũng khá vất vả. Thằng Hoàn em Hưng đi học suốt ngày, hầu như chẳng giúp được gì cho bố mẹ cả... Cũng chính nhờ có đàn bò mà Hưng đã qua được những năm Đại học không đến nỗi chật vật như mấy đứa bạn khác. Bố còn kể rất nhiều chuyện nữa nhưng Hưng nghe cứ câu được câu chăng. Cuối cùng ông dặn Hưng lúc nào tranh thủ về thăm nhà ít hôm. Hưng là đứa cả nghĩ, ý tứ của bố đã rõ. Mấy đêm rồi anh cứ nghĩ miên man, nghĩ đến mụ cả đầu. Không chỉ Hưng, Thái, rồi cả mấy đứa bạn cùng ra trường một đợt nữa. Với đồng lương còm cõi mà phải chi đủ thứ tiền nhà, tiền điện, tiền ăn, tiền sinh hoạt, khiến cuộc sống trở quá ngột ngạt...  Ở. Hay về. Mấy từ đó cứ ong ong trong đầu.  Buổi sáng lúc pha trà cho sếp, tí nữa Hưng còn đánh rơi cả cái ấm. Sếp liếc thấy cười khẩy. Các cậu còn phải học nhiều. Cả những việc nhỏ nhất. Cố mà tích lũy kinh nghiệm! Cổ Hưng đắng ngắt như uống phải ngụm chè pha quá tay...Mình sẽ về quê. Dẫu thế nào mình cũng sẽ về quê!
    Hưng khép cửa, bật điện rồi lấy màn ra mắc. Thái ngủ mơ, ú ớ vài câu gì đó rồi lật người nằm úp. Cái thằng đến là vô tư. Giá mình cũng được một phần của nó nhỉ? Nhưng, như vậy thì mình đã chẳng còn là mình nữa. Hưng mỉm cười trước ý nghĩ thoáng qua trong đầu, với tay vào công tắc điện...

          * * *

    Buổi sáng ở quê không khí thật dễ chịu. Đã tỉnh giấc một lúc Hưng vẫn nằm yên trên giường, tận hưởng hương ổi chín từ vườn sau theo ngọn heo may sớm len vào. Từ lúc về quê, Hưng đã bỏ thói quen đóng chặt cửa sổ khi ngủ như ở trên thành phố... Cũng có lúc Hưng băn khoăn không biết mình có làm sai. Nhưng nhìn lại anh nghĩ mình đã đúng. Trong khi nhiều bạn đang còn chật vật với cơm áo gạo tiền ở thành phố thì cuộc sống của Hưng  đang đi vào ổn định, nếu không muốn nói đã có của ăn của để. Hưng đang có ý định nuôi đàn bò sữa theo một quy trình sản xuất sạch. Nếu bây giờ anh có về Hà nội thì cũng chỉ là về chơi hoặc thăm bạn bè, chứ lập nghiệp thì không!...

- Hưng. Hưng. Dậy mau con!
Thấy vẻ mặt lo lắng của mẹ hiện ra bên cửa sổ, Hưng bật dậy hoảng hốt:
- Có việc gì không mẹ? Bố con đâu?
- Bố có việc đi từ sớm rồi – Mẹ ngừng lời khẽ nuốt khan một cái – Có điều đàn bò làm sao ấy con ạ...
   Hưng vừa khoác thêm áo vừa trấn an mẹ :
- Chắc không việc gì đâu mẹ ạ. Hôm qua, trước khi ngủ con đã kiểm tra kỹ rồi mà. Mẹ đi thái giúp con ít chuối cây, lát con trộn cám cho chúng ăn. Con ra xem sao.
    Mấy hôm nay đang có đợt phun thuốc trừ sâu cho lúa. Bác Hòa dặn Hưng không được cho bò đi ăn ở những bờ vùng gần cánh đồng. Và tốt nhất là hạn chế thời gian chăn thả ngoài cánh đồng. Hưng cũng biết vậy nên chiều tối mới đưa bò ra ngoài bãi sông cho chúng đỡ cuồng cẳng một chút. Rút từng ôm rơm bỏ vào chuồng, Hưng quan sát thấy đàn bò có vẻ bồn chồn, gõ móng xuông nền liên tục. Vài con, hai bên mép đã xuất hiện ít bọt dãi trắng. Theo như kinh nghiệm của bác Hòa thì đây là biểu hiện của chứng thay đổi trên cơ thể gia súc khi thời tiết giao mùa. Nhưng cũng rất có thể đây là dấu hiệu ban đầu của bệnh lở mồm long móng mà Hưng đã xem được trên mạng. Có điều, bệnh lở mồm long móng thì xung quanh các móng của chúng phải xuât hiện thêm những mụn nhỏ nữa. Từ khi đàn bò phát triển lên, Hưng đã chú ý nhiều hơn đến chăm sóc và nhất là phòng bệnh cho chúng. Lại được thêm bác Hòa quan tâm chỉ bảo, nên đàn bò nhà Hưng chưa bị dính bệnh lần nào. Nhưng cẩn thận vẫn không thừa. Chẳng gì đây cũng là tất cả cơ nghiệp của gia đình Hưng. Số tiền đầu tư vào đó với gia đình Hưng là cả gia tài khổng lồ. Chính vì vậy mà cả nhà “ăn vì bò, ngủ vì bò” và chăm bò như chăm trẻ nhỏ vậy... Mình phải sang nhà bác Hòa ngay mới được. Không hiểu bác làm gì mà gọi mấy lần không thấy nghe máy...
  Thấy Hưng lạch xạch dắt xe, mẹ từ bếp nói vọng ra :
- Không ở nhà ăn sáng còn đi đâu hở con?
- Con đi đằng này một lát con về ngay.
Anh vừa trả lời vừa nhẩy lên chiếc “cào cào” phóng một mạch. Hưng phanh xe đánh “két” trước chiếc cổng gỗ sơn xanh quen thuộc. Dàn hoa giấy bên trên vòm cổng được uốn tỉa công phu như mái tam quan xanh dịu đã điểm xuyết vài bông hoa đỏ rực. Cửa không khóa.
- Bác Hòa ơi! Bác Hòa có nhà không ạ?
Anh vừa hỏi vừa hướng mắt vào trong. Có tiếng dép vội vã, rồi cánh cổng hé mở. Hưng ngẩn người. Đứng trước mặt anh là một cô gái chừng hai mươi tuổi. Mái tóc cắt bấm ôm lấy khuôn mặt tròn rạng rỡ cùng làn da nâu tươi tắn. Chắc đây là cô con gái mà bác Hòa hay nhắc đến chăng? Mấy lần đến sao nay mình mới biết mặt nhỉ?
- Anh là anh Hưng phải không ạ? Cô gái vừa mở rộng cánh cổng vừa vồn vã hỏi.
Hưng còn chưa hết ngạc nhiên, cô đã tiếp lời – Em thấy tên anh ở cuộc gọi nhỡ trong điện thoại của bố em quên ở nhà. Anh vào nhà đi, bố em lên trạm thú y Huyện có chút việc. Chắc ông cũng sắp về rồi.
- Em là Nhị đúng không, Bác Hòa cũng hay kể về em lắm.
  Hưng vừa dắt xe vào sân vừa kín đáo ngắm cô gái. Không hiểu sao vừa mới gặp mà anh cảm giác như giữa hai người đã có sự quen thân từ trước. Lâu lắm, kể từ khi trở về quê, Hưng mới lại có được cái cảm giác lâng lâng nhẹ nhõm như vậy. Nhị đúng là một cô thôn nữ có vẻ đẹp khỏe khoắn mà đằm thắm. Dáng người cao ráo nhưng tròn lẳn, bước chân nhanh mạnh mà vẫn rất uyển chuyển. Thật đối lập với bác Hòa vừa thấp lại vừa gầy. Hưng khẽ mỉm cười với hình ảnh so sánh vừa hiện ra trong đầu.
- Anh Hưng uống nước đi – Nhị niềm nở – Bố em khen anh lắm. Ông bảo chẳng có mấy ai can đảm được như anh đâu!
- Chắc bác lại quá lời rồi - Hưng đỡ chén nước từ tay Nhị, giọng chợt chùng xuống – Thú thực, tôi phải bao đêm suy nghĩ đến mất ngủ để đi đến quyết định khó khăn này. Thời gian đầu cũng bi quan lắm Nhị ạ... Còn bây giờ thì khá hơn nhiều rồi.
- Bố em vẫn bảo : Có chí thì nên. Cuộc sống có rất nhiều con đường đi đến thành công. Cũng bởi một phần nghe theo lời khuyên của bố. Hơn nữa, em từ nhỏ đã rất yêu thích các con vật nuôi, nên quyết định thi vào khoa thú y Đại học nông nghiệp anh ạ. Còn một năm nữa là ra trường, em sẽ về quê theo nghề của bố.
- Em suy nghĩ như vậy là đúng. Thằng Hoàn nhà anh cũng đòi học xong ở nhà chăn bò. Anh không chịu. Anh bảo nó phải xong Đại học đã rồi muốn làm gì thì làm...Cứ như em thế lại hóa hay – Hưng đã thấy vui vui trở lại trước cách nói chuyện vồn vã, cởi mở của cô gái – Vậy là anh gặp thầy gặp thuốc rồi. Anh đang muốn nhờ bác sang xem giúp có phải đàn bò đang có dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng không.
- Để lát bố về em sẽ nói lại. Nhưng anh có thể yên tâm. Em thấy ông bảo vùng ta hiện nay chưa có dịch – Nhị vừa nói vừa đi về phía kệ sách góc phòng – Em nghe bố em nói anh đang có ý định nuôi bò sữa...Anh mang cuốn này về xem thử. Nó sẽ có ích cho công việc của anh đấy.
   Hưng đỡ cuốn sách từ tay Nhị rồi lướt nhanh một lượt... Đây đúng là thứ mình đang cần. Cuốn “ Cẩm nang cho những nhà chăn nuôi”, trong đó  giới thiệu mô hình phát triển chăn nuôi đàn bò sữa ở vùng nông thôn có điều kiện phù hợp. Mấy hôm trước, lúc ngồi uống nước với bác Hòa khi bác sang phổ biến cách tiêm phòng cho bò ở nhà Hưng. Hai bác cháu đã đề cập đến vấn đề này. Theo bác Hoà, vùng quê của Hưng còn khá nhiều khu đất bỏ hoang, bãi trống. Nuôi bò thịt như gia đình Hưng, hiệu quả kinh tế cũng tạm được nhưng khá vất vả, bởi bò chăn thả rông rất hay bị bệnh. Mỗi năm bà con đổ xuống cánh đồng không biết bao nhiêu tấn thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Bò ăn cỏ, uống nước đều có thể là nguồn tích lũy bệnh, nhất là vào những đợt phun thuốc đại trà, không cẩn thận cả đàn đi ỉa thì chỉ nước phá sản.
   Hưng tìm hiểu trên mạng cũng như thực tế từ bác Hòa đi tham quan một số nơi nuôi bò sữa theo một quy trình khép kín rất hiệu quả. Tương lai khả quan lắm. Có điều chi phí cho con giống rất cao, rồi những vùng trông cỏ voi cho bò phải tuyệt đối sạch, Hưng cảm thấy rất phấn khởi. Nghe anh trình bầy, bố mẹ lúc đầu cũng rất run. Nhưng cuối cùng anh cũng thuyết phục được!
- Anh uống nước đi, làm gì mà cứ như người mất hồn thế - Nhị vừa rót thêm nước vào chén của Hưng vừa trêu
- Anh đang nghĩ về mô hình nuôi bò sữa trong cuốn cẩm nang của em. Nói thì như vậy, nhưng bắt tay vào việc thì không dễ chút nào. Cũng may, anh đươc hai cụ hoàn toàn tin tưởng. Có điều anh cảm thấy khó khăn nhất là vấn đề vốn. Em học thì cũng biết rồi đấy. Bốn, năm năm bố mẹ đã liêu xiêu vì anh. Đàn bò mà gia đình đang có, hai cụ cũng phải thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng. Về cơ bản anh cũng đã xóa được số nợ rồi.  Giờ lại tiếp tục vay nhiều hơn nữa, nên anh cũng đang phân vân lắm!
- Cố gắng lên anh. Bây giờ chính sách cho vay vốn của ngân hàng cũng thoáng lắm. Bước đầu mình cứ làm theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, thử xem mô hình có hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng mình không đã. Bố em nói sẽ ủng hộ anh hết lòng đấy. À mà sau khi học xong, em xin vào trang trại bò sữa của anh để hành nghề. Không biết lúc đó anh Hưng có nhận không nhỉ?
- Anh sẽ ký cả hai tay – Hưng vui vẻ  - Được trò chuyện với em ,anh cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm. Cảm ơn em nhiều lắm. Thôi có lẽ anh phải về kẻo mẹ anh lại suốt ruột. Lát nữa bác về, nhờ em nói với bác hộ anh!...
   Hưng lên xe đi một đoạn, quay lại vẫn thấy Nhị đứng ở cổng nhìn theo. Lòng anh như có con chìa vôi đang nhẩy nhót.
   Mình sẽ phải cố gắng hết sức! Hưng tự nhủ.  Những dự định cho tương lai chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng Hưng tin là mình sẽ vượt qua, bởi giờ đây anh như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới. Một làn gió từ cánh đồng thổi tới. Cả biển lúa rì rào ngân lên khúc nhạc của đồng quê

                                                                                          Tháng 9/2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét